Tuần qua, VN-Index tăng điểm với thanh khoản giảm, song vẫn cao hơn mức trung bình 20 tuần. Điều này cho thấy lực cầu vẫn tương đối tốt nhưng tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn.
(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)
Chỉ số VN-Index đóng cửa với mốc kỷ lục lên 1.377,77 điểm sau khi tăng 26,03 điểm trong cả tuần qua (14-18.6). Cụ thể, chỉ số này có bốn phiên đi lên và một phiên điều chỉnh xuống, tại các mức cao nhất và thấp nhất tương ứng 1.377,77 điểm và 1.337,49 điểm.
Tuy nhiên, HNX-Index chỉ nhích nhẹ 2,04 điểm và chốt tuần tại 318,73 điểm. Trong tuần, chỉ số có ba phiên tăng điểm và hai phiên đi xuống, chạm mức cao nhất 322,23 điểm và thấp nhất 309,46 điểm.
Thanh khoản suy giảm
Diễn biễn thị trường cho thấy mặc dù các chỉ số đã lấy lại đà tăng điểm trở song thanh khoản đã suy giảm. Cụ thể, giá trị giao dịch trên hai sàn đạt mức trung bình khoảng 23.200 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giá trị giao dịch trên sàn HoSE giảm 11%, đạt 119.447 tỷ đồng/tuần và giảm 3% tại sàn HNX với 21.570,44 tỷ đồng/tuần.
Động lực hỗ trợ thị trường đến từ các nhóm ngành cổ phiếu chính, trong đó nhóm tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 5,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ vào các trụ cột như GAS (+6,6%), POW (+2,1%)...
Kế đến là nhóm nguyên vật liệu với mức tăng 5%, dẫn đầu là DPM (+7,5%), DCM (+6,6%), HSG (+7,3%), NKG (+4,2%)... Bên cạnh đó, nhóm dầu khí cũng có mức tăng 4,6% với các mã PLX (+4,6%), PVD (+2,9%), OIL (+3,5%), BSR (+8,8%), PVS (+6%)...
Ngoài ra, các ngành khác đều có mức tăng giá tốt, như hàng tiêu dùng (+2,3%), dược phẩm và y tế (+2,3%), dịch vụ tiêu dùng (+0,4%), công nghiệp (+3,6%), công nghệ thông tin (+0,3%). Tuy nhiên, trái với xu thế chung, nhóm ngân hàng lại giảm 0,8% mức vốn hóa trước áp lực chốt lời gia tăng.
Điểm nhấn trên sàn HoSE trong tuần phải kể đến mã VOS, đã mang lại lợi nhuận “khủng” cho cổ đông với mức tăng giá mạnh nhất 40% (từ 4.300 đồng lên 6.010 đồng) và đồng hành là mã FTS có mức tăng 28% (từ 30.150 đồng lên 38.500 đồng). Song, mã SMA lại là cổ phiếu đem đến sự “thất vọng” cho nhà đầu tư với mức giảm mạnh nhất sàn 13% (từ 9.940 đồng xuống 8.600 đồng).
Phía sàn HNX, mã DPC là cổ phiếu tăng giá ấn tượng nhất tuần với mức tăng 44% (từ 14.500 đồng lên 20.900 đồng), tiếp đến là mã VSA với mức tăng 30% (từ 23.000 đồng lên 29.800 đồng). Ở chiều ngược lại, mã CAN đã giảm mạnh nhất tuần với 20% (từ 40.000 đồng xuống 32.200 đồng).
Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:
Khối ngoại mua ròng trên HoSE
Một điểm lưu ý khác là động thái tích lũy trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên HoSE, họ mua ròng với giá trị xấp xỉ 220 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng nhiều nhất tại HNG với 12,6 triệu cổ phiếu, sau là STB với 8,4 triệu cổ phiếu, nhưng MBB là mã bị bán ròng lớn nhất với 14,9 triệu cổ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng trên HNX với giá trị gần 137 tỷ đồng, trong đó mã PVC bị bán ròng mạnh nhất với 2,2 triệu cổ phiếu, tiếp theo là VND với 2 triệu cổ phiếu. Trái lại, mã SHB được mua ròng nhiều nhất với 479.000 cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn ĐìnhThắng, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, chỉ số VN-Index tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản suy giảm. Tuy nhiên so với tuần trước đó, thanh khoản thị trường vẫn đang ở mức cao và hơn mức trung bình 20 tuần. Điều này cho thấy lực cầu mua lên vẫn là tương đối tốt nhưng tâm lý nhà đầu tư đã có sự thận trọng hơn so với trước đó.
