Nghị định 15 về giảm thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2022 nhưng đến nay vẫn còn nhiều nơi chưa triển khai khiến khách hàng bị thiệt.
Theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, bia rượu khi bán thương mại giữ nguyên mức thuế 10%, nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Bia Hà Nội-Hải Dương
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị định 15 có hiệu lực từ ngày 1.2.2022 được coi là “đòn bẩy” kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh những nơi triển khai ngay, có nơi còn chần chừ.
Khách hàng thiệt thòi
Đến nay vẫn còn khá nhiều nơi chưa triển khai hoặc chậm thực hiện giảm thuế theo quy định, nhất là ở các nhà hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa của các hộ kinh doanh. “Cuối tuần trước chúng tôi có tới ăn tại nhà hàng Hoàn Hảo ở phường Sao Đỏ (Chí Linh). Khi thanh toán, chúng tôi yêu cầu nhà hàng cung cấp hóa đơn nhưng các nhân viên ở đây cho biết sau Tết nhà hàng chưa kịp mua hóa đơn. Họ chỉ cung cấp cho chúng tôi một phiếu in danh sách món ăn, số lượng đã sử dụng, giá của từng món và tổng số tiền phải thanh toán. Với tờ phiếu này thì không hiểu chúng tôi đã được giảm thuế chưa?”, anh N.V.N. ở TP Hải Dương cho biết.
Khách sạn Purple Lotus (TP Hải Dương) hiện có tổng số 51 phòng, mở cửa trở lại từ ngày 5.2. Hiện mỗi ngày lượng khách mới đạt 5-7% công suất phòng, cuối tuần đạt khoảng 10%. Anh Lê Công Khiêm, Kế toán trưởng của khách sạn cho biết từ ngày 14.2 mới bắt đầu có khách nghỉ tại khách sạn yêu cầu lấy hóa đơn thì được giảm thuế. Còn trước đó, khách sạn vẫn chờ hướng dẫn cụ thể nên triển khai việc giảm thuế bị chậm.
Tại các cửa hàng của các hộ kinh doanh thì việc thực hiện chính sách này cũng nơi có, nơi không. Đại diện cửa hàng Anh Miện trên đường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết từ đầu tháng 2.2022 khi nhập hàng hóa, một số mặt hàng đã được đơn vị cung cấp giảm 2%. Cửa hàng cũng đã giảm giá trực tiếp trên phiếu thanh toán cho khách hàng đối với một số mặt hàng được áp dụng giảm giá.
Tại cửa hàng tạp hóa Hiến Hiền ở số 153 và cửa hàng tiện lợi Nguyễn Thoan ở số 44 (cùng phố Nguyễn Chí Thanh, TP Hải Dương), từ Tết tới nay các mặt hàng không những không giảm mà còn tăng giá. Khi phóng viên hỏi về giảm giá nhờ chính sách giảm thuế, chủ cửa hàng Hiến Hiền nói: “Đã làm gì có mặt hàng nào được giảm giá, sau Tết giá còn tăng. Mỗi thùng mỳ Omachi giờ tăng hơn chục nghìn, mỗi chai mắm đều tăng vài nghìn đồng tùy loại”. Chủ cửa hàng Nguyễn Thoan cho biết tất cả các loại hàng bán tại đây đều tăng giá vài nghìn đồng/sản phẩm so với trước Tết.
Nhiều người tiêu dùng cũng chưa thực sự quan tâm tới chính sách sát sườn này. Chị Lê Thị Anh ở phố Cầu Cốn (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng về chính sách giảm thuế nhưng chưa tìm hiểu cụ thể. Tôi thường hay mua hàng của các cửa hàng tạp hóa, không có hóa đơn nên chẳng biết có được giảm giá không”.
Còn nhiều điểm vướng
Theo phản ánh của đại diện một số doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, Chính phủ không quy định giảm thuế GTGT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%. Vì thế, một số DN gặp vướng mắc và khó khăn trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS (mã hàng hóa xuất nhập khẩu) khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu.
Từ đầu tháng 2 tới nay, website của Cục Thuế tỉnh đã nhận được nhiều câu hỏi của các DN trong tỉnh về việc thực hiện giảm thuế GTGT. Có DN hỏi hợp đồng ký năm 2021 trở về trước, thuế suất GTGT 10%, sang năm 2022 mới quyết toán thì có được tính thuế 8% không. Hoặc bia rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên 10% nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%... Trường hợp Công ty CP Vôi công nghiệp DLH hỏi về việc giảm thuế GTGT cho các loại sản phẩm của DN là một ví dụ về sự lúng túng khi triển khai chính sách này. Theo công văn trả lời của Cục Thuế, việc giảm thuế GTGT còn tùy trường hợp. Trường hợp công ty sản xuất vôi nung và Dolomite nung mà sản phẩm là vôi sống, vôi hydrat có mã HS: 25.22 thì được giảm thuế GTGT. Nhưng nếu sản phẩm là Dolomite nung thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15 thì lại không được giảm thuế GTGT. Như vậy, muốn biết sản phẩm nào không thuộc diện được giảm thuế thì kế toán DN sẽ phải ngồi rà lại phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.
UBND tỉnh vừa có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương về thực hiện Nghị định số 15. Theo đó yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai các chính sách miễn, giảm thuế theo đúng quy định; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát để người tiêu dùng hiểu và được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế GTGT. Tập trung các giải pháp ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT nhằm giữ bình ổn mặt bằng giá cả thị trường…
Việc chậm triển khai chính sách giảm thuế GTGT khiến người tiêu dùng thiệt thòi, chính sách phục hồi kinh tế không đạt như kỳ vọng... Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc thực hiện để chính sách này sớm đi vào cuộc sống.
KIM THANH
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28.1.2022 của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Điểm nhấn là chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%. Thời gian áp dụng từ ngày 1.2 đến hết 31.12.2022. |