Sáng 10.8, tại phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn, tranh luận với Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Các đại biểu dự phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại điểm cầu Hải Dương
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an, được kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên chất vấn tại điểm cầu tỉnh Hải Dương các đồng chí: Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Khắc Toản, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh, đại diện sở, ngành liên quan.
Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm về việc xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ sự băn khoăn về căn cứ, cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đại biểu cho biết thực tế tại nhiều địa phương, dữ liệu thông tin chưa đồng bộ gây khó khăn để triển khai và đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng gửi câu hỏi này tới Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
Xem clip
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Bộ này đang triển khai tích hợp thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân. Căn cước công dân gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng… Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông. Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định khi hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ với các bộ, ngành khác, người dân đi làm các thủ tục hành chính sẽ thuận lợi hơn rất nhiều trong thời gian tới.
Đồng chí Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thị Việt Nga chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Tranh luận thêm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện liên thông dữ liệu vì không rõ đâu là dữ liệu gốc. "Đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết rõ hơn Luật Căn cước công dân hay Luật Hộ tịch là dữ liệu gốc để các địa phương triển khai. Hiện nay, cơ sở dữ liệu chưa liên thông được do chưa bảo đảm yêu cầu, Bộ trưởng có giải pháp gì để dữ liệu liên thông được?", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết Bộ đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân, hiện còn 2 khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch là khâu khai sinh và khai tử. Bộ trưởng đề nghị đồng bộ 2 khâu này để tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, trẻ em sinh ra sẽ được cấp mã số định danh cá nhân là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi căn cứ trên giấy chứng sinh và sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Như vậy, hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ được thực hiện đồng bộ. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục.
Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chất vấn, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết cơ sở pháp lý là Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định nêu rõ việc này tuân theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Căn cước công dân và các nghị định có liên quan đến thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính, liên thông thủ tục. Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời để giải quyết tình trạng có những thông tin không khớp khi so sánh thông tin của tỉnh với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
PHONG TUYẾT