Chưa bao giờ người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại quan tâm đến vòng loại World Cup 2022 như bây giờ. Trước đây, nó là một sân chơi quá tầm nhưng sự run rủi của những lá thăm lại biến bảng G thành một AFF Cup mở rộng
Rất nhiều người cho rằng, đây là cơ hội vàng để ĐT Việt Nam tiến gần hơn đến chiếc vé dự vòng chung kết World Cup 2022. Đúng, nhưng chưa đủ, bởi cơ hội này cũng mở ra với các đội bóng khác, đặc biệt là Thái Lan – người khổng lồ Đông Nam Á đang bị tổn thương. Và đấy chính là đối thủ đầu tiên của ĐT Việt Nam, khiến Rồng Vàng gặp cảnh “ra cửa gặp núi cao” này.
Người Thái Lan đang bị tổn thương và chạm lòng tự ái tột độ. Vết thương đó không thể lành da suốt hai năm qua. Lành da làm sao được khi ĐT nữ của Thái Lan lại thất bại một cách cay đắng trước những cô gái của HLV Mai Đức Chung tại trận chung kết AFF Cup 2019 ngay trên sân nhà.
Bóng đá Thái Lan đã có lúc “mục hạ vô nhân” khi không coi bất cứ đối thủ nào trong khu vực ĐNÁ ra gì. Đặc biệt là với ĐT Việt Nam, bại tướng thường trực của họ kể từ khi Việt Nam tái hòa nhập ASEAN tại SEA Games 18 năm 1995.
Cũng phải thôi, chuyện ĐT Việt Nam thua Thái Lan liên tiếp đã tạo nên một hội chứng “sợ Thái”. Vì hội chứng này, các tuyển thủ Việt Nam không hề ngán trước đối thủ nào nhưng hễ gặp Thái Lan là tim đập chân run. Đến nỗi, khi có thể thắng và khi vừa thắng Thái Lan, chúng ta vẫn sợ.
Tính từ năm 1995 đến nay, trong suốt 24 năm ấy, Thái Lan vùi dập Việt Nam ở thành tích đối đâu. Trong 23 trận gặp nhau chính thức, ĐT Thái Lan đã thắng đến 14 trận, hòa 5 và chỉ thua 4. Chiến thắng gần nhất của Thái Lan trước Việt Nam ở cấp độ ĐTQG chính là tại vòng loại thứ hai World Cup 2018 khi HLV Kiatisak đánh bại thày trò HLV Toshiya Miura 3-0 ngay tại Mỹ Đình.
Đọc đến đây, độc giả có thấy một điểm lạ không? Bởi chiến thắng đó xuất hiện từ cách đây 4 năm rồi. Có thể khẳng định, đó là khoảng thời gian bóng đá Thái Lan lạc lối, còn chúng ta vươn lên trở thành một thế lực bóng đá trong khu vực kể từ khi bén duyên với HLV Park Hang-seo.
Người Thái đã đánh mất sự tự tin khi đối đầu với thày trò ông Park Hang-seo ở thời điểm này. Cho dù họ đã từng thua ĐT Việt Nam ở trận chung kết AFF Cup 2008, nhưng họ chỉ coi đó là một tai nạn chứ không hoảng loạn như bây giờ.
Thất bại tại King’s Cup 2019 là một nhát dao găm chí tử đâm vào Voi Chiến khi đội chủ nhà thua thày trò ông Park Hang-seo trong tuyệt vọng, điên cuồng và bất chấp thủ đoạn. Thắng thua là điều bình thường trong bóng đá, nhưng người Thái không thể chấp nhận thua Việt Nam, cho dù đã rất nhiều người coi thường bóng đá Việt Nam đã phải rút lại lời “nhục mạ”, ví dụ như cựu HLV Kiatisak.
Bây giờ, hội chứng “sợ Việt Nam” có vẻ đang hành hạ người Thái. Ngày 5.9, đội chủ nhà với đủ quân hùng, tướng mạnh, sân nhà, khán giả nhà sẽ tiếp đón ĐT Việt Nam. Thế nhưng, những cơn run rẩy, nỗi sợ tâm lý đã hiển thị trên mặt báo, trong những lời thề “quyết thắng” của Chanathip Songkrasin hay những nhân vật bóng đá cộm cán.
Những nỗi run sợ ấy bốc lên nghi ngút như những làn khói trên nồi lẩu Thái “siêu to khổng lồ”. Tất cả đều hy vọng thày trò HLV Park Hang-seo sẽ chết hóc vì nồi lẩu cay xé họng đó. Nhưng hãy nhìn vào tương quan lực lượng, mục tiêu của hai đội để dự đoán kết cục.
