Giới khoa học chưa hiểu nhiều về chủng virus Corona mới gây dịch Covid-19, nhưng các bác sĩ tin rằng căn bệnh này gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể người và gây nhiều đau đớn.
Theo tạp chí National Geographic, khác với các chủng virus Corona gây bệnh cảm cúm thông thường, các chủng corona gây bệnh SARS (Hội chứng hô hấp cấp nặng), MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông) và Civid-19, vốn lây từ động vật sang người, có sức tàn phá mạnh hơn hẳn.
Covid-19 là tên gọi chung của bệnh do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt, còn tên khoa học của nó là SARS-CoV-2, tức Virus Corona 2 gây Hội chứng hô hấp cấp nặng.
Nhóm nghiên cứu virus corona (CSG) thuộc Ủy ban Quốc tế về phân loại virus (ICTV) nhận định virus mới xuất hiện ở Trung Quốc có liên hệ với chủng gây dịch SARS hồi năm 2003.
SARS là một chủng virus khá độc với tỉ lệ gây tử vong có thể lên đến 15%, theo WHO. Dựa trên các nghiên cứu mới về Civid-19 và những hiểu biết về SARS, MERS, các nhà khoa học đưa ra một số giải thích về tác động của virus corona trên cơ thể người.
Hai lá phổi là "tan nát như bãi chiến trường"
Đối với hầu hết bệnh nhân, Covid-19 bắt đầu và kết thúc đều ở phổi, lý do là họ virus corona chủ yếu gây ra bệnh đường hô hấp. Sự lây lan bắt đầu khi một người nhiễm ho hoặc hắt hơi, làm văng những hạt dịch lỏng chứa virus sang người bên cạnh.
Các triệu chứng ban đầu khi nhiễm virus Corona cũng giống bệnh cúm thông thường: bệnh nhân có thể phát sốt, ho, rồi tiếp tục tiến triển thành viêm phổi hoặc nặng hơn.
Sau dịch SARS, WHO quan sát thấy căn bệnh này thường tấn công phổi theo 3 giai đoạn: Đầu tiên là xâm nhập tế bào, hình thành nên ổ virus; tiếp theo là gây rối loạn hệ miễn dịch (ví dụ hội chứng bão cytokine); và cuối cùng là gây tổn thương phổi.
Không phải bệnh nhân nào cũng trải qua cả 3 giai đoạn, chỉ có khoảng 25% bệnh nhân SARS bị suy hô hấp - biểu hiện chính của bệnh nặng. Tương tự, các dữ liệu sơ bộ cho thấy Covid-19 gây triệu chứng nhẹ ở 82% bệnh nhân, số còn lại bị nặng hoặc nguy kịch.
Virus Corona chủng mới sinh sôi bám trên tế bào cơ thể người bị nhiễm. Ảnh: NIAID-RML
Theo giáo sư Matthew B.Frieman, một chuyên gia về virus của Trường Đại học Maryland (Mỹ), quan sát thấy bệnh Covid-19 cũng tiến triển như SARS. Những ngày đầu mới nhiễm, virus tấn công dồn dập tế bào phổi, chủ yếu là lớp tế bào cilia bảo vệ tế bào niêm dịch.
Mất đi lớp bảo vệ đó, đường hô hấp sẽ bị chất bẩn, dịch lỏng và virus tràn ngập. Cách thức tấn công này khiến nhiều bệnh nhân Covid-19 bị viêm cả hai lá phổi, đi kèm triệu chứng khó thở, giáo sư Frieman cho biết.
Đây là lúc giai đoạn 2 bắt đầu. Trước sự xâm nhập của virus, cơ thể phản ứng bằng cách tăng cường tế bào miễn dịch đến phổi để khắc phục những tổn thương. Nếu hoạt động đúng, quá trình viêm này được kiểm soát và chỉ giới hạn ở bộ phận nhiễm virus.
Nhưng đôi khi tế bào miễn dịch bị kích thích quá mức, chúng sẽ giết tất cả trên đường đi, không phân biệt virus hay mô khỏe mạnh.
