Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật: Cán bộ lão thành "mừng nhưng không vui"

03/10/2021 06:11

Các ông Vũ Quốc Hùng và Lê Việt Trường đều hoan nghênh quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc làm rõ và xử lý vi phạm.

>>> Cách hết chức vụ trong đảng 7 tướng, khai trừ đảng 2 tướng Cảnh sát biển

Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật: Cán bộ lão thành mừng nhưng không vui - Ảnh 1.

Ông Vũ Quốc Hùng - Ảnh: LÊ KIÊN

Trước việc Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, khai trừ đảng 2 tướng, cách hết tất cả chức vụ trong đảng của 7 tướng lĩnh khác, cả ông Hùng và ông Trường đều hoan nghênh quyết tâm của Đảng, Bộ Quốc phòng trong xử lý vi phạm, sai phạm, nhưng đều "thấy rất đau".   

Phải trả lời tại sao để ra nông nỗi này?

Ngày 2.10, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường  trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết khi nghe tin về sự việc trên, ông thấy "rất đau đớn". Vì đây là một lực lượng rất quan trọng và những tướng lĩnh này là người lãnh đạo, chỉ huy nhưng lại có sai phạm.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng qua vụ việc này cũng đã thể hiện được sự quyết tâm cao của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư trong việc phòng chống tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc và làm một cách cẩn trọng, tìm ra những thông tin chính xác để xử lý những cán bộ vi phạm này.

Vị cán bộ lão thành bày tỏ: "Việc công khai kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển chứng tỏ một thời kỳ mới mà như đồng chí Tổng Bí thư và Đảng ta đã nói là "dân chủ, công khai, minh bạch". Đó là phương châm hành động của Đảng ta và cũng là quy luật chung của phương châm quản lý con người, cán bộ, không thể úp úp, mở mở".

"Tôi mừng nhưng không vui. Không vui sướng gì khi xảy ra những sự việc thế này. Nhưng mừng vì tổ chức Đảng của chúng ta vì sự vững mạnh, trong sạch mà quyết tâm cao độ, qua đó mới làm rõ được những vụ việc như thế này", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian tới cần phải tiếp tục xử lý các sai phạm để rút ra bài học kinh nghiệm. "Bài học kinh nghiệm ở đây là vì sao một lực lượng rất quan trọng như vậy mà lại để ra nông nỗi này? Nếu như công tác kiểm tra, giám sát theo các quy định của Đảng làm đến nơi đến chốn, làm kịp thời, thường xuyên thì không đến nỗi mất mát lớn như vậy".

Đảng ủy Quân sự trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có trách nhiệm quản lý đơn vị có những tướng lĩnh vi phạm cần phải trả lời rằng tại sao lại để ra nông nỗi này? Các cơ quan này cần tiếp tục trả lời các vấn đề liên quan nhằm rút kinh nghiệm, chứ không phải để làm mọi chuyện trở nên to tát.

Ông Hùng đề nghị cần phải phổ biến và thực hiện thật tốt Quy định 22 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. "Chủ động chứ không bị động, chiến đấu là phải đấu tranh với các tiêu cực, đây không phải là chuyện dễ dàng, mà đây là cuộc đấu tranh phải có dũng khí. Từ đó răn đe, cảnh cáo, giáo dục những người vi phạm. Phải cho những "củi" xấu vào lò, chứ không phải mục đích là để có thành tích đưa càng nhiều "củi" cho vào lò càng tốt", ông bình luận. 

Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật: Cán bộ lão thành mừng nhưng không vui - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường - Ảnh: Quochoi.vn

Sau kỷ luật, phải có cuộc chỉnh huấn nghiêm túc

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Việt Trường cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử của quân đội từ năm 1944 đến nay và trong 23 năm tuổi của lực lượng Cảnh sát biển (từ năm 1998 đến nay), phải kỷ luật số lượng tướng lĩnh cao cấp nhiều như vậy.

“11 tướng lĩnh cùng bị kỷ luật (2 tướng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật, 9 tướng do Ban Bí thư thi hành kỷ luật - NV) là số lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử quân đội và đây đều là lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu từ trên xuống dưới của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Việc phải kỷ luật số lượng cán bộ lớn trong một thời gian rất ngắn với một lực lượng tuổi đời chưa nhiều như Cảnh sát biển vô cùng đau xót và rất nghiêm trọng”, ông Trường nói và nêu rõ trong vụ việc này, chúng ta không chỉ mất cán bộ mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của quân đội, quốc gia.

Tuy nhiên, theo ông Trường, việc xử lý nghiêm minh, công khai trong trường hợp của các tướng lĩnh Cảnh sát biển đã thể hiện rõ quan điểm không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định.

Ông nói, trước đây, những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là liên quan đến lực lượng thuộc môi trường biển, thông thường nhiều người cho rằng “nhạy cảm”, có nhiều yếu tố đòi hỏi cần thiết phải có cách thức riêng.

“Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư công khai các vi phạm, xử lý đã cho thấy rõ, việc xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, bình đẳng trước pháp luật đối với các vi phạm, tiêu cực, tham nhũng.

Trong số các tướng lĩnh bị kỷ luật đã có 2 thiếu tướng bị khởi tố, bắt tạm giam nên cử tri và nhân dân rất tin tưởng trong thời gian tới, các vi phạm này sẽ được xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội”, ông Trường nói thêm.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng chỉ rõ, sau khi kỷ luật về Đảng, các cơ quan chức năng sẽ có các kỷ luật về chính quyền, kể cả hình sự tùy theo vi phạm, hành vi phạm tội nếu có của các cá nhân.

Sau vụ việc này, ông Trường nhấn mạnh, có rất nhiều bài học được đặt ra, nhưng quan trọng nhất là Bộ Quốc phòng cần phải có một cuộc chỉnh huấn nghiêm túc không chỉ ở lực lượng Cảnh sát biển mà trong toàn quân.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ 9 tướng Cảnh sát biển bị kỷ luật: Cán bộ lão thành "mừng nhưng không vui"