Về phân tích kỹ thuật, ông Thắng cho biết việc chỉ số VN-Index chốt tuần trên ngưỡng 1.375 điểm đã mở ra cơ hội cho việc nối dài sóng tăng 5 với mục tiêu quanh ngưỡng 1.400 điểm. Tuy nhiên do đà tăng của chỉ số qua ngưỡng 1.375 điểm là chưa dứt khoát và thanh khoản có sự suy giảm, do vậy vẫn cần quan sát thêm diễn biến trong phiên ngày 21.6 để đánh giá về xu hướng của VN-Index. Theo đó sang tuần giao dịch tới (ngày 21-25.6), thị trường có thể sẽ hướng đến ngưỡng kháng cự quanh 1.400 điểm trong bối cảnh động thái giao dịch trong phiên đầu tuần phải thực sự tốt.
“Do đó, các nhà đầu tư đã bán ra cổ phiếu trong tuần qua nên hạn chế mua đuổi ở thời điểm hiện tại và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại. Những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn cũng nên hạn chế mua thêm mà nên tận dụng những nhịp tăng điểm trong tuần tới để chốt lời dần các cổ phiếu đã đạt mục tiêu,” ông Thắng khuyến nghị.
Bên cạnh đó, nhận định của nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) có phần thận trọng hơn, mặc dù VN-Index đã có tuần tăng điểm tích cực và chính thức vượt ngưỡng kháng cự 1.370 điểm song đà giảm quay trở lại trong ngày 16.6 và nửa đầu phiên ngày 17.6 với áp lực cung chốt lời mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VIC, VHM, HPG…) và nhóm Ngân hàng (VCB, BID, …). Điểm nhấn của thị trường đến vào phiên cuối cùng của tuần với việc nhóm cổ phiếu ngân hàng lấy lại động lực đi lên và dẫn dắt chỉ số chung chính thức bứt phá vượt ngưỡng kháng cự 1.370 điểm.
“Mặc dù diễn biến ngắn hạn trong những phiên gần đây của chỉ số vẫn tăng điểm, nhưng việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ sẽ là trở lực đáng kể cho đà tăng hiện tại của chỉ số. Dưới góc nhìn kỹ thuật, ngưỡng 1.350 điểm đã trở thành hỗ trợ ‘mềm’ cho VN-Index. Do vậy, nhiều khả năng chỉ số chung sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần tới để kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ mới này,” dự báo từ VCBS.
Bên cạnh đó, nhóm phân tích tại VCBS cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân cần có chiến lược phòng ngừa rủi ro hợp lý đồng thời có thể tận dụng biến động của dòng tiền trên thị trường, đầu tư ngắn hạn tại các nhóm cổ phiếu trụ cột nhằm tìm kiếm lợi nhuận cũng như tái cơ cấu danh mục nhằm tối ưu hiệu quả đầu tư.
Tuy nhiên, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán MB (MBS) lại hướng tới cái nhìn lạc quan hơn với việc thị trường phục hồi thành công sau nhịp điều chỉnh ở những phiên đầu tháng Sáu.
“Sự tăng trưởng trở lại của các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt, như ngân hàng, chứng khoán, thép…. chính là động lực giúp chỉ số VN-Index có đỉnh cao mới. Về kỹ thuật, thị trường có thể bước vào sóng tăng mới sau khi vượt thành công đỉnh cũ để hướng đến mục tiêu ngắn hạn 1.420 điểm-1.450 điểm,” MBS đưa ra dự báo.
Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành cũng lưu ý nhà đầu tư những yếu tố cơ bản để có thể đưa ra các quyết định hợp lý, như nguy cơ lạm phát có thể tăng cao khi mà từ đầu năm tới nay, nhiều mặt hàng từ thiết yếu cho sinh hoạt đến nguyên vật liệu xây dựng đều tăng giá khiến chỉ số giá tiêu dùng đi lên. Trên thực tế, tiền mặt đổ vào thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh cùng với đó giá vàng, bất động sản tăng cao, những điều này có thể khiến nguy cơ “bong bóng” tài sản quay trở lại.
Theo Vietnam+