[Video] Trắng đêm mưu sinh trên sông

29/10/2022 14:08

Nhiều hộ ở làng chài Kim Lai, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vẫn sống trên thuyền, ngày đêm bám nghề sông nước để mưu sinh. Dẫu vất vả, hiểm nguy nhưng với họ để hiện thực hóa ước mơ lên bờ có lẽ phải thêm nhiều thời gian nữa.


Anh Vũ Sơn Minh chuẩn bị quăng mẻ chài mới

Ngay giữa lòng TP Hải Dương, người dân khu 16, phường Ngọc Châu đêm đêm vẫn vất vả mưu sinh trên sông nước.

Vất vả

Cuối thu, 19 giờ trời đã tối đen như mực. Đây cũng là lúc các anh Cao Văn Tấn và Vũ Sơn Minh, người dân làng chài Kim Lai, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) bắt đầu hành trình mưu sinh trên sông Thái Bình. Chiếc thuyền nhỏ nổ máy, anh Tấn lái thuyền ra một đoạn gần khu bè cá của một nhà dân, anh Minh bắt đầu chuẩn bị quăng mẻ chài đầu tiên. "Khu này sẽ có nhiều cá vì chúng vào đây để tìm thức ăn rơi vãi của cá trong lồng", anh Minh cho biết. Vậy mà mẻ chài đầu tiên chẳng được gì, mẻ thứ hai rồi thứ ba cũng chỉ được con cá vền.

Hai anh bảo nhau phải chuyển hướng đi xa hơn một chút mới hy vọng có cá. Anh Tấn cho biết, tùy vào thời tiết và con nước, nếu con nước lên, nước chảy êm, thời tiết đẹp thì mới có nhiều cá. Do vậy mà công việc của các anh cũng sẽ kết thúc hôm sớm, hôm muộn. "Có hôm chúng tôi làm đến 12 giờ đêm, thậm chí có lần tới sáng mới về. Hôm nay thì chưa biết khi nào về", anh Minh nói. "Làm nghề này cực lắm. Kiếm được miếng cơm đâu dễ", anh Tấn cho biết thêm. 

Không chỉ bận rộn với công việc chính là quăng chài, bắt cá, các anh còn phải luôn để ý tránh va chạm với tàu bè qua lại trên sông vì không có đèn chiếu sáng như trên bộ nên nguy hiểm luôn rình rập. "Trời lúc nào cũng tối đen như mực, chỉ có cái đèn báo chẳng ăn thua gì", anh Minh nói. Anh Tấn không quên kể về lần va chạm tàu mấy năm trước khiến thuyền của anh bị đắm, bao nhiêu vốn liếng cũng chìm xuống dòng sông. "May mà biết bơi chứ không tôi đã thiệt mạng rồi", anh cho biết.    

Rùng rợn nhất là những lần gặp xác chết trôi sông. Từ lúc làm nghề tới giờ, các anh không nhớ nổi đã bao nhiêu lần gặp cảnh như vậy. Lúc đầu còn sợ, sau các anh làm phúc đưa họ lên bờ, trình báo với chính quyền, hoàn thiện các thủ tục rồi mới quay lại làm việc.     


Lên bờ để thế hệ trẻ ổn định học tập là ước mơ không chỉ của riêng ai ở làng chài Kim Lai

Thỏa ước mơ "lên bờ"

Gần 3 giờ 30 sáng, khoang thuyền vẫn chỉ vỏn vẹn vài con cá vền và cà ra. May sao, những mẻ chài cuối cùng các anh cũng thu được khoảng hơn 10kg cá chép, lăng, ngạnh... Anh Tấn cho biết nghề này là thế, có hôm trúng thì được 50 kg đến 1 tạ cá, hôm mà được cá to thì cũng kiếm vài trăm nghìn hay 2 - 3 triệu đồng. Nhưng cũng có hôm chẳng được gì, phải về không. Sáng ra sẽ có người tới tận nơi thu mua cá. 

Chiếc thuyền chuyển hướng, xuôi theo dòng nước để trở về bến trước khi trời sáng. "Cứ lênh đênh sông nước như thế này chán lắm", anh Tấn thở dài và trải lòng về ước nguyện được lên bờ của những người quanh năm bám sông để mưu sinh. Bản thân không biết chữ nên từ đời cha ông truyền lại, mấy chục năm làm nghề, anh Tấn luôn mong muốn đưa được con cái lên bờ học hành, thoát phận chài lưới lênh đênh. Nhờ làm ăn chăm chỉ, cố gắng tích cóp, cả anh Tấn và anh Minh đều đã mua được mảnh đất, xây được căn nhà nhỏ, các con được đi học đàng hoàng. "Như vậy là tôi thỏa nguyện lắm rồi", anh Tấn nói.

Theo ông Hoàng Văn Phúc, Bí thư Chi bộ khu dân cư 16, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương), khu 16 (hay còn gọi là làng chài Kim Lai) có hơn 600 hộ với 2.100 nhân khẩu. Hiện nay, ngoài những hộ đã lên bờ làm các nghề khác thì vẫn còn khoảng 40% người dân làm nghề chài lưới. Nhiều hộ vẫn ở trên thuyền. Thuyền không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là nhà của họ.

Dẫu biết khi lên bờ, cuộc sống sẽ ổn định hơn nhưng khi thay đổi môi trường sống và công việc, chắc chắn họ sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đây cũng là lý do khiến những người dân làng chài Kim Lai ngại thay đổi sau nhiều năm kế tục nghề của cha ông. Để họ hiện thực hóa ước mơ lên bờ có lẽ phải thêm nhiều thời gian nữa. Đặc biệt, rất cần có sự hỗ trợ của cộng đồng, địa phương.

Ông Phạm Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ngọc Châu cho biết: "Địa phương đã và đang cố gắng liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp, kết nối và hỗ trợ bà con tìm kiếm việc làm phù hợp. Rất mong được các cơ quan chức năng quan tâm, dành quỹ đất để hỗ trợ người dân chuyển đổi, lên bờ sinh hoạt, ổn định cuộc sống".     

Xem clip

LÊ HƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    [Video] Trắng đêm mưu sinh trên sông