Giải pháp điện toán thông minh hơn của IBM sẽ giúp Viettel nhanh chóng triển khai hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ 3G tại Cameroon.
Viettel đã lựa chọn IBM là đối tác để triển khai hạ tầng tại Cameroon. (Nguồn: IBM)
Tin từ hãng công nghệ IBM ngày 27-8 cho biết, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã lựa chọn các giải pháp điện toán thông minh hơn của IBM để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng 3G, cung cấp dịch vụ thoại và di động có tốc độ cao tại Cameroon.
Dựa trên các hệ thống máy chủ IBM System x, giải pháp lưu trữ thông minh hơn IBM Smarter Storage và phần mềm lưu trữ IBM DB2, nền tảng công nghệ thông tin này sẽ giúp Viettel cung cấp những dịch vụ di động tích hợp tiên tiến tới hàng triệu thuê bao tại Cameroon.
Ông Phùng Văn Cường, Trưởng phòng công nghệ thông tin của Viettel cho biết, việc hợp tác với IBM đã khẳng định cam kết quan trọng của đơn vị này tại Cameroon.
“Danh mục các giải pháp điện toán thông minh hơn của IBM sẽ giúp chúng tôi mang lại những dịch vụ viễn thông không dây thế hệ mới với một mức chi phí cạnh tranh tại thị trường Cameroon,” ông Cường nói.
Hiện tại, điện thoại di động ở Cameroon phần lớn được sử dụng cho các cuộc đàm thoại đơn thuần, chưa phổ biến cho các ứng dụng đòi hỏi khả năng xử lý dữ liệu phức tạp vì cơ sở hạ tầng rất hạn chế. Việc giới thiệu dịch vụ 3G lần này của Viettel Cemeroon S.A.R.L (công ty liên doanh giữa Viettel và Công ty Bestinver Cameroon S.A.R.L) sẽ mở ra một cơ hội mới cho hàng triệu thuê bao ở đất nước châu Phi này.
Cũng theo ông Phùng Văn Cường, giải pháp điện toán thông minh hơn của IBM sẽ hỗ trợ Viettel giới thiệu các dịch vụ viễn thông mới tại Cameroon gồm thoại video trong khi lướt web; kết nối, tán gẫu và chơi games với bạn bè trên mạng; kết nối với những ứng dụng đa phương tiện khác thông qua các thiết bị cầm tay hoặc thậm chí để trả các chi phí dịch vụ công cộng hoặc phí đỗ xe…
Hiện, Viettel Cameroon S.A.R.L đang là công ty viễn thông lớn nhất ở Cameroon với 6.000 nhân viên và quản lý một mạng lưới phủ sóng tới 81% diện tích tại quốc gia này.
Trung Hiền (Vietnam+)