Ba tuần sau lệnh phong tỏa "nội bất xuất, ngoại bất nhập", TP Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) đang được đặt trong tình trạng "thời chiến".
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan thị sát Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn tại Vũ Hán ngày 8.2
Mọi căn nhà bị gõ cửa, mọi ngõ ngách và con đường bị sục sạo với quyết tâm không để có bất kỳ "con quỷ Corona" nào sống sót.
Gần như tất cả mọi nguồn lực của Trung Quốc đều đang đổ dồn về Vũ Hán cho dù các địa phương khác cũng có người nhiễm bệnh. Hơn 1 vạn y bác sĩ từ khắp mọi miền Trung Quốc đã tề tựu ở Vũ Hán, hàng hóa, tiền bạc và trang thiết bị y tế được đưa tới tâm dịch, quyết không để những người mắc kẹt bị thiếu thốn.
Nói như một người dân Trung Quốc: "Những con rồng trên cả nước đã cho Vũ Hán chiếc vảy cứng nhất của chúng, cho dù bản thân chúng mình đầy thương tích". Vũ Hán trở thành chiến trường trong một cuộc chiến không mùi thuốc súng.
Tổng động viên "thời chiến"
Trung Quốc đã chính thức tuyên chiến với chủng mới của virus Corona, xem việc chống dịch như chống giặc. Lệnh "tổng động viên" đã được ban ra, với nhiều biện pháp được đánh giá là cực đoan nhưng không thể không làm nếu muốn khống chế dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona.
"Cả nước và Vũ Hán phải đặt trong tình trạng thời chiến. Không ai được phép đào ngũ" - Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan nhấn mạnh trong chuyến thăm Vũ Hán ngày 6.2 trước khi công bố một loạt biện pháp cứng rắn để kiểm soát dịch tại Vũ Hán dưới sự chỉ đạo trực tiếp của bà. Áp lực là rất lớn bởi khi cả thế giới nhìn vào Trung Quốc, cả Trung Quốc sẽ nhìn về Hồ Bắc, còn toàn Hồ Bắc thì trông vào Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh và cũng là nơi phát dịch.
Thành phố Vũ Hán có 11 triệu dân nhưng khoảng 5 triệu người đã rời khỏi đó trước khi bị phong tỏa. 6 triệu dân còn lại của Vũ Hán, bất kể nghề nghiệp và tuổi tác, giờ đây được phân thành 5 "loại người" theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Tôn: người bị bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh và chưa được kiểm tra, người bị sốt có thể nhiễm bệnh, người tiếp xúc gần với các trường hợp bị bệnh và người khỏe mạnh.
Ngoại trừ "loại người" cuối cùng, 4 "loại người" còn lại phải được đưa vào diện bắt buộc cách ly và theo dõi, trong đó loại số 1 phải đưa ngay vào các bệnh viện cấp thành phố của Vũ Hán, loại số 2 đưa vào các bệnh viện cấp quận; riêng loại số 3 và 4 có thể đưa vào các trung tâm cách ly dã chiến, các khách sạn cách xa khu dân cư, Đài CGTN tường thuật.
Bà Tôn chỉ đạo Vũ Hán phải sử dụng toàn bộ nguồn lực, "không được để sót bất kỳ bệnh nhân nào", "không được châm chước cho bất kỳ cá nhân hay gia đình nào" trong cuộc chiến quyết định này nếu không muốn "bị đóng đinh vào cột ô nhục của lịch sử".
Kiểm tra từng nhà
Trở về Vũ Hán sau chuyến thị sát một địa phương của tỉnh Hồ Bắc ngày 9.2, Phó thủ tướng Tôn yêu cầu các bệnh viện, trung tâm điều trị ở Vũ Hán phải tiếp nhận tối đa bệnh nhân trong thời gian ngắn nhất, không được phép có tình trạng đùn đẩy và từ chối nhận bệnh, Tân Hoa xã đưa tin. Trước mắt, bà Tôn cho rằng cần phải gấp rút triển khai thêm các bệnh viện dã chiến, sẵn sàng biến trụ sở đảng và chính quyền ở Vũ Hán thành các địa điểm cách ly.
Thiết lập thêm các bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly trở thành nhiệm vụ chạy đua với thời gian, bởi vì theo bà Tôn, muốn tiếp nhận và cách ly tất cả người bệnh và nghi nhiễm bệnh, "trước tiên phải có giường cho người ta đặt lưng xuống".
Theo Tân Hoa xã, gần 2 vạn cán bộ, đảng viên Vũ Hán đã được huy động vào chiến dịch xuống địa bàn sau chỉ đạo của bà Tôn. Nhiệm vụ của họ là gõ cửa từng nhà, kiểm tra tất cả những người bên trong. Tại các khu phố, cổng chung cư, các chốt kiểm tra thân nhiệt được thiết lập với nhân viên cơ hữu là các tình nguyện viên, đảng viên.
Lệnh kiểm tra từng nhà, từng người được ban bố cả bên ngoài Vũ Hán. "Tôi là đảng viên, tôi sẽ đi trước", một đảng viên tại thành phố Gia Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang hăng hái tham gia đội kiểm tra tình nguyện của thành phố. Chỉ trong vòng một ngày, hơn 1.300 đảng viên Gia Hưng đã xung phong vào các đội chốt chặn tại 11 trạm thu phí cao tốc của thành phố, theo Tân Hoa xã.
Các bác sĩ vận chuyển người bệnh vào Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn tại Vũ Hán
Áp dụng các biện pháp cực đoan
Chính quyền một số thành phố ở Trung Quốc đã yêu cầu ngừng bán ngay lập tức các loại thuốc trị ho và sốt - hai triệu chứng phổ biến của người bị nhiễm nhằm buộc người dân phải tới các bệnh viện xét nghiệm thay vì giấu bệnh và điều trị tại nhà.
Theo tờ Tin Tức Bắc Kinh thuộc Thành ủy Bắc Kinh ngày 8.2, thành phố Hàng Châu hơn 10 triệu dân đã cấm tất cả hiệu thuốc tây bán thuốc trị ho và sốt vô thời hạn. "Người dân có các triệu chứng này phải tới bệnh viện càng sớm càng tốt".
Cũng theo tờ này, Ninh Ba và Tam Á, hai thành phố có tổng dân số hơn 8,6 triệu người, đã nối gót Hàng Châu sau đó. Tại Thâm Quyến và một số khu vực lân cận thuộc tỉnh Quảng Đông, những người mua thuốc trị ho và sốt phải xuất trình thẻ chứng minh nhân dân và khai báo tên thật để chính quyền quản lý.
Một số người dân lo lắng rằng các biện pháp cực đoan mới có thể đặt những người khỏe mạnh, tức chỉ bị sốt và ho thông thường, vào nguy cơ bị lây nhiễm cao khi đến bệnh viện chữa trị. Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, nhiều người cho biết đã chủ động tới bệnh viện kiểm tra khi có các triệu chứng trên nhưng bị trả về vì bệnh viện chỉ tiếp nhận các ca bệnh nặng và không có đủ dụng cụ xét nghiệm.
"Các biện pháp này có thực sự hợp lý không? Rõ ràng người dân có thể tự chữa trị bằng thuốc mua bên ngoài thay vì đến bệnh viện, làm tổn hao thời gian và các tài nguyên y tế ở đó, thậm chí có nguy cơ bị lây nhiễm", một người dân chất vấn trên Weibo. Một người khác lập tức trả lời: "Thà cách ly lầm hơn bỏ sót. Ra tay mạnh mẽ, cực đoan lúc này mới thực sự là người có trái tim bồ tát".
Theo Tuổi trẻ