Việt Nam không những tham gia trong lĩnh vực phát triển mà còn được Liên hợp quốc nhắc đến nhiều lần là "hình mẫu của các nước đang phát triển".
Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại phiên họp về tình hình Yemen ngày 15.9. Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN
Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 (GA75) sẽ chính thức khai mạc ngày 21.9.
Trước thềm sự kiện quan trọng này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, về những dấu mốc đáng nhớ trong lịch sử 75 năm Liên hợp quốc, vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc và những yếu tố đóng góp vào sự thành công của Việt Nam tại tổ chức đa phương này.
- Thưa đại sứ, kỳ họp cấp cao Đại hội đồng năm nay cũng đánh dấu 75 năm thành lập tổ chức Liên hợp quốc. Vậy đâu là những dấu mốc đáng nhớ trong hành trình 75 năm Liên hợp quốc?
- 75 năm qua có rất nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về vai trò cũng như thành tựu của Liên hợp quốc nhưng theo tôi, có ba điểm thể hiện vai trò và thành công vô cùng lớn của Liên hợp quốc.
Thứ nhất là Liên hợp quốc đã tạo ra luật chơi chung với hơn 100 công ước và khoảng 580 điều ước quốc tế được lưu giữ và đăng ký tại Liên hợp quốc đã tạo nên xương sống của luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế là luật chơi chung điều chỉnh hành vi của tất cả các quốc gia cũng như các tổ chức, cá nhân khi người ta tham gia vào hoạt động quốc tế. Cứ thử hình dung xem thế giới của chúng ta nếu không có những luật đó thì sẽ như thế nào trong 75 năm qua. Tôi nghĩ đây là thành tựu lớn nhất.
Điều thứ hai là Liên hợp quốc rất thành công trong lĩnh vực phát triển. Ngoài việc định hướng phát triển của toàn nhân loại, nhất là sau Chiến tranh Lạnh, Liên hợp quốc đã định ra các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và giờ đây là các Mục tiêu phát triển Bền vững thì đó là những khung định hướng chính sách cho tất cả các nước đi theo.
Ngoài ra, Liên hợp quốc cũng có nhiều chương trình thông qua Chương trình Phát triển của mình (UNDP) và nhiều chương trình phát triển khác để hỗ trợ các nước, nhất là các nước còn nghèo và kém phát triển.
Chính nhờ những chương trình này mà các nước có định hướng để đi theo hướng tiến bộ hơn và hàng trăm triệu người được hỗ trợ trong quá trình đó, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em ở các nước nghèo.
Điều thứ ba là những thành tựu của Liên hợp quốc về an ninh. Liên hợp quốc đã đóng vai trò rất quan trọng để không dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba, đồng thời kiểm soát vũ khí giết người hàng loạt. Đây là ba thành tựu của Liên hợp quốc mà tôi cho rằng không thể phủ nhận được.
- Đại sứ đánh giá như thế nào vai trò của Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an trên cương vị Ủy viên không thường trực?
- Chúng ta tham gia Liên hợp quốc chính thức từ năm 1977 và mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có chúc mừng Việt Nam nhân dịp 75 năm Quốc khánh và ông có nói rằng Việt Nam là một đối tác mạnh của Liên hợp quốc và trên thực tế là chúng ta tham gia rất tích cực ngay từ những ngày đầu.
Lúc đầu chúng ta là người được hưởng lợi từ các chương trình của Liên hợp quốc, giờ đây chúng ta tham gia ngày càng tích cực hơn và bắt đầu đóng góp cho Liên hợp quốc, kể cả nguồn lực. Chúng ta không những tham gia trong lĩnh vực phát triển mà còn được Liên hợp quốc nhắc đến nhiều lần là “hình mẫu của các nước đang phát triển, các nước vươn lên từ đói nghèo, từ đổ nát chiến tranh” và trở thành một nước có thu nhập trung bình.
Cũng như vậy, trong lĩnh vực an ninh, chúng ta ngày càng tham gia tích cực hơn, chúng ta tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và được đánh giá rất cao, chúng ta tham gia vào những cơ chế quyết định chính sách cao nhất của Liên hợp quốc như Hội đồng Bảo an.
Ở nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an trước, chúng ta đã hoàn thành xuất sắc và ở nhiệm kỳ này, cho tới nay, chúng ta đã được đánh giá là một đối tác tích cực với vai trò vừa là Chủ tịch ASEAN ở khu vực vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chính Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đánh giá Việt Nam đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
- Theo Đại sứ, những yếu tố nào đã giúp cho Việt Nam có được sự ủng hộ và thành công như vậy ở một tổ chức đa phương có tới hơn 190 nước thành viên như Liên hợp quốc?
- Tôi nghĩ rằng có nhiều nhân tố đóng góp vào thành công của Việt Nam tại Liên hợp quốc nhưng có lẽ có ba nhân tố quan trọng nhất.
Thứ nhất, truyền thống dân tộc. Vừa rồi trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Việt Nam, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng của trưởng đại diện các nước tại Liên hợp quốc, trong đó, người ta đánh giá rất cao truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam, nhất là trong hai cuộc kháng chiến vừa qua.
Thực sự đọc tin nhắn tôi rất cảm động, rằng họ thuộc thế hệ thời Việt Nam chống Mỹ và những hình ảnh của Việt Nam, sự hy sinh của Việt Nam vẫn là tấm gương cho tất cả các dân tộc đã vượt lên đói nghèo, vượt lên kém phát triển, hướng tới.
Thứ hai, chúng ta đã đổi mới, mở cửa thành công, đã chơi theo luật quốc tế, tạo nên những thành tích được các nước đánh giá rất cao về xóa đói giảm nghèo, về tăng trưởng, về nỗ lực đem lại phúc lợi xã hội cho người dân với khẩu hiệu “không để ai bị bỏ lại phía sau” và hiện chúng ta đang thực hiện rất tốt những mục tiêu thiên niên kỷ.
Thứ ba, đó là những ứng xử đối ngoại của chúng ta. Chúng ta ứng xử rất đàng hoàng với các nước lớn, rất chung thủy với các nước bạn bè truyền thống, cũng như đối với tất cả các nước trên toàn cầu. Chính vì vậy, người ta không chỉ nhìn Việt Nam là một nước có trách nhiệm mà còn là một người bạn tin cậy và ứng xử đàng hoàng. Tôi cho rằng đây là ba yếu tố chính khiến Việt Nam được đánh giá cao trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt tại Liên hợp quốc.
- Xin cảm ơn Đại sứ.
Theo TTXVN