Hơn 800 ao cá tại các địa phương trong tỉnh đang xâm lấn hành lang bảo vệ bờ kênh Bắc Hưng Hải và có khả năng gây mất ổn định bờ kênh trong mùa mưa bão năm nay.
Ông Phạm Văn Quản ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) xây dựng nhà tạm, đào ao, lấp lòng kênh vi phạm nghiêm trọng công trình thủy lợi
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị lấn chiếm, hủy hoại không chỉ bởi các công trình xây dựng trái phép mà còn do các ao cá trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Nhiều đoạn xảy ra sạt trượt nghiêm trọng, mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Nhiều vi phạm
Đầu tháng 5, Trạm Quản lý công trình sông Sặt đã phát hiện hộ ông Phạm Văn Quản ở thôn Đồng Lại, xã Liên Hồng (TP Hải Dương) tự ý đóng cọc tre, quây phên lưới, bơm bùn nạo vét ao cá để san lấp, lấn chiếm lòng kênh và đổ bê tông cải tạo mái bờ ao trong khu vực bảo vệ công trình thủy lợi. Ông Quản tự ý đổ đất lấn chiếm lòng kênh rộng 3 m và dài khoảng 40 m. Trên phạm vi bờ hữu sông Kim Sơn, ông xây nhà tạm và sân bê tông rộng khoảng 20 m2. Hoạt động này đã vi phạm nghiêm trọng công trình thủy lợi, ảnh hưởng tới cả bờ kênh và lòng sông.
Ông Tăng Văn Kết, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hồng cho biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, chính quyền địa phương đã phối hợp Trạm Quản lý công trình sông Sặt, đơn vị quản lý đường sông và lực lượng quy tắc TP Hải Dương lập biên bản xử lý, nhưng đến nay công trình này vẫn tồn tại. Qua rà soát, xã có khoảng 20 hộ đang chăn nuôi gia cầm, thủy sản ở khu vực này. Tất cả các hộ đều vi phạm công trình thủy lợi, có những hộ đã xây công trình vi phạm trước khi Luật Thủy lợi có hiệu lực.
Không chỉ vi phạm khi xây nhà tạm, nhiều đoạn ao cá của người dân liền kề với bờ kênh còn xảy ra nhiều sự cố. Tại bờ tả kênh Đĩnh Đào đoạn qua thôn Cẩm Bối, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đã xảy ra sự cố sạt mái kênh với tổng chiều dài 10 m, sạt sâu vào bờ kênh từ 0,5-0,8m. Sau khi phát hiện sự cố, đơn vị quản lý công trình thủy lợi đã tuyên truyền, vận động người dân kè bờ nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Luật Thủy lợi quy định rõ, xây dựng công trình và nuôi thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đào ao, thả cá ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đều không được cấp phép.
Một số hộ dân tự đắp đất, làm kè bờ ao bảo đảm an toàn cho bờ kênh Bắc Hưng Hải
Mất an toàn
Theo thống kê của Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện có tới hơn 800 ao cá xâm lấn vào hành lang bảo vệ bờ kênh và có khả năng gây mất ổn định bờ kênh trong mùa mưa bão năm 2021, tập trung nhiều nhất ở các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Ninh Giang. Nguyên nhân do kênh Bắc Hưng Hải chủ yếu là kênh đất, nhiều đoạn địa chất kém, trong khi nhiều hộ nuôi cá có bờ giáp kênh không có biện pháp bảo vệ công trình thủy lợi, cá rúc rỉa vào bờ, gây sạt trượt, nhiều đoạn bị sạt nghiêm trọng.
Trong năm 2020, các đợt mưa lớn đã làm nhiều đoạn bờ kênh trục Bắc Hưng Hải xảy ra sự cố sạt trượt. Toàn hệ thống còn 99 điểm sạt trượt với tổng chiều dài hơn 39km. Năm 2020, công ty mới xử lý 8 điểm, dài hơn 1 km. Hiện đơn vị tiếp tục có kế hoạch gia cố một số đoạn bờ kênh tả Kim Sơn thuộc xã Cẩm Đoài (Cẩm Giàng). Đây là những đoạn kênh tiếp giáp với ao cá đang sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, gia cố, tôn cao áp trúc bờ kênh chỉ là giải pháp tạm thời. Nếu người dân và chính quyền địa phương không nâng cao ý thức bảo vệ thì các đoạn bờ kênh này vẫn có nguy cơ xảy ra sự cố.
Anh Nguyễn Minh Hải, Phó Trạm Trưởng Trạm Quản lý công trình Cầu Xe - An Thổ cho biết: "Đơn vị đã phối hợp chính quyền xã tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá giáp bờ kênh tăng cường các biện pháp gia cố, bảo vệ như đóng cọc, kè bờ hoặc trải bạt ở bờ kênh. Các hộ trước khi nuôi thủy sản, kè bờ đều phải thông báo với đơn vị quản lý để được hướng dẫn thực hiện, tránh ảnh hưởng xấu đến bờ kênh, gây mất an toàn trong mùa mưa bão".
Những năm gần đây, lũ nội đồng trở thành mối lo ngại của người dân và các cấp chính quyền. Các đợt mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường lên cao gây khó khăn cho tiêu thoát nước ra sông ngoài, tạo áp lực lên hệ thống bờ kênh Bắc Hưng Hải. Bảo vệ các tuyến bờ kênh này quan trọng và cấp bách như bảo vệ bờ đê sông lớn. Các hoạt động đào ao, thả cá trong phạm vi công trình thủy lợi về lâu dài dễ gây sự cố bờ kênh. Các cấp chính quyền và người dân cần nâng cao ý thức, hạn chế tác động xấu dẫn đến các sự cố sạt lở.
Xem clip
TRẦN HIỀN