Những ngày cận Tết, hòa cùng sắc thắm của cây đào miền Bắc, mai vàng miền Nam, ở Chí Linh còn có giống mai vàng Yên Tử. Giống mai đặc biệt này đã thỏa mãn thú vui tìm kiếm những giống cây lạ về chơi trong dịp Tết nguyên đán của nhiều người.
Xem clip
Để chăm sóc được cây mai vàng Yên Tử theo dáng bonsai, anh Hiếu thường mất khá nhiều thời gian và công sức
Vượt qua đoạn đường khá xa và khó khăn, chúng tôi mới tìm được tới nhà anh Trần Viết Hiếu, sinh năm 1997, ở xóm Đèo Trê, thôn Đồng Châu, xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh). Đây là vườn mai vàng Yên Tử lớn nhất nhì trong xã Hoàng Hoa Thám. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, khi đang loay hoay tìm kiếm cho mình một công việc, anh Hiếu tranh thủ vào rừng tìm cành mai vàng Yên Tử bán cho người chơi ở Bắc Giang, Quảng Ninh vào mỗi dịp Tết. Giống mai vàng Yên Tử có sức sống mạnh mẽ, cành hoa vươn dài, bông hoa khỏe cánh, mọc theo từng chùm rất đẹp. Mỗi dịp Tết có nhiều khách hỏi về giống hoa này nhưng để vào rừng tìm thì khá vất vả và mất thời gian nên anh Hiếu đã sang Đông Triều (Quảng Ninh) tìm kiếm các gốc mai đem về vườn nhà trồng thử nghiệm. Ngay đợt đầu tiên, anh Hiếu đã nhờ bố mẹ hỗ trợ vay vốn và dành gần 1 tỷ đồng mua những gốc mai vàng Yên Tử đắt tiền về trồng và học cách chăm sóc, cắt tỉa tạo dáng.
“Những ngày đầu tìm giống cây mai Yên Tử rất khó khăn, em tìm đến các nhà vườn ở Quảng Ninh để tìm mua cây giống nhưng mỗi nhà họ chỉ bán cho em vài cây. Sau khi gom nhặt em mang về trồng ở vườn nhà, vừa trồng vừa tự mày mò, học hỏi cách chăm sóc”, anh Hiếu cho biết.
Cây mai vàng Yên Tử được nhiều người tìm mua
Giống mai vàng Yên Tử là mai rừng nên chủ yếu trồng theo cây bóng tán. Với kiểu này, anh Hiếu thường không mất quá nhiều thời gian chăm sóc, tạo dáng mà chỉ chủ yếu chăm bón, cắt tỉa lá để tạo bóng. Tùy thuộc vào tình hình thời tiết, anh sử dụng các kỹ thuật hãm hoặc um cây cho hoa nở theo nhu cầu khách hàng. Còn với những cây mai vàng dáng bonsai, anh thường mất nhiều thời gian để tạo kiểu, uốn cành. Những gốc mai vàng theo dáng bonsai thường là những gốc mai lâu năm được tìm kiếm ở trong rừng, có nhiều dáng vẻ tự nhiên. Tùy thuộc từng dáng gốc, tay đòn, anh Hiếu sẽ lựa chọn hình mẫu phù hợp. Trong khu vườn trồng mai rộng hơn 15 ha với hơn 30.000 gốc của mình, anh Hiếu ưng ý nhất là cây mai vàng Yên Tử có tên gọi “Cửu long thanh châu”. Với cây mai có sẵn 9 tay này, anh Hiếu phải dành hơn 30 ngày để tạo kiểu, uốn cành, đắp gốc cho phù hợp, làm nổi bật lên vẻ đẹp của gốc mai vàng. Anh sẽ chăm gốc mai này thêm vài năm nữa để tăng vẻ đẹp, giá trị của cây.
Theo anh Hiếu, mai vàng Yên Tử có hoa 5 cánh màu vàng chanh, viền mỗi cánh đều lượn sóng, hương thơm man mác. Còn mai vàng miền Nam thường có số lượng cánh hoa đa dạng hơn tùy thuộc vào giống mai do người trồng cấy ghép, sắc hoa cũng vàng hơn so với mai Yên Tử và hương thơm nồng nàn…
Mai Yên Tử thường nở rộ tự nhiên sau dịp Tết Nguyên đán. Vì thế, để mai vàng Yên Tử ra hoa vào đúng dịp Tết, khách hàng phải đặt từ tháng 11 âm lịch. Tùy vào yêu cầu của khách hàng, nhà vườn sẽ có phương pháp chăm sóc, tỉa lá, um cây cho hoa nở đúng dịp. Vì giống hoa này hiếm và khó tìm nên giá của mỗi cây hoa này thường khá cao. Tùy từng dáng cây sẽ có giá dao động từ 5 triệu - 20 triệu đồng/cây bóng tán; còn với cây mai vàng Yên Tử dáng bonsai thì thường có giá đắt hơn khá nhiều, từ vài chục triệu tới cả trăm triệu đồng.
“Em sẽ tiếp tục nhân giống và trồng nhiều đồi mai mới, nhất là giống mai bóng tán để phục vụ mọi người có nhu cầu chơi mai vàng Yên Tử trong dịp Tết”, anh Hiếu chia sẻ.
THANH HOA - THÀNH CHUNG