Đối với những người được Bác tặng huy hiệu, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là những kỷ vật thiêng liêng được trân trọng, giữ gìn suốt đời.
Bà Nguyễn Thị Phòng từng được tặng Huy hiệu Bác Hồ vì đã ra hiệu cứu đoàn tàu không bị máy bay địch bắn phá
Sinh thời, Hồ Chủ tịch rất coi trọng những tấm gương người tốt, việc tốt. Mỗi khi thấy gương người tốt, việc tốt trên báo chí, Bác đều đánh dấu lại, cử cán bộ xác minh rồi tặng Huy hiệu Bác Hồ. Đối với những người được Bác tặng huy hiệu, đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, vừa là những kỷ vật thiêng liêng được trân trọng, giữ gìn suốt đời.
Việc nhỏ nghĩa lớn
Ở tuổi 69, bà Nguyễn Thị Phòng, ở đội4, thôn Giữa, xã Cổ Dũng (Kim Thành) vẫn nhớ như in buổi trưa ngày 10.11.1965. Thời kỳ đó, giặc Mỹ điên cuồng ném bom đánh phá miền Bắc. Trên địa bàn huyện Kim Thành, khu vực cầu Lai Vu là mục tiêu bị địch đánh phá hằng ngày. Hôm đó, cô bé Phòng cùng bạn là Nguyễn Thị Phương và Trần Công Ý được giao nhiệm vụ ra đồng nhận trâu buổi trưa. Phòng và Phương ngồi ở đường tàu đợi, còn Ý xuống con sông ở gần đó tắm. Ngồi một lát, họ thấy từng tốp máy bay Mỹ từ cửa sông Văn Úc nối đuôi nhau gầm rú hướng về phía cầu Lai Vu rải bom đen kịt. Vì đã quen với việc máy bay ném bom cầu Lai Vu hằng ngày nên họ bình thản quan sát từng tốp máy bay lượn trên đầu. Đúng lúc đó, họ lại thấy trước mặt một đoàn tàu chở hàng quân sự từ hướng Hải Phòng xuất hiện. Nếu không thông báo kịp thì đoàn tàu chắc chắn sẽ rơi vào vùng máy bay địch ném bom. "Lập tức cả tôi và Phương cùng bật dậy, hét lớn: Đỗ lại. Có máy bay ném bom phía trước đấy". Sợ chú lái tàu không nghe thấy, vừa hét chúng tôi vừa dùng nón vẫy, tay chỉ lên trời ra hiệu. Ý lúc đó đang tắm dưới sông cũng chạy lên dùng áo vẫy báo hiệu cho đoàn tàu. Hiểu ý chúng tôi, đoàn tàu chạy chậm lại rồi dừng ở khu vực giữa làng có cây cối um tùm".
Sau đó, việc nhóm thiếu niên không ngại nguy hiểm ra hiệu cứu đoàn tàu đã được báo cáo lại với lãnh đạo ngành đường sắt. Cả nhóm được suy tôn là Cháu ngoan Bác Hồ và vinh dự được Bác tặng huy hiệu. Hôm đón nhận huy hiệu, xã tổ chức buổi lễ trọng thể. "Ba chúng tôi đeo khăn quàng đỏ, được bác Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước cài huy hiệu và dặn dò: Các cháu phải cố gắng học tập cho giỏi, phát huy thành tích, làm thêm nhiều việc tốt như vừa qua", bà Phòng nhớ lại.
Sự kiện 3 thiếu niên xã Cổ Dũng được Hồ Chủ tịch tặng huy hiệu đã được Báo Hải Dương mới ngày 1.6.1966 đưa tin. Câu chuyện "Phòng, Phương, Ý cứu tàu" đã được viết trong cuốn "Việc nhỏ nghĩa lớn". Nhiều chiến sĩ xã Cổ Dũng chiến đấu nơi chiến trường đọc được đã biên thư về động viên, khen ngợi.
