Trường THPT Lê Quý Đôn có 187 học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, chiếm 90,8%; 19 em còn lại đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng với tổng số 32 nguyện vọng.
Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn căn cứ vào năng lực học tập và sở thích của học sinh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp phù hợp
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019-2020, Trường THPT Lê Quý Đôn (Thanh Miện) có số học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp nhiều nhất tỉnh. Trường đã làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực học tập.
Trường THPT Lê Quý Đôn có 187 học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, chiếm 90,8%; 19 em còn lại đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng với tổng số 32 nguyện vọng. Theo thầy Vũ Đình Mạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm học trước, 98,4% số học sinh của trường đỗ tốt nghiệp. Từ đầu năm học 2019-2020, nhà trường đã quan tâm tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối lớp 12.
Trường chọn những giáo viên có nhiều năm công tác, vững chuyên môn và có kinh nghiệm trong tư vấn, hướng nghiệp để làm chủ nhiệm các lớp 12. Thông qua các buổi sinh hoạt vào tuần cuối cùng của tháng, học sinh lớp 12 được tiếp cận với thông tin tuyển sinh, giải đáp những thắc mắc liên quan đến ngành nghề. Xác định việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh rất quan trọng nên trước mỗi buổi sinh hoạt, các giáo viên đều chuẩn bị kỹ lưỡng để các em có thể dễ dàng chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, sở thích, mong muốn của cá nhân. Căn cứ vào khả năng học tập, dựa trên kết quả của một số đợt khảo sát và có sự trao đổi với phụ huynh, các giáo viên định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng em.
Cô Trần Thị Hồng Thao, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C cho biết: "Chúng tôi phân luồng, đưa ra định hướng để các em có thể lựa chọn ngành nghề đúng với năng lực của bản thân, điều kiện gia đình, tránh lựa chọn nghề không phù hợp, mất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức theo học mà không hiệu quả".
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh còn được giáo viên tìm hiểu từ phụ huynh thông qua các cuộc họp, trao đổi trên nhóm Zalo. Theo một số giáo viên của trường, vài năm gần đây, suy nghĩ của nhiều học sinh và phụ huynh có sự thay đổi rõ rệt, nhiều em đã lựa chọn học nghề thay vì thi hoặc xét tuyển đại học, cao đẳng.
Chị Phạm Thị Thoa ở thị trấn Thanh Miện có con đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ: "Chúng tôi biết khả năng học tập của con mình. Trong các buổi họp phụ huynh, các thầy cô tận tình đưa ra những định hướng nghề nghiệp để phụ huynh tham khảo và có thể gợi ý cho con. Vợ chồng tôi dành thời gian trò chuyện, lắng nghe con chia sẻ về ước mơ, nghề nghiệp trong tương lai. Chúng tôi ủng hộ khi biết nguyện vọng của con là chọn một nghề liên quan đến lĩnh vực điện tử".
Những năm học gần đây, Trường THPT Lê Quý Đôn còn tổ chức cho học sinh khối 12 đi thực tế tại một số trường như Đại học Sao Đỏ, Đại học Thành Đông, doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương), cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang (Thanh Miện)... Mỗi chuyến đi thu hút khoảng 50% số học sinh khối lớp 12 tham gia. Các em được thấy rõ công việc cụ thể tại các doanh nghiệp, phòng thực hành của các trường đào tạo nghề thay vì chỉ nghe qua lý thuyết. Sau mỗi chuyến đi, nhà trường yêu cầu mỗi học sinh viết bản thu hoạch nói về cảm nhận, suy nghĩ và có thể nêu đề xuất, mong muốn của mình.
Em Vũ Tuấn Đạt, học sinh lớp 12A cho biết: "Qua tư vấn, định hướng của nhà trường, thầy cô và gia đình, em quyết định chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ học nghề sửa chữa ô tô theo đúng sở thích".
Trường THPT Lê Quý Đôn đã làm tốt việc phân luồng, tư vấn, hướng nghiệp nên nhiều em nhìn nhận đúng về khả năng của mình để lựa chọn học tiếp hoặc theo đuổi ngành nghề phù hợp với năng lực, đam mê.
Xem clip
HUYỀN TRANG