Việc làm này nếu xét theo luật có thể đã vi phạm vào quyền được học tập trẻ em, không những thế còn liên quan đến lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức của giáo viên.
Mới đây, theo tố cáo, một học sinh tiểu học ở Đắk Nông do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có 550 ngàn đồng để đóng tiền quỹ, nên bị nhà trường giữ lại học bạ, không thể chuyển cấp làm việc học của em học sinh này bị gián đoạn vào thời điểm đó.
Sự việc trên đặt ra một loạt những câu hỏi rằng: Cách quản lý giáo dục này có quá cứng nhắc? Đi học là quyền của trẻ em không nên "cản bước" bằng việc làm như thế? Và đặc biệt là trẻ em nghèo thì càng phải giúp đỡ, vận động, động viên để các em có thể đến trường học tập?
Trẻ em có quyền được học tập
Theo Điều 16 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định:
"1-Trẻ em có quyền được học tập;
2-Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí".
Trẻ em có quyền được học tập, điều này có nghĩa là bất kì trẻ em dưới mười sáu tuổi, là công dân Việt Nam đều có quyền được đi học đúng độ tuổi, có quyền tham gia học đầy đủ các chương trình giáo dục của Nhà nước. Mọi hành vi ngăn cấm việc trẻ em không được thực hiện quyền được học tập một cách chính đáng đều là hành vi đi ngược lại lợi ích, sự phát triển một cách bình thường của trẻ.
Như vậy, xét theo khía cạnh cả lý cả tình thì việc thu giữ học bạ khiến học sinh không thể chuyển cấp, làm gián đoạn việc học vì không thể đóng tiền quỹ là không đúng, có thể đã vi phạm vào quyền được học tập của trẻ em.
Giáo dục là một trong những yếu tố giúp đất nước ngày một phát triển, cho nên quyền học tập là một quyền tối quan trọng. Đây là một quyền đương nhiên mà trẻ em được hưởng, mọi trẻ em không phân biệt điều kiện và hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập, được tạo điều kiện để ai cũng được học hành.
Cô Phạm Kim Dung (giáo viên tiểu học ở Vĩnh Phúc) cho biết: "Việc thu giữ học bạ của học sinh như vậy là không đúng. Các em đều có quyền được đến trường, tham gia học tập vui chơi. Việc làm này nếu xét theo luật có thể đã vi phạm vào quyền được học tập trẻ em, không những thế còn liên quan đến lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức của giáo viên".
Cách quản lý giáo dục này là quá nguyên tắc, vô cảm trước hoàn cảnh của học sinh. Thiết nghĩ, nếu biết hoàn cảnh quá khó khăn có thể kêu gọi giúp đỡ, không nên xử lý sự việc một cách máy móc, nguyên tắc như vậy.
Đồng tình với cô Dung, cô Hoàng Thị Tình (giáo viên Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) cũng cho rằng dường như nhà trường đang thực hiện quy định một cách quá khắt khe. "Hàng năm, đều có các suất học bổng khuyến học trên bộ, sở giáo dục; nhà trường hoàn toàn có thể đề xuất hoàn cảnh của các em để xin những suất học bổng đó. Còn vì việc này mà thu giữ học bạ của học sinh thì tôi thấy là không đúng chút nào", cô Tình bày tỏ.
Trong giáo dục đúng là chúng ta phải thật nghiêm túc thực hiện theo những quy định, nhưng tuy nhiên trong nhiều trường hợp cũng cần có những thay đổi mềm dẻo để phù hợp với hoàn cảnh mà vẫn hợp lý hợp tình, không phải lúc nào cũng quá cứng nhắc với những quy định ấy.
Càng trẻ em nghèo càng phải giúp đỡ
Với những chính sách và luật cụ thể, Nhà nước ta đều mong muốn tất cả trẻ em đều được đến trường, không phân biệt hoàn cảnh. Đặc biệt, với những em có hoàn cảnh khó khăn lại càng phải quan tâm, tạo điều kiện, khuyến khích để các em có thể được đến trường. Học sinh khó khăn thì phải huy động các nhà hảo tâm hoặc quỹ khuyến học để em được đi học.
Ở những vùng núi xa xôi, hẻo lánh, nhà nghèo, đường xá đi lại khó khăn mà các thầy cô còn phải đến gõ cửa từng nhà để vận động, động viên cha mẹ và các em đến trường học tập huống chi khi biết hoàn cảnh của em học sinh này như vậy mà vẫn cứng nhắc không chịu giúp đỡ.
Cô Nguyễn Hương Giang (giáo viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng) chia sẻ: "Nhìn những em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn luôn vượt khó đến trường học tập tôi rất ngưỡng mộ và trân trọng. Bởi vậy mà ở lớp tôi luôn cố gắng nhất để có thể quan tâm tới các em ấy, giúp được gì trong khả năng tôi đều sẽ cố gắng. Bởi tôi luôn quan niệm rằng "Cuộc đời này giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình". Đặc biệt là với các em học sinh yêu quý, nếu tôi dành sự quan tâm, yêu mến, giúp đỡ chúng; tôi tin rằng ngày nào đó chúng cũng sẽ trả ơn tôi".
Đi học là quyền và nghĩa vụ của trẻ em, bởi vậy chúng ta lại phải càng tạo điều kiện, giúp đỡ những em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để các em đều được đến trường, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Dân trí