"Bệnh nhân càng bị tổn thương hơn bởi chính hệ miễn dịch của họ. Các chất bẩn càng tích tụ trong phổi khiến tình trạng viêm thêm xấu đi", giáo sư Frieman giải thích.
Trong giai đoạn 3, tổn thương phổi tiếp tục lan rộng và có thể dẫn đến suy hô hấp. Nếu bệnh nhân may mắn không chết, phổi của họ cũng bị tổn thương vĩnh viễn với những lỗ thủng nhìn như "tổ ong". Đó là đặc điểm của SARS, và bệnh nhân Civid-19 cũng bị tương tự.
Bệnh Civid-19 có các triệu chứng ban đầu giống với cảm cúm thông thường. Ảnh: HealthLine
Đường tiêu hóa, gan và thận
Trong dịch SARS và MERS, gần 1/4 bệnh nhân bị tiêu chảy - một đặc điểm quan trọng của bệnh. Hai chủng virus này có thể thâm nhập các tế bào ở ruột non và đại tràng, tạo thành ổ virus và dẫn đến tổn thương (gây tiêu chảy).
Khoa học chưa rõ virus gây Covid-19 có thâm nhập kiểu này không, nhưng 2 nghiên cứu đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine và trang medRxiv phát hiện nó tồn tại trong phân người, dấu hiệu cho thấy đây cũng có thể là nguồn lây lan, dù chưa chắc chắn.
Khi một chủng virus Corona gốc động vật tấn công hệ hô hấp, lá gan thường cũng là "nạn nhân". Các bác sĩ đã chứng kiến tổn thương gan ở bệnh nhân SARS, MERS và Covid-19, đa số là nhẹ nhưng nếu nặng có thể dẫn tới suy gan.
"Một khi virus đã đi vào đường máu, chúng có thể bơi đến bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Gan lại là bộ phận quan trọng của hệ tuần hoàn. Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo", chuyên gia Anna Suk-Fong Lok của ĐH Michigan (Mỹ) giải thích.
Thông thường, khi gan, phổi đã suy thì thận của bệnh nhân đó nhiều khả năng cũng bị ảnh hưởng. Khoảng 6% bệnh nhân SARS và 25% bệnh nhân MERS bị tổn thương thận cấp, Covid-19 cũng có biểu hiện tương tự theo các nghiên cứu ban đầu.
Đây không phải biến chứng thường gặp nhưng lại rất nguy hiểm, khoảng 91,7% bệnh nhân SARS bị suy thận cấp không qua khỏi, theo một nghiên cứu năm 2005 đăng trên tạp chí Kidney International.
Theo giáo sư Kar Neng Lai, Trường Đại học Hong Kong, suy thận cấp ở bệnh nhân SARS không hẳn do virus trực tiếp gây ra, nó có thể là một loạt nhiều yếu tố như huyết áp thấp, nhiễm trùng huyết, thuốc kháng sinh, suy đa phủ tạng do hội chứng bão Cytokine…
Phụ nữ có thai và virus Corona Tuần trước, không ít người lo lắng khi nghe tin 2 em bé sơ sinh ở Vũ Hán nhiễm virus corona không lâu sau chào đời. Lập tức các nghi vấn đặt ra liệu mẹ có thể lây virus cho con trong bụng hoặc qua sữa? Trên thực tế, đường lây từ mẹ sang con không được quan sát thấy trong các nghiên cứu về SARS và MERS. Theo nhà virus học Angela Rasmussen (Trường Đại học Columbia, Mỹ), có nhiều cách một em bé có thể nhiễm virus corona, chẳng hạn như sinh ra trong một bệnh viện nhiều người nhiễm. Một nghiên cứu mới đăng ngày 13.2 trên tạp chí uy tín The Lancet cũng trưng ra bằng chứng virus corona không truyền từ mẹ sang con. Nhóm khoa học theo dõi 9 phụ nữ nhiễm Covid-19 ở Vũ Hán và không phát hiện em bé nào sinh ra bị nhiễm. Nghiên cứu này tuy không loại trừ hẳn khả năng lây nhiễm trong quá trình mang thai, nó cho thấy cần phải thận trọng khi đưa ra dự đoán về căn bệnh. |
Theo Tuổi trẻ