Chốt phiên giao dịch ngày 22.4, VN-Index giảm hơn 40 điểm xuống 1.227,82 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 770,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 20.663,3 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Sau chuỗi tăng điểm kéo dài, thị trường chứng khoán ngày 22.4 diễn biến tiêu cực ngay từ khi mở cửa. Đến phiên chiều, áp lực bán tăng mạnh đã đẩy các chỉ số giảm sâu hơn.
Chốt phiên giao dịch ngày 22.4, VN-Index giảm hơn 40 điểm xuống 1.227,82 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 770,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 20.663,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 365 mã giảm giá, 30 mã đứng ở tham chiếu và 80 mã tăng giá.
HNX-Index giảm 9,44 điểm xuống 287,04 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 180,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 3.730 tỷ đồng. Toàn sàn có 195 mã giảm giá, 32 mã đứng giá và 46 mã tăng giá.
UPCOM-Index giảm 1,98 điểm xuống 70,75 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 67 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 1.033 tỷ đồng. Toàn sàn có 212 mã giảm giá, 58 mã đứng giá và chỉ có 88 mã tăng giá.
Trong rổ cổ phiếu VN30 không còn mã nào tăng giá, trong khi có tới 28 mã giảm giá và chỉ có 2 mã đứng ở mốc tham chiếu.
Các mã trong nhóm VN30 giảm rất sâu; trong đó, MSN, SBT, SSI, VRE giảm xuống giá sàn. Hàng loạt mã cổ phiếu vốn hóa đứng đầu thị trường khác như VHM giảm tới 5,1%, HPG giảm 3,8%, VIC giảm 3%, VNM giảm 1,3%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ. Trong nhóm này chỉ còn SHB tăng nhẹ 0,7%, SSB đứng ở mốc tham chiếu. Tất cả các mã còn lại có mức giảm rất sâu.
Cụ thể, OCB giảm 7% xuống giá sàn, CTG giảm 6,8%, EIB giảm 6,6%, PGB giảm 6,3%, KLB giảm 6%, BVB giảm 5,6%, LPB giảm 5,3%, BID giảm 5,1%, MBB giảm 4,3%, ACB giảm 3,3%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến rất tiêu cực. Các mã SHS, VIG, CTS, APG, SSI, WSS, MBS giảm xuống giá sàn. Trong khi, HCM, VND, VDS, BVS cũng đều giảm sát giá sàn.
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, PVD, PVS, TDG giảm sàn, trong khi BSR giảm 9,7%, PVB giảm 8,9%, OIL giảm 8,6%, PVC giảm 8,3%, PLX giảm 3,6%...
Phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng hơn 134,33 tỷ đồng trên HOSE, 11,49 tỷ đồng trên HNX và chỉ mua ròng 4,17 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 22.4, sau khi chứng kiến sự phục hồi của Phố Wall sau hai phiên giảm điểm liên tiếp do lo ngại về tình hình dịch COVID-19 và các mức định giá quá cao.
Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei của Nhật Bản 225 tăng 679,62 điểm (2,38%), lên 29.188,17 điểm, nhờ xu hướng sản lùng chứng khoán giá hời của giới đầu tư.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng tiến 5,86 điểm (0,18%), lên 3.177,52 điểm, chủ yếu nhờ hoạt động mua vào tăng mạnh sau phiên giao dịch ảm đạm trước đó.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng những quy định hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 sẽ bị thắt chặt hơn nữa, gây ra những lo lắng về triển vọng phục hồi kinh tế, giữa bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến tại Nhật Bản và một số quốc gia khác.
Tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong biến động ngược chiều nhau. Chỉ số Hang Seng tăng 133,42 điểm (0,47%), xuống 28.755,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite lại hạ 7,82 điểm (0,23%), xuống 3.465,11 điểm.
Theo TTXVN