Kinh tế

Việt Nam-Hoa Kỳ: Hứa hẹn mở thêm cơ hội mới trong quan hệ thương mại song phương

TB (theo TTXVN) 21/09/2024 12:45

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 hứa hẹn mở cơ hội mới trong quan hệ thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.

Sơ chế tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)
Sơ chế tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải - COFIDEC, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh

Sau hơn 27 năm bình thường hóa quan hệ, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt nhiều tiến triển thực chất, trên cả bình diện song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Chính sách xuyên suốt của Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu; trong đó, kinh tế-thương mại-đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.

Do đó, chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại Hoa Kỳ hứa hẹn mở thêm cơ hội mới trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Đối tác hàng đầu

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, cơ chế hợp tác giữa Việt Nam-Hoa Kỳ đã có những bước phát triển quan trọng như: Ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) năm 2000; Hoa Kỳ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) năm 2006; Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006.

Cùng đó, hai nước ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA) năm 2007; xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (năm 2013); ký kết Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững năm 2019.

Ngoài ra, hai nước cùng tham gia tham vấn Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) vì sự thịnh vượng năm 2022.

Cũng theo các chuyên gia, nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Đặc biệt, Bộ Công thương luôn coi hợp tác giữa các bộ, ngành, chính quyền các Bang là trọng tâm quan trọng thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần thực hiện mục tiêu, cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước.

Hơn nữa, việc gia tăng sự hợp tác, gắn kết ở cấp độ Bang như với Oregon, Tây Virginia, Maryland, Virginia, California… đã giúp xác lập các khung khổ hợp tác toàn diện, thuận lợi hóa hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại, công nghiệp và năng lượng. Cùng đó, tăng cường chia sẻ thông tin về cơ hội kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ dự án cũng như hoạt động của doanh nghiệp hai nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 77,9 tỷ USD, tăng 25,4%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này đạt 9,8 tỷ USD, tăng 6,9%.

Đáng lưu ý, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,9 tỷ USD; xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, dệt may, da giày, nông sản...

Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn thiết bị công nghệ, nguyên liệu sản xuất và sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Tại buổi tiếp và làm việc với bà Sarah Elleman, Trợ lý Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) phụ trách các vấn đề Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Hoàng Long đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ, tích cực và hiệu quả của USTR về thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư cũng như vai trò của Hội đồng TIFA trong việc kịp thời trao đổi vấn đề phát sinh, tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư song phương vì lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

TTXVN_1206xuatkhaudetmay.jpg
May hàng xuất khẩu tại Công ty May Tinh Lợi, Hải Dương

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là đối tác quan trọng hàng đầu; đánh giá nội dung liên quan tới sở hữu trí tuệ sẽ là một trong những nội dung quan trọng của trụ cột hợp tác kinh tế - thương mại thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị hai nước tăng cường hoạt động trao đổi chính sách, củng cố lòng tin chiến lược, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư thông qua cơ chế đối thoại của Hội đồng TIFA.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng cũng đề nghị phía USTR quan tâm và trao đổi lại với các cơ quan hữu quan của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến một số dự án về năng lượng tại Việt Nam do công ty Hoa Kỳ làm chủ đầu tư và vấn đề về chuyển dịch năng lượng công bằng JETP.

Bà Sarah Elleman đánh giá cao vị thế và vai trò của Việt Nam, khẳng định nguyên tắc trao đổi thương mại cần mang lại lợi ích và giá trị bền vững, ưu tiên thúc đẩy đầu tư hiệu quả và bảo vệ môi trường, qua đó tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của giữa hai nước. Hoa Kỳ sẽ ghi nhận những đề nghị và quan tâm liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Liên quan đến Báo cáo 301 thường niên của USTR về sở hữu trí tuệ, 2 bên đã có những trao đổi thẳng thắn và cụ thể về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền, nạn buôn bán hàng giả tại chợ, cửa hàng truyền thống cũng như trên nền tảng thương mại điện tử. USTR ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều hành động thiết thực và hiệu quả để cải thiện việc bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng đó, khẳng định Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển thực chất trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ những năm gần đây, đặc biệt trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý và tăng cường khả năng thực thi.

Hai bên thống nhất cần tăng cường hơn nữa hoạt động hợp tác về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Hội đồng TIFA bao gồm cả hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia từ phía Hoa Kỳ.

Tận dụng lợi thế

Mới đây, phái đoàn thương mại với hơn 100 thành viên, bao gồm 50 đại diện của 35 doanh nghiệp Hoa Kỳ đã có chuyến thăm Việt Nam. Thứ trưởng phụ trách Đối ngoại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bà Alexis Taylor chia sẻ trọng tâm của chuyến thăm nhằm kết nối với nhà nhập khẩu lớn thông qua các cuộc gặp trực tiếp giữa doanh nghiệp; đồng thời tìm hiểu điều kiện thị trường Việt Nam và khu vực thông quan chuyến thăm thực địa, gặp mặt chuyên gia trong ngành cũng như nhiều cuộc gặp song phương với Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Alexis Taylor cho biết thị trường Đông Nam Á nắm giữ cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hướng sự quan tâm nhiều hơn tới sản phẩm Hoa Kỳ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong ngành chế biến thực phẩm, bán lẻ và nhà hàng với sự hiện diện của nhiều sản phẩm Hoa Kỳ chất lượng vượt trội như các loại hạt, trái cây tươi, thịt gà, thịt bò, và thịt lợn.

Đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công thương) cho hay những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất ra nhiều mặt hàng phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và chất lượng ngày càng được cải thiện.

Đồng thời, sau dịch COVID-19 cũng như những bất ổn địa chính trị-kinh tế gần đây, nhiều tập đoàn, kênh phân phối bán lẻ, bán buôn đang đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa, bảo đảm nguồn cung bền vững và đã lựa chọn Việt Nam là một trong địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là cơ hội lớn nhưng để nắm bắt được cơ hội cũng sẽ đòi hỏi nỗ lực lớn từ các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

Đặc biệt, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, tập trung vào việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, thách thức, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã xuất hiện nhiều xu hướng mới, nhất là giá cả, chất lượng và yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi cung ứng sạch và bền vững.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đó. Hơn nữa, doanh nghiệp khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần xác định rõ chiến lược sản phẩm, đối tác, kênh phân phối; tìm hiểu kỹ quy định, rào cản xuất khẩu, khả năng liên quan tới vụ việc phòng vệ thương mại. Mặt khác, bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, không ảnh hưởng tới môi trường hay sử dụng lao động cưỡng bức; đồng thời từng bước nghiên cứu nâng cấp cơ sở sản xuất, nhà máy theo tiêu chuẩn sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, kết nối với cơ quan liên quan, tạo uy tín và gây dựng niềm tin với khách hàng Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương giữa hai quốc gia.

TB (theo TTXVN)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việt Nam-Hoa Kỳ: Hứa hẹn mở thêm cơ hội mới trong quan hệ thương mại song phương