Vọng cung - dấu ấn Thành Đông

13/04/2015 14:33

Vọng cung đã từng là một địa danh quen thuộc trong đời sống cư dân Thành Ðông xưa. Ngày nay, những gì còn sót lại chỉ là tàn tích, ít người biết đến.




Cây trụ cột, tàn tích còn sót lại của Vọng cung

Độc nhất vô nhị

Trước đây kinh đô ở Huế. Quan chức ở ngoài Bắc không có điều kiện bái kiến nên đã xây Vọng cung để tế lễ, bái vọng, thể hiện lòng yêu kính vua và cầu cho mưa thuận gió hòa. Vọng cung khi đó được xây dựng tại phố Đông Môn, nay nằm trong Nhà hát Nhân dân TP Hải Dương. Đây cũng là Vọng cung duy nhất của miền Bắc để cho quan lại các tỉnh khác đến làm lễ. Trước kia, Vọng cung giống như một ngôi đình rất lớn, là nơi diễn ra các hoạt động quan trọng của giới quan chức thời Pháp thuộc.

Vọng cung được thiết kế gồm 2 phần, trong đó, khu thờ cúng, tế lễ là một tòa nhà lớn quay lưng ra phố Đô Lương, trước mặt trông về hướng nam, có ý nghĩa hướng về cung vua ở Huế. Hai bên tòa nhà là 2 giải vũ (2 dãy nhà mái che) chạy dài ra đến cổng. Phần sân có nhiều cây cối. Cổng Vọng cung có 2 trụ cột, mỗi cột cao bằng nhà ba tầng bây giờ, trên đắp hoa văn. Người đến Vọng cung phải là quan chức đầu tỉnh, đầu huyện. Vì có vai trò quan trọng nên xung quanh Vọng cung có các cơ quan quan trọng như: dinh Bố chánh, Án sát và Tổng đốc. Dinh Tổng đốc nằm sát Vọng cung, trên một mảnh đất rộng chừng 2 ha, có gạch tường bao, nay vẫn còn nguyên vẹn là trụ sở HĐND, UBND tỉnh. Sử sách ghi lại, phía bắc Vọng cung giáp với phố Phạm Phú Thứ (nay là phố Đô Lương), phía đông giáp phố Chùa Vua (nay là phố Lê Lợi), phía tây giáp phố Đỗ Văn Tâm (nay là phố Tô Hiệu), phía nam cũng là cửa chính của Vọng cung giáp với phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái). Ngoài việc là nơi bái vọng về kinh đô Huế thì sân Vọng cung còn được ngăn để cho các quan chức chơi tennis. Cuộc sống các phố xung quanh Vọng cung cũng sôi động vì đây là trung tâm kinh tế, hành chính của cả tỉnh.

Đến năm 1940-1941, Vọng cung được dùng làm nơi dạy học của Trường Nam Tiểu học Hải Dương. Theo thời gian, Vọng cung bị đưa vào sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, trong chiến tranh thì biến thành trại lính địch. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, bộ đội ta vào tiếp quản Vọng cung và đóng quân tại đây. Năm 1962, Bác Hồ về thăm Hải Dương và nói chuyện với nhân dân tại Vọng cung. Năm 1978, Nhà hát Nhân dân được xây dựng tại khuôn viên Vọng cung, là một trong những nhà hát lớn nhất miền Bắc. Nơi đây diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thu hút người dân đến xem.

Chỉ còn tàn tích

Vọng cung một thời uy nghi là thế nhưng đến nay chỉ còn là tàn tích. Ông Lưu Đức Ý, một người rất am hiểu lịch sử TP Hải Dương cho biết: “Sau khi thành phố chuyển Vọng cung làm Nhà hát Nhân dân, Vọng cung chỉ còn sót lại 2 cột trụ phủ đầy rêu phong”. Được xây dựng với kiến trúc độc đáo, công phu nên cột Vọng cung vẫn còn chắc chắn, trường tồn cùng thời gian, mưa nắng. Thế nhưng, trong quá

“Nếu đi ngoài phố Phạm Hồng Thái, có thể thấy Vọng cung qua dấu ấn còn lại của cây cột cao, khác lạ ngay gần cổng Nhà hát Nhân dân”.

trình đô thị hóa, một cột bị mất đỉnh do người dân làm nhà phá bỏ đi. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người, nhất là thế hệ trẻ sống ngay trong lòng thành phố chưa một lần nghe, biết đến Vọng cung. Nhiều người dân sống xung quanh Vọng cung cũng không biết rõ về nơi này. Nếu đi ngoài phố Phạm Hồng Thái, có thể thấy Vọng cung qua dấu ấn còn lại của cây cột cao, khác lạ ngay gần cổng Nhà hát Nhân dân.

Hiện nay có rất ít tư liệu về Vọng cung. Nhiều nhà sử học đã từng tiếc nuối, vì nếu còn nguyên vẹn, có thể Vọng cung đã trở thành công trình kiến trúc bảo tồn cấp quốc gia, thu hút khách du lịch.    

MINH NGUYÊN      

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vọng cung - dấu ấn Thành Đông