Làm theo gương Bác

Việc khó ở Thanh Miện có dân cùng lo

HOÀNG BIÊN 12/02/2024 06:00

Sự đồng thuận, chung sức của người dân góp phần mang lại sự đổi thay tích cực ở nhiều địa phương tại huyện Thanh Miện.

z4970546263665_5dbb690ebfee5a823483d844c9724154(1).jpg
Người dân thôn Tào Khê, xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) tập luyện thể dục bên bờ ao
làng

Làng quê đổi mới

Nhiều tháng nay, chiều tối nào cũng vậy, ở các điểm công cộng thôn Tào Khê, xã Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) lại rộn rã tiếng cười của người dân tập thể dục, thể thao. Trước đây, ao "ông Liền" ở xóm 4 trong thôn như một khoảng nước tù đọng, các nhà xung quanh mỗi người lấn chiếm một ít, rác thải vứt bừa bãi, rất ô nhiễm. Từ tháng 6/2023, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã triển khai cải tạo ao thành điểm sinh hoạt cộng đồng và tập luyện thể thao ngoài trời. Sau hơn 3 tháng cải tạo với kinh phí gần 300 triệu đồng từ nguồn xã hội hoá, nhiều loại máy tập thể dục được lắp đặt phục vụ người dân. Khoảng sân ở giữa thành sân bóng chuyền chiều nào cũng thu hút đông đảo người chơi. Khuôn viên sân còn được tô điểm một số cây xanh tươi mát. Từ một ao tù nước đọng, khu vực này thành điểm nhấn cảnh quan của làng.

Khu vực bờ ao "ông Cơ" ở thôn Tào Khê cũng được cải tạo, lắp đặt thiết bị tập thể dục tạo nên cảnh quan yên bình ít vùng quê nào có được. "Vợ chồng tôi thường xuyên ra đây tập luyện để nâng cao sức khoẻ. Từ khi có sân thể thao, mọi người ra đây cùng tập luyện, trò chuyện, tình làng, nghĩa xóm gần gũi hơn", ông Vũ Văn Trường, người dân ở thôn Tào Khê hồ hởi chia sẻ.

Ở khu dân cư Phù Nội, thị trấn Thanh Miện, người dân thường đùa với nhau rằng đoạn đường trục của khu đi vào chùa Vinh Quang vừa mới hoàn thành vào tháng 11/2023 là đường bê tông rộng nhất huyện. Từ đoạn đường rộng khoảng 3,5 m, người dân trong khu dân cư thống nhất đóng góp kinh phí để mở rộng đường lên tới hơn 15 m. Với tổng mức đầu trên 1 tỷ đồng thì có tới 80% số kinh phí là do người dân đóng góp và con em quê hương ủng hộ. “Tuyến đường hoàn thành vừa giúp cảnh quan ở khu vực này khang trang hơn, vừa tạo thuận lợi cho người dân, du khách ở các nơi đến tham quan di tích chùa Vinh Quang, nhất là vào dịp lễ hội sắp tới. Nhiều hoạt động cộng đồng ở khu dân cư cũng đã được tổ chức ở đây”, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư Phù Nội Đỗ Tiến Tiễn chia sẻ.

Cùng với đoạn đường trên, trong năm 2023, thị trấn Thanh Miện đã xây dựng, cải tạo, nâng cấp hơn 1,6 km đường giao thông ở các khu, xóm. Trong tổng kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng, nguồn lực từ người dân đóng góp và xã hội hóa hơn 2,3 tỷ đồng.

Chung sức, đồng lòng

Không riêng xã Chi Lăng Bắc hay thị trấn Thanh Miện, trong năm qua, tại nhiều địa phương ở huyện Thanh Miện như những công trường nhộn nhịp. Năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Miện xác định 1 công việc đột phá là huy động mọi nguồn lực tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông ở các thôn, khu dân cư theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp, để làm được việc trên, huyện chủ trương bố trí cho mỗi địa phương 1 tỷ đồng. Số tiền trên được dùng như "vốn mồi" để các xã, thị trấn xác định đoạn đường cần nâng cấp, xây dựng và huy động thêm nguồn lực xã hội hoá và nhân dân đóng góp để cùng làm.

z4970554396819_84cdf6757766177bca891ec374f9c7d3(1).jpg
Đoạn đường ở khu dân cư Phù Nội, thị trấn Thanh Miện được mở rộng tới 15 m

Cuộc sống của người dân ngày càng phát triển. Hệ thống giao thông ở nhiều thôn làng không còn đáp ứng được sự gia tăng số lượng xe cơ giới. Các tuyến đường rộng 3-4 m khiến ô tô đi lại, tránh nhau khó khăn. Chủ trương nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông ở các thôn, khu dân cư theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phù hợp yêu cầu thực tiễn nên nhanh chóng được người dân đồng tình và trở thành phong trào lớn trong huyện. Theo Ban Dận vận Huyện ủy Thanh Miện, trong năm 2023, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, xây dựng hơn 33 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ xã hội hoá, người dân đóng góp chiếm trên 60% tổng mức đầu tư. Người dân trong huyện cũng đã hiến hơn 8.000 m2 đất phục vụ làm đường giao thông. Tính thêm số ngày công, công trình người dân tự tháo dỡ, tự bỏ kinh phí xây dựng lại thì nguồn lực từ xã hội hoá để làm đường giao thông trong huyện còn lớn hơn nhiều.

Cùng với chung sức mở đường, với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng, trong đó tiền từ ngân sách chỉ vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng, đến nay hầu hết các thôn, khu dân cư ở Thanh Miện đều có các điểm công cộng được lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao. Cũng từ nguồn lực xã hội hoá, Thanh Miện là địa phương đi đầu hoàn thành di dời các cột điện ở lòng đường để người dân đi lại an toàn.

Đồng chí Nguyễn Thế Tài, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho biết: "Sự đồng thuận, chung sức của người dân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng giúp huyện đạt những kết quả trên. Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thì kinh nghiệm của địa phương chính là cần lựa chọn những công việc cụ thể, thiết thực, phục vụ lợi ích chung thì người dân sẽ hưởng ứng, đồng lòng thực hiện".

Đến các địa phương ở Thanh Miện, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về các gia đình hiến hàng chục mét vuông đất ở làm đường; những dòng họ tự nguyện di dời ngôi mộ hàng trăm năm để giải phóng mặt bằng; không ít doanh nhân ủng hộ hàng tỷ đồng để xây dựng quê hương. Thực tiễn ở Thanh Miện là minh chứng sống động của sức mạnh ý Đảng thuận lòng dân.

HOÀNG BIÊN
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc khó ở Thanh Miện có dân cùng lo