ĐT Việt Nam sẽ nhập cuộc như thế nào? Hay chính xác hơn, là với tâm thế nào trong chuyến làm khách của đối thủ truyền kiếp ở một cuộc đua hứa hẹn nhiều phần thưởng danh giá hơn hẳn SEA Games hay AFF Cup? Câu hỏi này không hề đơn giản bởi nó sẽ định vị chỗ đứng của chúng ta trong thời điểm này.
Bóng đá Thái Lan đang trong thời kỳ phát triển hỗn loạn với liên tiếp các thất bại ở mọi lứa, mọi đội tuyển. Nhưng “hổ chết còn để lại da”, Thái Lan dù gì vẫn là một tập thể rất mạnh với nhiều ngôi sao, được đá trên sân nhà và quan trọng nhất là có thừa quyết tâm đánh bại ĐT Việt Nam - đối thủ đã rất thành công trong 2 năm qua.
Chính vì thế, chuyến viễn chinh này của thầy trò HLV Park Hang-seo có thể "lành ít dữ nhiều". Nhưng với kinh nghiệm của mình, chiến lược gia người Hàn Quốc đương nhiên đã chuẩn bị kỹ càng. Điều tiên quyết mà ông Park luôn căn dặn học trò là phải giữ được đôi chân trên mặt đất. Chỉ có hiểu rõ bản thân, biết mình biết người thì mới đề ra được đấu pháp tốt nhất.
Đúng là chúng ta đang là đội bóng mạnh nhất Đông Nam Á. Nhưng chức vô địch AFF Cup đã ở lại năm 2018, giờ là năm 2019 và con người phải sống với hiện tại. Sau gần 1 năm, mọi thứ đều thay đổi, và dù có chiều hướng có lợi cho Việt Nam, những người hùng năm ngoái đều đã khác trước. Chúng ta khác, họ khác, và người chiến thắng sẽ là kẻ thích nghi nhanh hơn.
Chính vì thế, đừng tự đặt áp lực lên đôi chân với suy nghĩ các cầu thủ Việt Nam phải thi đấu với tư cách cửa trên trước đội chủ nhà Thái Lan. Trong bảng đấu có UAE và Thái Lan là 2 đối thủ lớn nhất, nếu Việt Nam giành chiến thắng thì quá tốt, nhưng một trận hòa trên sân đối thủ cũng hoàn toàn chấp nhận được.
Đương nhiên, không đội bóng nào nhập cuộc với tâm niệm chủ hòa. Cái chúng ta cần bàn với nhau là ĐT Việt Nam được phép sử dụng lối chơi sở trường của mình là: Phòng ngự phản công. Lối đá dựa trên nền tảng hàng thủ vững chắc đã mang lại thành công cho ĐT Việt Nam, chính vì thế không việc gì phải thay đổi.
Nhìn vào danh sách triệu tập, có vẻ như ông Park Hang-seo cũng không muốn thay đổi. Những cái tên bay sang Thái Lan lần này phần lớn đều quen mặt với người hâm mộ và là "học trò cưng" của ông thày người Hàn Quốc. Bộ khung đội hình chính thức, ngoài sự vắng mặt của Trần Đình Trọng, vẫn được giữ nguyên như ở VCK AFF Cup 2018.
Hãy chú ý vào hàng tiền vệ, chỉ duy nhất Nguyễn Quang Hải là thiên về tấn công. Những người còn lại như Phạm Đức Huy, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường và Nguyễn Huy Hùng đều là những phương án cân bằng cả công và thủ. Ngay đến Quang Hải khi cần cũng có thể chơi như một tiền vệ trung tâm cầm nhịp.
HLV Park Hang-seo hướng đến một tuyến giữa ổn định, với những con người ổn định, lối chơi ổn định và cả tinh thần ổn định. Do đó, sự vắng mặt của một cầu thủ tấn công đang có phong độ rất cao như Nguyễn Văn Quyết cũng không ảnh hưởng gì tới đội tuyển.
Trên hàng công của ĐT Việt Nam, ông Park Hang-seo vẫn có 2 mẫu cầu thủ đặc trưng. Một là nhanh nhẹn, kỹ thuật, biết tạo đột biến như Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn. Hai là mẫu trung phong làm tường, giỏi không chiến như Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Tiến Linh.
Nếu cả 2 phương án này đều không thành công, vẫn còn đó "cơn gió lạ" Hà Minh Tuấn. Chân sút thuộc biên chế Quảng Nam này nằm ngoài phạm vi thu thập dữ liệu của người Thái nên chắc chắn sẽ là "lưỡi dao trong tay áo", sẵn sàng khiến đối phương ngã ngửa bất ngờ nếu được tin tưởng tung vào sân.
Trước cuộc tiếp đón ĐT Việt Nam, HLV Akira Nishino của ĐT Thái Lan công bố danh sách triệu tập 33 tuyển thủ sau đó chốt danh sách ở con số 23. Điều đó cho thấy sự chuẩn hết sức kỹ lưỡng của đội chủ nhà.
