Cách đây 65 năm, ngày 17.11.1954, Việt Nam và Mông Cổ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Lễ cắt băng khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Mông Cổ. Nguồn: ĐSQ
65 năm qua, quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam-Mông Cổ đã có những bước phát triển tích cực với nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân..., góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước.
Đất nước Mông Cổ tươi đẹp
Đất nước Mông Cổ từ lâu được biết đến với lịch sử huy hoàng của đế chế Thành Cát Tư Hãn hay những thảo nguyên xanh mướt trải rộng tận chân trời. Người dân Mông Cổ vẫn tự hào gọi đất nước của mình là “Miền đất của bầu trời xanh” - xanh thăm thẳm của bầu trời, xanh trong của mặt nước hồ và xanh mướt của đồng cỏ.
Mông Cổ còn nổi tiếng với nền văn hóa du mục lâu đời, được chứng minh qua các bằng chứng khảo cổ học vào khoảng 3.500 năm trước Công nguyên. Con người nơi đây vẫn còn giữ nguyên chất men say của đời sống trên lưng ngựa. Họ uống rượu, ca hát và chăn thả gia súc; họ mến khách và nhiệt thành như những ngọn gió lồng lộng, tràn đầy trên những thảo nguyên xanh mát.
Mông Cổ có tổng dân số khoảng 3 triệu người, trong đó có tới 45% sinh sống tại thủ đô Ulan Bator. Đây là một thành phố nằm ở độ cao 1.310 m so với mực nước biển và được xếp vào Top 20 thành phố lạnh nhất trên thế giới. Trái tim của thành phố là quảng trường Ukhbaatar rộng lớn. Phía trước quảng trường và toà nhà quốc hội có 9 tượng lớn được đặt để tưởng niệm 9 vị anh hùng. Trong đó, tượng của Thành Cát Tư Hãn đặt chính giữa để vinh danh thời đại của những chiến binh đã đi vào huyền thoại.
Là một trong những quốc gia có nguồn khoáng sản lớn nhất trên thế giới, ngành khai khoáng được coi là trụ cột của nền kinh tế Mông Cổ với đóng góp trên 50% vào GDP. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi với khoảng 60 triệu đầu gia súc cũng đem lại nguồn thu đáng kể cho quốc gia này.
Năm 2011, nhờ giá đồng, vàng và quặng sắt cao, Mông Cổ đạt mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, với GDP tăng 17% và nguồn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai thác mỏ lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế “trong mơ” đó đã bị lao dốc trong vài năm trở lại đây, năm 2016 chỉ còn 1%, là mức thấp nhất trong bảy năm qua, chủ yếu do giá hàng hóa cơ bản toàn cầu suy giảm và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chính các mặt hàng đồng và than của Mông Cổ cũng chững lại.
Từ năm 2017, kinh tế Mông Cổ đã có dấu hiệu phục hồi, đạt 5,8% và năm 2018 đạt 6,4%.
Việt Nam-Mông Cổ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Việt Nam và Mông Cổ là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Tháng 7.1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Mông Cổ, mở đầu cho việc phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Ngày 17.11.1954, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ được thiết lập, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Mông Cổ là một trong những nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trên con đường xây dựng và phát triển đất nước, Việt Nam và Mông Cổ đã phối hợp chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, dành cho nhau sự giúp đỡ vô tư, trong sáng.
Trong thời kỳ Việt Nam kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân Mông Cổ đã tích cực ủng hộ và viện trợ nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân Việt Nam. Đáp lại, Việt Nam cũng có nhiều hành động thiết thực giúp đỡ Mông Cổ như cử chuyên gia giúp khảo sát và phát triển giao thông, trồng trọt, phục chế các di tích lịch sử…
Mối quan hệ ấy ngày càng được củng cố, phát triển thông qua các chuyến thăm và việc thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước. Những chuyến thăm này đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Mông Cổ.
Bên cạnh đó, giữa hai nước còn có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Mông Cổ. Phiên họp gần đây nhất là phiên thứ 16, tổ chức tháng 8.2017 tại Thủ đô Ulan Bator. Phiên thứ 17 dự kiến được tổ chức vào tháng 11.2019 tại Hà Nội, kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa…giữa Việt Nam và Mông Cổ phát triển hơn trong thời gian tới.
Trong những năm qua, hợp tác giữa hai nước ngày càng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Mông Cổ coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn Việt Nam phát huy vai trò là cầu nối để Mông Cổ tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển với Mông Cổ.
Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại năm 2018 giữa Việt Nam và Mông Cổ đạt 31,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Mông Cổ đạt 18,7 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Mông Cổ đạt 12,8 triệu USD. Tại phiên họp lần thứ 16 Ủy ban Liên Chính Phủ Việt Nam-Mông Cổ, hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại song phương 70 triệu USD vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh (trong buổi tiếp và làm việc với Bà Battsetseg Batmunkh, Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ nhân dịp Bà Battsetseg sang Việt Nam họp Tham khảo chính trị luân phiên cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Mông Cổ tại Hà Nội ngày 29.8.2019) cho rằng hai bên cần tập trung triển khai một số biện pháp cụ thể.
Trước hết, cần thúc đẩy đàm phán để ký MOU về hợp tác kinh tế-thương mại giữa Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mông Cổ. Bên cạnh đó, xem xét nghiên cứu khả năng tổng hợp nhu cầu vận tải quốc tế của Mông Cổ trong tuyến liên vận qua Trung Quốc hoặc CHLB Nga nhằm tận dụng vận tải hai chiều để giảm cước phí vận chuyển.
Ngoài ra, cần thúc đẩy mở đường bay thẳng hai chiều giữa Hà Nội và Ulanbato; đánh giá, sớm công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn vệ sinh kiểm dịch đối với các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam và các sản phẩm chăn nuôi (thịt dê, cừu) của Mông Cổ, nhằm giảm bớt thủ tục và chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại hàng hóa mà hai nước có thế mạnh...
Về hợp tác văn hóa, sự kết nối về văn hóa-xã hội suốt chiều dài lịch sử quan hệ hai nước đã giúp người dân hai nước thêm hiểu nhau, đoàn kết và gắn bó. Việt Nam-Mông Cổ đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Trung tâm Văn hóa Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Ulan Bator.
Năm 2019, kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ, hai bên đã phối hợp tổ chức chuỗi các hoạt động để kỷ niệm sự kiện này như: Hội thảo khoa học “Quan hệ Mông Cổ - Việt Nam: Lịch sử và hiện tại”; triển lãm ảnh 65 năm quan hệ Việt Nam-Mông Cổ; chiếu phim tài liệu về chuyến thăm lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mông Cổ năm 1955 và chuyến thăm của Bí Thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Mông Cổ Yumjaagiin Tsedenbal đến Việt Nam năm 1959.
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam-Mông Cổ, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục triển khai các nội dung đã thống nhất tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ: tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế mậu biên; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, dầu mỏ, dược phẩm và thủy điện.
Hai nước cùng nhau tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc, hợp tác trong công nghiệp quốc phòng, quân y, hậu cần và đào tạo ngôn ngữ.
Tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mông Cổ đã được thử thách qua thời gian. Nhân dân hai nước luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Mối quan hệ tin cậy tốt đẹp đó ngày càng được củng cố và phát triển và đi vào thực chất có hiệu quả hơn.
Theo TTXVN