Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chia sẻ quan điểm của mình về sự cố 9 người đi theo đoàn Chủ tịch Quốc hội sang Hàn Quốc rồi bỏ trốn ở lại.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo - Ảnh: LÊ KIÊN
Chiều 18.10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo quốc tế công bố dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, kỳ họp có thời gian dài kỷ lục kể từ đầu nhiệm kỳ (khai mạc ngày 21.10, dự kiến bế mạc 27.11).
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của phóng viên.
* Dân trí: Xin hỏi lý do Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khi nhiệm kỳ chưa kết thúc và tại sao chưa có lịch phê chuẩn người thay thế bà Tiến?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Vừa qua bà Tiến cũng đã chuyển sang làm Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Trung ương, đây là vị trí rất quan trọng.
Còn ai thay bà Tiến thì trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng, Quốc hội sẽ quyết định. Vừa qua, Bộ Chính trị đã phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Y tế để chỉ đạo.
Chưa có quy trình để cử tri bãi nhiệm đại biểu
* Tuổi Trẻ: Thời gian qua, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) sau khi bị kỷ luật về mặt Đảng, cách chức vụ trong chính quyền, đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ, nhưng đây không phải là hình thức bất tín nhiệm, do đó có ý kiến cho rằng việc xử lý như vậy không tương xứng với hình thức kỷ luật Đảng, chính quyền, đề nghị Tổng Thư ký cho biết quan điểm?
Đến khi nào người dân có thể thực hiện quyền trực tiếp bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội?
- Trong nhiệm kỳ này có một số ĐBQH được cho thôi nhiệm vụ. Luật quy định là ĐBQH khi có đơn xin thôi nhiệm vụ vì lý do sức khoẻ hoặc lý do khác, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền xem xét, cho thôi.
Như trường hợp ông Hồ Văn Năm (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) vừa rồi bị kỷ luật về mặt Đảng do vi phạm kỷ luật trong thời gian ông làm Viện trưởng VKSND. Do trong quá trình này ông cũng suy nghĩ nhiều, sức khoẻ suy yếu, nên ông làm đơn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho thôi nhiệm vụ.
Về việc cử tri bãi nhiệm trực tiếp ĐBQH thì Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định nhưng chưa có hướng dẫn về quy trình. Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ban Công tác đại biểu và các cơ quan liên quan nghiên cứu để ban hành quy trình này.
* Thanh niên: Các kỳ họp trước có tình trạng ĐBQH vắng rất nhiều. Xin hỏi Tổng Thư ký có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này, khiến các ĐBQH đi họp đầy đủ?
- Quốc hội có hai loại đại biểu, thứ nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm khoảng 30%, còn lại là ĐBQH kiêm nhiệm. Số ĐBQH kiêm nhiệm, đặc biệt là lãnh đạo các địa phương, cuối năm cũng rất nhiều việc, vì vậy việc vắng mặt là khó tránh khỏi.
Tuy vậy, chúng tôi có văn bản nhắc nhở các ĐBQH hạn chế nghỉ họp, đặc biệt là các phiên biểu quyết. Còn có những trường hợp không tránh khỏi, đó là các đoàn tham gia các hoạt động đối ngoại, đặc biệt là hoạt động đối ngoại của Thủ tướng và Chính phủ.
Không cho doanh nghiệp đi cùng chuyên cơ nữa
* Về sự cố 9 người đi theo đoàn Chủ tịch Quốc hội bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín trong và ngoài nước, Tổng Thư ký Quốc hội đã có biện pháp, quán triệt như thế nào để tránh trường hợp tương tự?
- Việc này báo chí đã đề cập và tôi đã trả lời. Vấn đề được hỏi nhiều là "đi cùng" hay "đi nhờ". Nói đi cùng thì cũng chẳng phải, vì đoàn này đi tham dự diễn đàn đầu tư - thương mại do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, VCCI ở Hàn Quốc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.
Trong quá trình thành lập đoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lựa chọn, lập danh sách, gửi Bộ Công an thẩm định nhân thân, sau đó đề nghị Văn phòng Quốc hội cho đi cùng trên chuyên cơ.
Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã kiên quyết yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xử lý, bắt các đối tượng này về nước. Chúng ta khẳng định rằng chủ trương để các doanh nghiệp ra nước ngoài, tham dự các diễn đàn đầu tư, thương mại là chủ trương tốt đẹp, nhưng đã bị lợi dụng.
Vậy biện pháp nào để chấn chỉnh? Tôi cho rằng tốt nhất là từ lần sau không cho đi nhờ nữa. Các đoàn đó sẽ tự tổ chức đi, không đi cùng chuyên cơ, để khỏi mang tiếng. Tôi xin nói thêm là visa cấp cho đoàn doanh nhân này không phải visa ngoại giao, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Vietravel tổ chức cho đoàn này đi.
* Vneconomy: Danh sách 9 đối tượng bỏ trốn không phải là bí mật quốc gia, tại sao không thể công bố?
- Về danh sách đoàn, cho đến bây giờ tôi không biết ai cả. Danh sách này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý. Vừa qua, tại cuộc họp báo Chính phủ, tôi được biết các phóng viên đã hỏi vấn đề này, đại diện Bộ Công an và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (17 ngày, chiếm hơn 60% tổng thời gian của kỳ họp). Trong đó, xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.
Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (11 ngày, trong đó có 3 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn).
Theo Tuổi trẻ