Tính đến 20-6, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đã đạt 5,4 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011.
Dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân tính đến ngày 20-6 đã đạt 5,4 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011.
Ảnh minh họa |
Tổng cộng, đã có gần 6,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký cả cấp mới và tăng thêm tính từ đầu năm đến nay, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng vốn FDI đăng ký mới đạt trên 4,76 tỷ USD với 452 dự án mới, giảm khoảng 25% cả về số dự án và số vốn đăng ký; đã có 123 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm vượt 1,62 tỷ USD, giảm khoảng 50% số dự án và 64,5% về số vốn đăng ký. Nguyên nhân giải thích vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến chế tạo có thể nhìn thấy ở tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI. Trong 6 tháng đầu năm, khối này đã xuất khẩu đạt gần 32,7 tỷ USD kể cả dầu thô, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước; nếu không kể dầu thô thì đạt 28,82 tỷ USD, tăng tương ứng 41,5%.
Xét về lĩnh vực, công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu về thu hút FDI với khoảng 63% lượng vốn đăng ký. Tiếp đến là bất động sản, dù không có nhiều dự án, nhưng lượng vốn đăng ký khá lớn và chiếm tỷ trọng lên đến gần 25%.
Các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối về lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, chiếm tỷ lệ 65% vốn FDI, trong 6 tháng đầu năm. Bình Dương là địa chỉ đầu tư các dự án FDI được ưa thích nhất với gần 40% lượng vốn thu hút được.
Công Trí (Chinhphu)