Lúc anh lấy chị, một cô gái không xinh đẹp như tiêu chuẩn chọn vợ của anh, bạn bè và họ hàng nhà anh cứ ngạc nhiên, thắc mắc.
Anh chỉ cười trừ: “Tiêu chuẩn chỉ là lý thuyết thôi còn thực tế lại là chuyện khác”. Sau gần chục năm về làm vợ anh, làm con dâu của bố mẹ anh, làm mẹ của hai con anh, chị đã đẹp dần lên trong mắt của mọi người. Chị đã khiến gia đình, họ hàng, làng xóm tấm tắc ngợi khen. Anh cũng cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người khen rằng anh lấy được “vợ khéo”.
Chị không bao giờ làm mẹ chồng phật ý. Chị luôn coi mẹ chồng là người nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức cuộc sống gia đình và nuôi dạy trẻ nhỏ nên chị thường xuyên học hỏi ở bà. Được con dâu coi trọng nên bà sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cho chị. Chị coi mẹ chồng như mẹ đẻ nên quan tâm, chăm sóc bà một cách chân thành. Thi thoảng, ngày lễ, Tết, chị lại mua quà tặng mẹ, có khi chỉ là những món quà nhỏ mà đầy ý nghĩa khiến mẹ chồng chị rất vui, như: cái kẹp tóc, đôi tất, hay chiếc khăn len, bộ quần áo mặc ở nhà... Nhiều khi khách đến chơi thấy chị ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ chồng họ lại tưởng chị là con gái của bà. Thấy thế, anh mừng lắm. Anh yên tâm công tác, không phải đau đầu về chuyện “mẹ chồng, nàng dâu” như mấy anh bạn cùng cơ quan.
Cuộc sống vợ chồng không phải lúc nào “cơm cũng lành, canh cũng ngọt” nhưng nếu có giận anh, chị cũng không bao giờ để bố mẹ chồng biết, sợ bố mẹ lại phiền lòng. Chị đóng cửa phòng riêng để hai vợ chồng tự giải quyết, chứ không như nhiều người phụ nữ khác, hễ chồng mắc lỗi này lỗi kia là mách ngay với bố mẹ chồng để nhờ can thiệp, khiến “chuyện bé lại xé ra to”. Chị thường chủ động lên tiếng trước kể cả những lần anh là người có lỗi. Chị bảo anh: “Em làm lành trước không phải vì em sai mà vì em thấy vợ chồng giận nhau lâu chỉ thêm mệt người, làm việc gì cũng không yên”. Lúc bình tâm lại, anh cảm thấy rất nể chị và thầm cảm ơn chị vô cùng.
Anh vốn sành ăn nên dù những món đơn giản chị cũng học cách nấu thật ngon. Vì thế mà anh thích về nhà ăn cơm với gia đình chứ chẳng mấy khi ăn cơm quán. Thỉnh thoảng ngày nghỉ, anh mời bạn bè đến ăn cơm hay mỗi khi nhà có khách, anh không phải lo đặt nhà hàng bởi anh chỉ cần “a-lô” về cho chị, báo cho chị biết cần chuẩn bị bao nhiêu suất ăn là chị lo đâu vào đấy. Được thưởng thức những món ăn do chính tay chị nấu, ai cũng khen chị nấu ăn giỏi khiến anh vui như chính mình được khen vậy.
Mỗi khi họ hàng nhà anh ở quê đến chơi, thậm chí ở lại cả tuần, chị đều vui vẻ tiếp đãi rất đàng hoàng. Khi khách về, chị còn mua quà gửi biếu các cụ già và cho các cháu nhỏ bởi chị luôn tâm niệm: “Quý trẻ trẻ đến nhà, kính già già để tuổi cho”. Thế là anh được họ hàng khen rằng “tốt phúc”, lấy được vợ hiền, vợ thảo, biết đối nhân xử thế, chứ không như mấy người đàn ông “kém phước” khác, lấy phải cô vợ “dữ” nên “mất cả họ hàng”.
Ở cơ quan, chị được đồng nghiệp nhận xét là người “biết điều”. Dù bận việc nội trợ trong gia đình và phải chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, lại nuôi hai con nhỏ nhưng chị vẫn hoàn thành xuất sắc công việc được giao, có năm chị còn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Nhiều đêm, lừa các con ngủ say, chị lặng lẽ dậy ngồi bên máy vi tính. Anh giật mình tỉnh giấc, biết vợ vẫn còn làm việc thì thương lắm nên lúc nào rảnh rỗi anh lại giúp chị việc nhà.
Bây giờ chị đã gần bốn mươi tuổi, cái tuổi mà phụ nữ đã “toan về già” nhưng anh thấy chị vẫn còn trẻ lắm bởi ngoài việc chăm sóc gia đình, chị còn biết chăm sóc bản thân. Sáng nào chị cũng dậy sớm tập thể dục nên dù đã hai con mà người chị vẫn gọn gàng, săn chắc. Chị bảo anh: “Tập thể dục để có sức khỏe anh ạ, có sức khỏe là có tất cả”. Với chị, sức khỏe chính là chìa khóa để giữ gìn hạnh phúc gia đình. Vì thế anh thấy chị ngày càng đẹp hơn. Nhiều người cũng nhận xét chị đẹp hơn cả hồi chưa lấy anh. Phải chăng chính cách sống, chính cách đối nhân xử thế của chị trong và ngoài gia đình đã khiến chị từ một người phụ nữ có nhan sắc bình thường trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người? Người thân, người quen đều cho rằng anh lấy được chị là có được “vàng mười” trong tay. Anh cảm thấy rất tự hào về chị và càng ngày càng yêu thương vợ hơn.
TRẦN THỊ LÀNH