Sự cứng nhắc của người lớn đã khiến em bé học sinh lớp 1 ở Gia Lộc (Hải Dương) có kỷ niệm đầu đời của tuổi học trò không vui. Dư luận cũng được một phen ồn ào quá mức.
Dịp tổng kết năm học 2023-2024, mạng xã hội xôn xao với câu chuyện một người mẹ không đóng quỹ cha mẹ học sinh nên con không được ăn liên hoan cùng các bạn. Chiều muộn 27/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đã gửi báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự việc này.
Theo xác minh của sở, cháu bé lớp 1 vẫn được ăn liên hoan bánh kẹo cùng các bạn, chỉ không có suất ăn gà rán riêng nhưng vẫn ăn chung cùng các bạn. Lý do là phụ huynh của cháu không đóng góp ý kiến lên nhóm Zalo của lớp, không đóng tiền quỹ cha mẹ học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lộc chỉ đạo Trường Tiểu học Gia Lương làm việc với phụ huynh để được chia sẻ, thông cảm; tổ chức rút kinh nghiệm chung trong công tác quản lý.
Câu chuyện ồn ào không đáng có này có lẽ đã đi đến hồi kết về mặt quản lý song hậu quả mà nó để lại không thể tự nhiên biến mất, và những trường hợp tương tự như thế này không phải là hiếm hoi trong các trường học. Đây là bài học chung mà các nhà trường, các Ban đại diện cha mẹ học sinh và bản thân mỗi phụ huynh đều nên tham khảo, rút kinh nghiệm.
Trong những tình huống tương tự, cách xử lý mà nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh áp dụng là vẫn mua đủ các suất ăn thưởng cho tất cả học sinh bằng số tiền thu được hoặc một số phụ huynh khác nộp thêm tiền bù vào phần thiếu. Chính Hiệu trưởng trường tiểu học nơi xảy ra vụ việc vừa qua cũng cho rằng đáng ra bộ phận tổ chức nên linh động mua thêm một suất cho cháu bé. Song cách giải quyết này thực ra cũng không hoàn toàn thấu đáo vì những phụ huynh không nộp tiền có thể không đồng ý cho con ăn liên hoan. Nếu các phụ huynh khác tự ý cho học sinh đó ăn thì có thể sẽ bị phản đối.
Để tránh những ồn ào tương tự, điều cần thiết nhất là sự trao đổi, thống nhất giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với tất cả các phụ huynh trong lớp trên tinh thần hướng tới quyền lợi tốt nhất cho học sinh. Với những phụ huynh không đồng ý đóng góp quỹ, cần tìm cách lấy ý kiến xem họ có muốn con tham dự liên hoan cùng các bạn không. Nếu vẫn muốn thì Ban đại diện cha mẹ học sinh có thể linh động san sẻ thêm một vài phần cho các cháu. Nếu phụ huynh không muốn con tham gia thì Ban đại diện cha mẹ học sinh và giáo viên vẫn nên thuyết phục phụ huynh để học sinh được dự các hoạt động chung giống như các bạn cùng lớp. Bản thân mỗi phụ huynh cũng cần quan tâm tới quyền lợi, nhu cầu, tâm lý của con mình muốn được là một phần trong tập thể giống như những học sinh khác. Ban đại diện cha mẹ học sinh không nên cứng nhắc “không đóng tiền thì không có suất”. Bản thân phụ huynh không nên khăng khăng tách con mình ra khỏi những hoạt động chung như ăn liên hoan vì có thể khiến các em cảm thấy tủi thân vì mình không được như các bạn. Nếu phụ huynh thấy cách tổ chức hay mức đóng góp chưa hợp lý thì nên có ý kiến để Ban đại diện cha mẹ học sinh cùng bàn luận, điều chỉnh.
Sau tất cả những ồn ào, người thiệt thòi nhất vẫn là cháu bé. Sự cứng nhắc của người lớn đã khiến em bé học sinh lớp 1 có kỷ niệm đầu đời của tuổi học trò không vui vẻ. Mong rằng sau những công văn báo cáo, kết luận, sau những lời giải thích từ nhiều phía, các nhà trường, phụ huynh sẽ thực sự rút kinh nghiệm để không có thêm học sinh nào bị tổn thương trong môi trường lẽ ra các em phải được cảm thấy an toàn, vui vẻ nhất.
THÁI HÒA