Tấm huy hiệu Bác Hồ và lời căn dặn của bác Tôn đã trở thành động lực để 3 thiếu niên xã Cổ Dũng ra sức phấn đấu. Nguyễn Thị Phòng, Nguyễn Thị Phương, Trần Công Ý được kết nạp vào đoàn, tham gia dân quân, tham gia công tác tải thương phục vụ các trận địa chiến đấu bảo vệ cầu Lai Vu. Sau hòa bình, các thiếu niên năm xưa lại góp sức vào công cuộc xây dựng Tổ quốc. Cách đây 5 năm, tấm Huy hiệu Bác Hồ đã được bà Phòng tặng lại cho nhà truyền thống của Hội Phụ nữ tỉnh.
Kỷ vật thiêng liêng
Tấm Huy hiệu được Bác Hồ tặng vì thành tích nuôi dạy trẻ giỏi là một kỷ vật thiêng liêng mà bà Đỗ Thị Thìn, sinh năm 1940, ở thôn Trúc Lâm, xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) luôn trân trọng. Bà kể, ở tuổi đoàn viên bà làm cô nuôi dạy trẻ tại cụm trường của 4 thôn: Trúc Lâm, Phong Lâm, Văn Lâm, Nghĩa Hi (xã Hoàng Diệu). Với vai trò chủ nhiệm, bà đã cùng với các cô giáo làm tốt công tác nuôi dạy trẻ, có nhiều sáng kiến trong dạy và học.
Ngày 15.2.1965 khi Bác về thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang), bà được cử cùng với đoàn cán bộ của xã đi tham dự. Buổi sáng hôm đó, nhìn thấy Bác đến, ai cũng vui mừng phấn khởi. Bà Thìn vô cùng xúc động vì đây là lần đầu bà được gặp Bác Hồ. Cùng mọi người ngồi nghe Bác nói chuyện, biểu dương thành tích, nhắc nhở phải cố gắng trong chiến đấu, trong lao động, không được tự mãn, bà Thìn tưởng như Bác đang căn dặn riêng mình. Sau khi được gặp Bác, bà kể lại cho các cô giáo ở trường nghe và quyết tâm hơn nữa trong công tác.
Cho chúng tôi xem tấm Huy hiệu Bác Hồ tặng được cất cẩn thận, bà Thìn chia sẻ: "Sau thời gian tập huấn ở nhà trẻ Nhà máy Sứ Hải Dương, thấy mô hình ăn bán trú buổi trưa mang lại nhiều lợi ích, tôi đề nghị với xã cho áp dụng tại địa phương. Được chính quyền ủng hộ, nhà trẻ của chúng tôi đã chăm lo cho các cháu chu đáo ba bữa ăn chính, phụ, giúp cha mẹ các cháu yên tâm lao động, sản xuất. Từ đề xuất của tôi, địa phương đóng giường cho các cháu ngủ trưa tại lớp. Tôi cùng các cô giáo đi xin vải vụn về may gối và khâu mũ cho các cháu". Với những thành tích, sáng kiến nổi bật, năm 1966, bà Thìn được công nhận là cô nuôi dạy trẻ giỏi và được cử đi dự hội nghị cô nuôi dạy trẻ tiêu biểu tại Hà Nội. Trong hội nghị đó, bà được đại diện chia sẻ kinh nghiệm trước hội nghị và vinh dự được đồng chí Phạm Văn Đồng trao tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Từ tháng 11.1959 đến tháng 8.1969, Bác Hồ đã tặng tổng số 78 huy hiệu cho cán bộ, công nhân viên, bộ đội, cụ già, bác sĩ, giáo viên, học sinh... của tỉnh ta. Đó là những tấm gương xuất sắc trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, kiên cường trong chiến đấu, dũng cảm cứu người bị nạn, học sinh vượt khó chăm ngoan... Những tấm huy hiệu quý giá đó đã động viên, khích lệ, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn xã hội.
NGỌC HÙNG