Nằm trong diện phong tỏa, cách ly, làng trồng đào thôn Trại Trống, xã Hoàng Tiến, TP Chí Linh rơi vào cảnh thiệt hại chục tỷ đồng.
"Chẳng còn gì, năm nay coi như trắng tay, Tết này coi như bớt sắm sửa, không ai mua thì chặt đào để gốc, năm sau mọc bán tiếp", đó là tâm lý của người dân thôn Trại Trống với kinh nghiệm trồng đào từ những năm 90.
Buồn bã chống cây nạng vào vườn đào Tết, anh Đặng Ngọc Sáng (sinh năm 1978, thôn Trại Trống) thở dài khi đến nay 22 âm lịch mà chưa có một cây đào nào được bán đi.
Vườn đào trong khu phong toả ở TP Chí Linh vẫn còn nguyên những ngày giáp Tết |
Loanh quanh trong khu vườn 1.000 gốc đào đang trong thời điểm được thu hoạch, anh Sáng chưa biết làm cách nào và bấu víu vào đâu khi số đào tồn đọng chưa từng có.
"Cả làng này, nhìn đào không bán được thì ai cũng xót xa, cả gia tài của người nông dân cơ mà, nhưng sức khoẻ mới quan trọng. Chỉ mong sao chính quyền tạo điều kiện để chúng tôi chuyển ít cây đào ra ngoài, bán kiếm ít tiền lo Tết", anh Sáng tâm tư nói.
Cũng theo anh Sáng, thời điểm này mọi năm, thương lái đến kín vườn để mua hàng loạt, rồi mang đi các chợ Tết ở Quảng Ninh tiêu thụ. Năm nay do xã bị phong toả, "nội bất xuất, ngoại bất nhập", khả năng một vài ngày tới phải cắt đi, chăm bẵm năm sau bán tiếp.
Anh Đặng Ngọc Sáng chống nạng buồn bã đi thăm vườn đào của gia đình |
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường trồng 3.000 gốc đào, thương lái đã đặt cọc tiền nhưng không vào vườn chặt được |
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1976) có tới 3.000 gốc đào bung cánh nở rộ, nhưng cũng không bán được cây nào.
Do chăm sóc kỹ càng, đào nhà anh Cường nở đẹp, nhiều nụ tươi tắn, những tưởng sẽ bội thu và có cái Tết ấm no. Nhưng công sức một năm bỏ ra đành chịu lỗ trước tình hình dịch Covid-19.
Cả một vườn đào nhưng vắng bóng thương lái |
Đào không bán được, người dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần |
"Trung bình mỗi gốc đào bán cho thương lái khoảng 300.000 đồng, như vậy nếu không bán được, nhà tôi lỗ hơn 1 tỷ. Những thương lái đã đặt cọc tiền trước, nhưng không vào vườn chặt đào được, nhà tôi đành phải trả lại tiền", anh Cường buồn bã nói.
Gia đình anh Nguyễn Văn Cường trồng 3.000 gốc đào, thương lái đã đặt cọc tiền nhưng không vào vườn chặt được |
Cây đào được trồng 3 năm với giá bán hơn 1 triệu đành phải cắt cành để chăm sóc bán vào năm sau |
Đại diện UBND xã Hoàng Tiến cho biết thôn Trại Trống có khoảng 120 hộ, trong đó 95% sinh sống bằng nghề trồng đào với khoảng 10.000 gốc đào.
Ngày 1.2, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản khuyến khích "Người Hải Dương ưu tiên chơi đào Tết của Hải Dương" vì toàn bộ tỉnh có 275 ha trồng đào.
Tuy nhiên, đến nay mới có 10% số đào được bán đi, các hộ trồng đào đều đang lo lắng, sốt ruột vì nếu không bán được đào đi sẽ rơi vào cảnh nợ nần.
Theo Vietnamnet