Nụ chúm chím như chén vàng, cánh hoa tinh khôi như đĩa ngọc, hương thơm dịu dàng mà tao nhã… Nhiều người đã “phải lòng” hoa thủy tiên và quyết tâm theo đuổi thú chơi cầu kỳ này.
Anh Đặng Xuân Chiến ở thôn Mỹ Trạch, xã Bình Minh (Bình Giang) chăm sóc hoa thủy tiên hằng ngày
Công phu
Dịp Tết Nguyên đán 5 năm trước, trong một lần nhìn thấy người bạn đăng hình ảnh hoa thủy tiên lên mạng xã hội Facebook, anh Đặng Xuân Chiến (sinh năm 1979) ở thôn Mỹ Trạch, xã Bình Minh (Bình Giang) rất thích thú. Anh đã xin một củ về gọt thử, chăm sóc. Sau đó, thủy tiên đã ra hoa, rất thơm. Tuy nhiên, anh Chiến thấy hoa anh gọt và chăm sóc dù thơm nhưng còi cọc, mọc cao chứ không nhiều tầng tán, uốn lượn mềm mại như người bạn kia thực hiện. Vì thế, dịp Tết năm sau, anh Chiến đến nhà bạn nhờ hướng dẫn cách gọt củ và chăm sóc giống hoa này.
Bề ngoài, củ hoa thủy tiên giống củ hành tây. Nhưng làm thế nào để biến “củ hành tây” thành “nàng thơ” thì phải rất công phu học hỏi, anh Chiến mới có thể nắm được kỹ thuật chăm sóc. Theo anh Chiến, gọt củ thủy tiên là tách dần lớp vỏ đến khi lộ những mầm lá, mầm hoa bên trong, thường sẽ gọt gần ½ củ. Dao gọt củ phải là loại chuyên dụng, nhỏ, sắc, một đầu vát, một đầu có rãnh để vết cắt được ngọt, tỉa được củ mà không phạm phải lá và mầm hoa. Gọt xong phải ngâm khoảng 2 ngày để củ nhả hết nhớt. Thủy tiên sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện từ 12-18 độ C, độ ẩm 70%, từ khi gọt củ đến khi nở hoa trong 20-22 ngày, hoa nở từ 7-10 ngày. Ngoài ngưỡng nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, củ hoa có thể bị thối, hỏng nên quá trình chăm sóc phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Gọt đã khó, quá trình dưỡng hoa cũng công phu không kém. Người chơi phải thay nước từ 1-2 lần/ngày, phải là nước sạch hoặc nước mưa, kịp thời phát hiện những lá thối, hỏng, có nguy cơ hỏng để loại bỏ.
“Không đam mê thì khó mà theo đuổi thú chơi này. Trời lạnh mà ngày nào tôi cũng thay nước, tỉ mỉ chăm sóc từng giò hoa, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của hoa từng giờ. Mỗi khi thấy hoa hé ra, bộ rễ trắng tinh dài thêm một chút là thấy vui cả ngày”, chị Vũ Thị Kim Anh (sinh năm 1980) ở thị trấn Sặt (Bình Giang) nói. Dịp Tết Nhâm Dần năm nay, chị Kim Anh đã trồng và chăm sóc 6 giò hoa thủy tiên.
Một tác phẩm hoa thuỷ tiên được nhiều người yêu thích
Thú chơi của người xưa
“Củ thủy tiên ấy gọt vào hôm nào tháng chạp, hãm nắng phơi sương áp đèn như thế nào thì nó sẽ mãn khai đúng lúc giao thừa. Như kim giờ kim phút báo đúng năm hết, hoa nở rộ cả bấy nhiêu giò để chào năm mới đang chờ ở he hé cửa đình. Đình Bạch Mã năm nào cũng tất niên bằng cuộc thi thủy tiên, hoa của ai nở đúng giao thừa thì người ấy lĩnh thưởng…”, thú chơi hoa thủy tiên của cha ông ta đã được nhà văn Nguyễn Tuân tinh tế thể hiện trong tùy bút “Tờ hoa”.
Theo “kỳ nhân” hoa thủy tiên Nguyễn Phú Cường (sinh năm 1947) ở quận Cầu Giấy (TP Hà Nội), hoa thủy tiên đã xuất hiện ở nước ta hàng trăm năm, chủ yếu ở Hà Nội, Hải Phòng với những phong tục đẹp như tổ chức cuộc thi hoa đêm giao thừa, dâng cúng nữ tướng Lê Chân, dâng ban thờ gia tiên dịp Tết, chúc thọ người cao tuổi… Tuy nhiên, vì các cuộc thi đều có tính chất so tài nên nhiều người gìn giữ những bí quyết này không truyền lại cho người khác. Mấy năm gần đây, thú chơi này đã quay trở lại. “Tại Hải Dương, phong trào chơi hoa thủy tiên đã bắt nhịp được với nhiều tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… Một số người chơi ở Hải Dương đã đặt tâm huyết vào tác phẩm, sáng tạo nên những giò hoa đẹp, tinh tế”, ông Cường đánh giá.
Chị Vũ Thị Kim Anh ở thị trấn Sặt (Bình Giang) dâng hoa thủy tiên lên ban thờ gia tiên dịp Tết
5 năm qua, anh Chiến đã tích cực giới thiệu, hướng dẫn người thân, bạn bè, đồng nghiệp về thú chơi hoa thủy tiên. Năm 2020, anh thành lập Câu lạc bộ Hoa thủy tiên Hải Dương và Fanpage Câu lạc bộ _Hoa Thủy Tiên_ Hải Dương. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 100 thành viên tham gia. Anh Chiến hy vọng năm 2025, câu lạc bộ sẽ tổ chức được cuộc thi hoa thủy tiên để tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu hoa thủy tiên cũng như lan tỏa thú chơi này.
Xem clip
VIỆT QUỲNH