Hiện nông dân đã bắt đầu thu hoạch cà rốt chính vụ để chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Tín hiệu vui với người trồng là Hàn Quốc - một trong những thị trường xuất khẩu cà rốt chính của Việt Nam đã chính thức mở cửa trở lại.
Trong tháng 1, các doanh nghiệp bắt đầu xuất khẩu cà rốt sang thị trường các nước Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á, Trung Đông...
Thời điểm này, nông dân nhiều vùng trồng đang bắt đầu thu hoạch cà rốt chính vụ đưa về xã Đức Chính (Cẩm Giàng) để sơ chế, đóng gói trước khi xuất khẩu.
Tín hiệu vui
Từ cuối tháng 12, những trang trại trồng cà rốt trà sớm ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Ninh… bắt đầu cho thu hoạch. Từng xe tải chở cà rốt ở khắp các nơi đổ về xã Đức Chính. Đây cũng là thời điểm vựa cà rốt của Hải Dương đông vui và tấp nập nhất trong năm.
Xưởng sơ chế nông sản của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính - một trong những nhà xưởng có công suất lớn nhất luôn nhộn nhịp xe. Tại đây, mỗi ngày có tới gần 30 tấn cà rốt từ khắp nơi đổ về. Những củ cà rốt đầy bùn đất được đưa vào dây chuyền rửa tự động, sau đó công nhân phân loại củ theo kích thước và chất lượng, đóng gói. Hơn 200 tấn hàng đã được chở đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong nước. Từ đầu tháng 1 đến nay, HTX đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu đi thị trường các nước Malaysia, Lào và Hàn Quốc với sản lượng trên 100 tấn.
Năm nay, thời tiết lạnh đến muộn nhưng lại có nhiều ngày rét đậm nên cà rốt cho thu hoạch muộn hơn năm trước. Sản lượng tiêu thụ chủ yếu là cà rốt trồng ở các trang trại ngoài tỉnh. Hiện nông dân trong tỉnh mới bắt đầu thu hoạch cà rốt. Giá cà rốt thu mua tại ruộng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Một số diện tích trà sớm sản lượng giảm do đầu vụ gieo trồng gặp mưa nhiều. Dù vậy, sản lượng cà rốt chính vụ vẫn đạt từ 1,7 - 1,8 tấn/sào, tương đương cùng kỳ năm trước, nông dân thu lãi khoảng 5 triệu đồng/sào. Theo các thương lái, giá cà rốt thấp do hiện nay Trung Quốc cũng đang thu hoạch rộ cà rốt chính vụ.
Cà rốt được thu hoạch muộn nên xuất khẩu cũng muộn hơn. Từ đầu tháng 1, các doanh nghiệp mới bắt đầu nhận đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Malaysia, Thái Lan và các nước Trung Đông. Đến ngày 8.1, sản lượng cà rốt xuất khẩu trên địa bàn xã Đức Chính mới đạt khoảng 300 tấn.
Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu cà rốt chính của Việt Nam. Vụ đông năm 2021-2022, sản lượng cà rốt tiêu thụ ở đây khoảng 100.000 tấn, trong đó chủ yếu là cà rốt của Hải Dương. Đối với thị trường này, việc kiểm soát dịch hại, nhất là tuyến trùng đặc biệt quan trọng. Từ ngày 21.12.2022, nước này chính thức gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với một số nông sản của Việt Nam, trong đó có cà rốt. Trước đó, vào đầu tháng 10.2022, Hàn Quốc đã phát hiện loài tuyến trùng radopholus similis trong cây monstera có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam và có thông báo hạn chế nhập khẩu những loại thực vật nguồn gốc từ nước ta, trong đó có củ cà rốt. Lệnh cấm được gỡ bỏ ngay đầu vụ thu hoạch là tín hiệu vui với các vùng trồng cà rốt của Hải Dương.
Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính khẳng định: “Ngay khi Hàn Quốc gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu, đã có gần 10 doanh nghiệp Hàn Quốc trực tiếp đến khảo sát và ký hợp đồng bao tiêu cà rốt thay vì thông qua các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước. Đây là lần đầu tiên có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc trực tiếp đến thu mua cà rốt của Hải Dương. Điều này chứng tỏ, chất lượng cà rốt của tỉnh đã được khẳng định ở thị trường quốc tế”.
Nông dân tuân thủ việc trồng và chăm sóc cà rốt theo quy trình VietGAP nên phần lớn sản lượng cà rốt bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu
Kiểm soát chất lượng
Những năm gần đây, chất lượng cà rốt của Hải Dương được duy trì ổn định. Mặc dù Hàn Quốc từng thông báo hạn chế nhập khẩu cà rốt do nhiễm tuyến trùng nhưng cà rốt của Hải Dương vẫn được xuất khẩu đi các nước và chưa có lô nào phát hiện có tuyến trùng radopholus similis.
Hầu hết các vùng trồng cà rốt đều được nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, kể cả các thị trường khó tính như khu vực châu Âu. Thay vì lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như trước thì nay hầu hết nông dân đều tuân theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là tuyến trùng và dư lượng chất Hexaconazole có trong củ cà rốt được kiểm soát chặt chẽ, giúp doanh nghiệp yên tâm thu mua xuất khẩu, đồng thời bảo vệ thương hiệu cà rốt của Hải Dương.
Xem clip
Ông Nguyễn Văn Sanh ở thôn Đan Tràng, xã Đức Chính trồng 9 sào cà rốt. Từ nhiều năm nay, toàn bộ diện tích trồng cà rốt của gia đình ông vẫn được các doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Ông Sanh cho biết: “Năm nay, ngoài trà cà rốt sớm bị ảnh hưởng do mưa nhiều nên năng suất giảm, các trà cà rốt trồng chính vụ vẫn cho năng suất và sản lượng ổn định".
Hải Dương hiện có khoảng 1.500 ha trồng cà rốt, sản lượng dự kiến khoảng 80.000 tấn. Ngoài ra, nông dân còn thuê hàng nghìn ha đất ở các tỉnh, thành phố khác để trồng cà rốt. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 12.2022, nhưng phải sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nông dân mới thu hoạch rộ. Khoảng 70-80% tổng sản lượng cà rốt của tỉnh phục vụ xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á, Trung Đông...
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết mặc dù các thị trường đã mở cửa, xuất khẩu thuận lợi nhưng việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đối tượng dịch hại là điều nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt.
"Chúng ta phải bảo đảm chất lượng sản phẩm tốt nhất cũng như việc kiểm soát các đối tượng dịch hại, không làm lây nhiễm dịch hại sang các nước nhập khẩu. Đây là bài toán lâu dài mà nông dân và ngành nông nghiệp của tỉnh phải thực hiện để tăng uy tín trên thị trường quốc tế”, bà Kiểm nói.
TRẦN HIỀN