“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là nhan đề cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt bạn đọc tại Hà Nội.
Cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam". Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Cuốn sách tập hợp 29 bài viết, bài phát biểu thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và sự phát triển sáng tạo, hoàn thiện tư duy lý luận, nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu đánh giá cuốn sách là tài liệu quý, một công trình có tầm khái quát lý luận cao, tổng kết thực tiễn sâu sắc về những phát triển sáng tạo riêng có của Đảng ta về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam, trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
“Bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội
Bàn luận về cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt mới đây, Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Thị Thạch, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng để thực hiện được mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội vào khoảng giữa thế kỷ XXI như Cương lĩnh 2011 xác định, nhất định chúng ta phải đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, đi lên chủ nghĩa xã hội cần phải trải qua một thời kỳ quá độ nhằm chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần cho chủ nghĩa xã hội, không được nóng vội, chủ quan, phải “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội.
Chủ nghĩa Marx-Lenin cũng chỉ rõ, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thời kỳ khó khăn, phức tạp giống như “cơn đau đẻ kéo dài." Đối với những nước có điểm xuất phát thấp, không trải qua chủ nghĩa tư bản, thì sự khó khăn, phức tạp của thời kỳ quá độ tăng lên nhiều lần, thậm chí thất bại có thể diễn ra nhiều lần.
Do vậy, để thực hiện được mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội vào khoảng giữa thế kỷ 21 như Cương lĩnh 2011 xác định, nhất định chúng ta phải đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, “bắc những chiếc cầu nhỏ” để từng bước hiện thực hóa mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đây chính là cơ sở lý luận và thực tiễn để Đảng ta đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, năm 2030 và tầm nhìn 2045 như trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã xác định.
Theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước sẽ có các chặng nhỏ gắn với mục tiêu đến năm 2025 có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 có công nghiệp hiện đại. Nếu các mục tiêu phát triển công nghiệp của các chặng nêu trên đạt được sẽ là tiền đề, cơ sở để chúng ta đạt mục tiêu năm 2045: trở thành nước phát triển có thu nhập cao và mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ 21 cũng sẽ là hiện thực.
Đối với Việt Nam, việc tiếp thu, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của thế giới để xây dựng chủ nghĩa xã hội như ý kiến của Tổng Bí thư là một trong những nhiệm vụ tất yếu khách quan. Nhiệm vụ này có ý nghĩa rất lớn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cụ thể, về mặt nhận thức, chúng ta khắc phục được một số quan niệm đơn giản trước đây về chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều về quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ...).
Về mặt thực tiễn, tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm thế giới, chúng ta sẽ có điều kiện để phát triển nhanh được lực lượng sản xuất, xây dựng được nền kinh tế hiện đại, đây là một trong những đặc trưng cơ bản hết sức quan trọng của chủ nghĩa xã hội; tham khảo được kinh nghiệm để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện đại; chúng ta có thêm các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ trên lĩnh vực văn hóa-xã hội-môi trường (phát triển giáo dục-đào tạo để phát triển nguồn nhân lực có chất lượng tốt, bổ sung những giá trị văn hóa thế giới để tăng cường tính tiên tiến trong xây dựng nền văn hóa, thực hiện an sinh xã hội, giải quyết các hậu quả của chiến tranh…) góp phần nâng cao thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: nói bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là bỏ qua chế độ áp bức, bóc lột tư bản chủ nghĩa; bỏ qua những thói hư tật xấu, những thiết chế chính trị không phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không phải bỏ qua tất cả những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản. Đương nhiên, việc kế thừa những thành tựu này phải có chọn lọc trên quan điểm khoa học, phát triển.
Chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn mà loài người sẽ đi tới
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng chủ nghĩa xã hội vẫn là một xu hướng, một chế độ chính trị, là con đường đúng đắn mà loài người sẽ đi tới như Cương lĩnh của Đảng ta đã xác định.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đổi mới đã đạt được thành tựu gì và bộc lộ những ưu, khuyết điểm, hạn chế gì và Đảng ta đã sửa chữa như thế nào trong quá trình đổi mới từ năm 1986 đến nay. Hiện nay, có thể khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất to lớn.