Nhìn qua danh sách cũng có thể nhận định rằng, Voi Chiến đã có những nhân tố tốt nhất cho cuộc tiếp đón thày trò HLV Park Hang-seo và dĩ nhiên tốt hơn đội hình được triệu tập tham dự King’s Cup cách đây không lâu.
Gương mặt được chờ đợi nhất là Chanathip Songkrasin, cầu thủ vẫn được ví là “Messi Thái”. Cần nhấn mạnh rằng, trong cả 3 chiến bại liên tiếp của ĐT Thái Lan trước ĐT Việt Nam, “Messi Thái” đều vắng mặt. Trong khi đó, ở các cuộc chạm trán vào năm 2015 ở cấp U23 lẫn ĐTQG, Chanathip đều thi đấu ấn tượng giúp Voi Chiến (biệt danh của ĐT Thái Lan) hạ gục Rồng Vàng (biệt danh của ĐT Việt Nam).
Thế nên, có những lý do để HLV Park Hang-seo phải cẩn trọng hơn với sự hiện diện của cầu thủ nhỏ con nhưng cực kỳ nhanh nhẹn và khéo léo này. Ngoài Chanathip, những cầu thủ khác cũng đang chơi ở J.League khác là tiền vệ Thitipan Puangchan hay hậu vệ Theerathon Bunmathan cũng trở về phụng sự quốc gia.
Cuối cùng, từ Bỉ quốc xa xôi, thủ thành Kawin cũng đã hồi hương để sẵn sàng trấn giữ khung thành. Đó chính là 4 gương mặt nổi bật nhất đang chinh chiến ở nước ngoài của bóng đá Thái Lan.
Ở trong nước, những ngôi sao của Thai League như thủ môn Siwarak (Buriram United), hậu vệ Tristan Do, trung vệ Adisorn Promrak và tiền vệ Sarach Yooye, bộ đôi tiền đạo Supachai Jaided và Supachok Sarachat hay cầu thủ từng chơi bóng tại Bundesliga Manuel Bihr đều góp mặt.
Tất nhiên, ngoài những ngôi sao sân cỏ, không thể không đề cập đến HLV Akira Nishino, một ngôi sao thực sự trên băng ghế huấn luyện. Vị chiến lược gia này chính là người đã đưa ĐT Nhật Bản lọt tới vòng 1/8 World Cup 2018 và chỉ chịu dừng chân một cách tức tưởi trước ĐT Bỉ, đội bóng của Kevin De Bruyne, Eden Hazard, Romelu Lukaku và sau đó đã giành vị trí đệ tam anh hào.
Trước đó, vị chiến lược gia này từng giúp CLB Gamba Osaka đăng quang J.League, vô địch AFC Champions League cũng như giành Cúp Hoàng Đế Nhật Bản. Với bảng vàng thành tích như vậy, Nishino quả thực là một đối thủ đáng gờm đối với HLV Park Hang-seo.
Và càng thú vị hơn nữa khi phong cách huấn luyện của hai nhà cầm quân này lại còn có sự đối lập rõ rệt. Cụ thể, nếu như ông Park Hang-seo chú trọng tổ chức phòng ngự kín kẽ và thực hiện những đợt tấn công chớp nhoáng thì Nishino lại là mẫu chiến lược gia phóng khoáng, đề cao sự sáng tạo và bùng nổ cá nhân.
Tất nhiên, đừng hiểu nhầm là nhà cầm quân này để các cầu thủ thích đá như thế nào thì đá. Những ai đã theo dõi ĐT Nhật thi đấu tại World Cup 2018 đều sẽ thấy đội bóng này bản lĩnh và lì lợm như thế nào trước các đối thủ mạnh hơn.
Tất nhiên, không có bất kỳ điều gì trên đời này hoàn hảo, HLV Nishino và ĐT Thái Lan không phải ngoại lệ. Điểm yếu cố hữu trong cách vận hành của Voi Chiến dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia 64 tuổi này là phòng ngự. Vì lối chơi đề cao tấn công, các hậu vệ Thái Lan thường có xu hướng dâng cao và để lộ nhiều khoảng trống. Tristan Do là ví dụ điển hình.
Hơn nữa, xét về trình độ, các hậu vệ Thái Lan cũng không hề vượt trội so với cầu thủ các nước trong khu vực. Thế nên, nếu xuyên phá một cách hiệu quả, những cầu thủ của ông Park Hang-seo hoàn toàn có thể nghĩ đến việc ghi bàn. Cuối cùng, sự mỏng manh của hàng thủ ĐT Thái Lan đã được thể hiện trong cả 3 lần chạm trán ĐT Việt Nam gần nhất, họ không mất tập trung thì bị tâm lý, những điều tối kỵ đối với hàng phòng ngự ở một trận đấu sống còn.
Theo Bongdaplus