Gia đình

Hải Dương phát huy hiệu quả công tác gia đình qua các mô hình tiêu biểu

NGUYỄN TRƯỜNG 28/06/2024 05:14

Các mô hình câu lạc bộ gia đình, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, tổ hoà giải, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả đã góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

cau lạc bo gia dinh2
Tổ hoà giải thôn Ngọc Hoà, xã Vĩnh Hoà (Ninh Giang) tuyên truyền về công tác gia đình tới nhiều hộ dân trong thôn

Mạng lưới rộng khắp

Thôn Ngọc Hoà, xã Vĩnh Hoà, huyện Ninh Giang hiện duy trì 2 tổ hoà giải. Các tổ này duy trì sinh hoạt định kỳ hằng tháng. Khi có vụ việc, các thành viên báo cáo theo khu vực được phân công phụ trách để tổ hoà giải nắm bắt, kịp thời hỗ trợ giải quyết.

Ông Nguyễn Trọng Giao, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ngọc Hoà cho biết: “Tuy các thành viên của các tổ hoà giải đều phải kiêm nhiệm nhiều vị trí ở các hội, đoàn thể, nhưng nhận thức rõ được tầm quan trọng trong công tác xây dựng gia đình bền vững sẽ góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, phát triển nên mỗi người đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác tuyên truyền”.

Một trong những giải pháp phát huy hiệu quả thiết thực trong công tác xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình ở huyện Ninh Giang là xây dựng mô hình các câu lạc bộ gia đình, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, tổ hoà giải và địa chỉ tin cậy. Hiện nay, huyện có 96 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 96 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 20 mô hình phòng chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 136 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 136 đường dây nóng. Nhiều mô hình duy trì sinh hoạt định kỳ theo tháng, quý với các chủ đề theo tài liệu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cấp và tự xây dựng chủ đề sinh hoạt riêng phù hợp từng thời điểm.

TP Hải Dương hiện duy trì 106 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 102 nhóm phòng chống bạo lực gia đình, 204 tổ hoà giải, 98 địa chỉ tin cậy và 71 đường dây nóng.

Ông Phạm Xuân Bích, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin TP Hải Dương cho rằng: “Việc thành lập các mô hình về gia đình đã góp phần tạo ra mạng lưới thông tin hữu ích, nắm bắt kịp thời các vụ việc”.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có 227 mô hình phòng chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), mô hình hoạt động độc lập gồm: 753 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 764 nhóm phòng chống bạo lực gia đình; 765 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Các địa chỉ tin cậy hoạt động trên tinh thần tự nguyện đóng góp trang bị cho các điều kiện cần thiết ban đầu như nơi tạm lánh, ăn ở (gia đình), tủ thuốc y tế sơ cứu đơn giản, tư vấn và động viên tinh thần, chăm sóc y tế ban đầu... để trợ giúp nạn nhân khi có bạo lực gia đình xảy ra, đồng thời tuyên truyền, vận động phòng chống bạo lực gia đình.

Nâng cao chất lượng

cau lạc bo gia dinh1
Các câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững của 12 huyện, thị xã, thành phố tham gia Hội thi cấp tỉnh nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 (ảnh tư liệu)

Từ năm 2008, thực hiện Quyết định số 2879/QĐ-BVHTTDL ngày 27/6/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai mô hình các giải pháp can thiệp phòng chống bạo lực gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) làm địa bàn triển khai mô hình điểm đầu tiên của tỉnh. Tháng 4/2010, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổng kết đánh giá kết quả 2 năm hoạt động của mô hình điểm. Thấy được hiệu quả của mô hình điểm, Ban Chỉ đạo tỉnh đã tiếp tục triển khai nhân rộng ra 7 mô hình tại 7 xã thuộc 6 huyện, thành phố, thị xã; năm 2014 đã nhân rộng ra 41 mô hình trên toàn tỉnh, mỗi xã xây dựng 5 “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, lồng ghép các nội dung, chủ đề về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình vào sinh hoạt các câu lạc bộ.

Với những kết quả từ các mô hình điểm, Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh đã triển khai nhân rộng ở các huyện, thành phố, thị xã, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn phương pháp và các bước triển khai nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ văn hóa của 12 huyện, thị xã, thành phố và tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành văn hóa, thể thao và du lịch còn tổ chức các hoạt động truyền thông về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình nhân các sự kiện như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình… với nhiều hình thức. Thông qua các giải pháp đồng bộ và thiết thực này đã góp phần làm giảm tình trạng bạo lực gia đình tại địa phương.

Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn một số gương gia đình văn hoá tiêu biểu, các mô hình hoạt động tốt để giới thiệu cho các cơ quan báo chí tuyên truyền, tạo sự lan tỏa. Các mô hình câu lạc bộ gia đình, nhóm phòng chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tiêu biểu cũng được đánh giá, ghi nhận, khen thưởng khi sơ kết, tổng kết các chương trình, kế hoạch về gia đình theo giai đoạn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, khó khăn hiện nay trong việc duy trì các mô hình trên ở cấp huyện không có cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. Ở cấp xã, công chức văn hoá - xã hội đảm nhiệm nhiều việc và luôn thay đổi vị trí công tác. Đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình, trẻ em kiêm nhiệm công tác gia đình...

Bà Bùi Thị Ánh Ngọc, Trưởng Phòng Quản lý văn hoá và gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian tới các địa phương cần phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình bằng cách ủng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống bạo lực gia đình ở cơ sở. Đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, làm tốt công tác phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra giám sát, tổ chức, điều hành hoạt động của mô hình phòng chống bạo lực gia đình cả bề rộng lẫn chiều sâu, phát huy tốt việc nhân rộng đồng loạt mô hình trong cộng đồng dân cư… Có như vậy hoạt động của các mô hình gia đình, phòng chống bạo lực gia đình mới trở nên bền vững, thiết thực.

NGUYỄN TRƯỜNG
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương phát huy hiệu quả công tác gia đình qua các mô hình tiêu biểu
    ss