Từ tổng kết thực tiễn ấy, Tổng Bí thư khẳng định nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn; từng bước chúng ta đã xây dựng nền tảng lý luận của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với thực tiễn Việt Nam chứ không phải là mô hình áp đặt từ một nước nào khác.
Về mặt phương pháp luận khoa học, Việt Nam cũng khẳng định thực chất không có một mô hình chủ nghĩa xã hội nào chung cho tất cả các nước. Từ bản chất chung của chủ nghĩa xã hội hay nguyên tắc chung, quan điểm chung của Chủ nghĩa Marx-Lenin về chủ nghĩa xã hội, mỗi nước cần sáng tạo với điều kiện của mỗi nước.
Chính công cuộc đổi mới của nước ta đã thực hiện thành công chỉ dẫn của Bác, đó là tìm ra quy luật riêng, mô hình riêng, cách làm riêng và bây giờ chúng ta đã có hình hài về chủ nghĩa xã hội rất rõ, như trong tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết mô hình chủ nghĩa xã hội, trả lời những câu hỏi: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Từ nay đến khi chủ nghĩa xã hội được hoàn thành, chúng ta sẽ trải qua chặng đường như thế nào? Hình thức kinh tế xã hội ra sao? Mô hình chế độ chính trị, kết cấu xã hội, giai cấp thế nào? Quan hệ đối ngoại, nội lực đất nước, quốc phòng, an ninh đất nước ra sao?... tất cả đã được định hình rất rõ.
Pano chào mừng ngày thành lập Đảng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Cuốn sách của Tổng Bí thư khẳng định chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được phát triển trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có cơ sở khoa học của nó chứ không phải làm một cách vá víu, nhất thời.
Tác phẩm của Tổng Bí thư đã nâng trình độ khoa học, trình độ lý luận của Đảng ta lên tầm cao và nhận thức lý luận đó soi sáng, thúc đẩy quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta hiện nay để đi đến đích cuối cùng mà Cương lĩnh năm 2011 đã xác định là đến giữa thế kỷ XXI, nước ta đạt được những mục tiêu cơ bản của chủ nghĩa xã hội, tức là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, phồn vinh, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quan điểm như trong Đại hội XIII của Đảng và Cương lĩnh đã nêu đang được hiện thực hóa những vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, cuốn sách của Tổng Bí thư thống nhất được nhận thức trong toàn Đảng, từ cán bộ lãnh đạo cao nhất đến đảng viên bình thường về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cổ vũ toàn dân hướng tới mục tiêu chủ nghĩa xã hội, nhận thức rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn.
Bên cạnh đó, cuốn sách của Tổng Bí thư đóng góp lớn cho phong trào cách mạng thế giới về lý luận chủ nghĩa xã hội. Đóng góp đó chính là từ thực tiễn phong phú, sâu rộng, có cơ sở khoa học trong quá trình đổi mới mà Việt Nam đã đúc rút, tổng kết. Các Đảng, phong trào cánh tả, những người nghiên cứu lý luận trên thế giới tìm thấy ở Việt Nam có sự đóng góp nhất định nhằm bảo vệ sự trong sáng của Chủ nghĩa Marx-Lenin, bảo vệ những vấn đề có tính lý luận, quan điểm về chủ nghĩa xã hội của Marx, Engels đã đề cập.
Một ý nghĩa quan trọng khác, công trình của Tổng Bí thư đóng góp vào cuộc đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch đang tìm cách phủ định chủ nghĩa xã hội và phủ định vai trò của các Đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta là Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ những giá trị khoa học, các học thuyết cách mạng của Marx, Engels. Đồng thời cổ vũ các nước hiện nay đang kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa tiếp tục giữ vững niềm tin đi đến thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội.
Theo TTXVN