Bất kể là ta đã thương người bao nhiêu lâu, hay đậm sâu đến dường nào…, đến cuối cùng ta vẫn nắm hụt một bàn tay.
Cho dù có lúc chúng ta là hi vọng duy nhất của nhau, cho dù có lúc chỉ cần một bước nữa thôi để đến vạch đích, cho dù có lúc ôm lấy nhau từ phía sau, hứa hẹn mãi không rời…
Bất kể bao nhiêu con đường mà ta đã cùng nhau đi qua thì tất cả những gì mà ta có thể làm ở cuối con đường chính là… rời đi.
Đến nỗi, mỗi bước chân làm lòng quặn thắt lại.
Hiểu rằng đời người có mấy nhiêu lần gặp nhau, có sống ân cần được với nhau đến khi nào, nên khi rời đi, ta hãy tự nhủ rằng mình đã để dành lại bầu trời cho một ngày đầy nắng khác, để sau đêm đen là ánh bình minh của một ngày mới.
Ta đã nhủ rằng tất cả những gì mình có thể làm đều đã làm, nên điều cuối cùng ta có thể làm là để người mình thương tìm được một ai đó đủ duyên, để có thể mỉm cười hạnh phúc.
Vì thương, nên ta biết rằng sẽ có một ai đó đang đợi người mình thương ở cuối con đường. Và rồi vào một lúc nào đó, ta lại có dịp nhìn thấy người mình thương được hạnh phúc.
Không có nghĩa là ta đã không đủ cố gắng để níu chân. Mà ngược lại, vì thương nên không nỡ thấy người mình thương phân vân, không nỡ giành lấy những tháng ngày thanh xuân của người mình thương, không nỡ thấy mình vô tình trong cõi nhân gian ngắn ngủi này.
Và vì không nỡ để người mình thương thốt ra lời tạ từ, nên ta chọn cách rời đi.
Tình yêu đôi lứa vốn dĩ mang tính chiếm hữu, vì thế mà nó trở thành nguồn cội của đau khổ. Bất cứ ai cũng muốn khư khư giữ lấy cho riêng mình và không muốn chia sẻ với bất cứ ai khác. Khi mới quen, tình yêu thường ngọt ngào gắn bó, đến một lúc yêu quá nhiều thì đâm ra muốn chiếm hữu.
Chính chúng ta nhân danh tình yêu để níu kéo, và rồi tiếp tục gây đau khổ cho đối phương bằng cách yêu mù quáng của mình đến nỗi không nhận ra. Có mấy ai đủ dũng cảm để nói lời chia tay người mình thương?
Nếu nỗi đau khổ không có bắt đầu, thì liệu nó có chấm dứt không?
Khổ, trong quan niệm của Phật giáo, không phải từ các giác quan mang lại, mà thực sự cái khổ xuất phát từ trong tâm niệm của con người, như con tằm nhả kén rồi tự trói buộc mình trong đó. Vậy nên, trong cái khổ của chia xa, khi ta nghĩ rằng cái khổ rồi có lúc nó cũng sẽ rời ra ta như cái duyên hợp tan mà ta gặp được và rồi chia xa người mình thương, thì khi đó, ta thấy cái khổ cũng giống như việc chia ly, nó không mãi ở đó bất biến.
Vì vậy, khi nó đến, ta không bám chấp vào nó, nhìn thấy được nó, gọi tên được nó, đối diện với nó, thì ta đã tiến bước một bước để thoát khổ.
Nên ta học cách bình yên khi người đến bên cạnh ta. Những giây phút có ai đó bên cạnh mình, nếu thứ bình yên mà ta cho rằng mình có được hãy còn dính mắc vào sự hiện diện của người đó, thì khi người rời ta đi, ta cũng mất bình yên. Vậy nên, dù một mình hay có ai đó bên cạnh, ta đều phải học cách bình yên thật sự. Ta phải nhận ra rằng bình yên đó không phải từ sự hiện diện của người đó, mà chính từ sự hiện diện đầy đủ của ta trong tình yêu đó, rằng ta đã thương người bằng tất cả những gì ta đã là.
Rõ ràng, khi thấy được ý nghĩa của mình trong khoảng thời gian ở cùng người mình thương, dù có ngắn ngủi đi chăng nữa, ta đã dành những năm tháng thanh xuân để sống thật vui vẻ và hạnh phúc, thì khi không còn ở bên cạnh người thương, ta cũng hiểu rằng cái duyên của mình cũng dừng ở đó. Và rằng ta đã sống thật hạnh phúc, vậy ta đâu còn hối tiếc điều gì nữa?
Phải chăng trước khi người thương xuất hiện, ta vẫn hay đi đi về về nơi chốn của riêng mình. Nay nhờ có người thương mà trong lòng ta chẳng phải đã nở ra một đóa hoa thật đẹp đó chăng? Khi ta quán chiếu được mọi sự vật trong đời sống đều vô thường, thì một đóa hoa nở ra ắt cũng đến lúc úa tàn rồi biến mất. Và ta lại tiếp tục ươm mầm những đóa hoa thật đẹp khác trong những vòng đời của mình.
Ta hiểu rằng tình thương của mình dành cho người thương không chỉ dừng ở đó, nó sẽ chuyển hóa thành một tình cảm khác, một ước nguyện mong cho người mình thương được hạnh phúc.
Theo Gia đình