Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài 2: Cơ sở vật chất chưa tương xứng

15/11/2018 18:06

Thiếu phòng học chuyên dụng, trang bị đồ dùng cần thiết hoặc khai thác chưa hiệu quả... là một trong những nguyên nhân khiến việc học ngoại ngữ chưa đạt được kết quả như mong muốn.


Cơ sở vật chất là điều kiện cần thiết để dạy tiếng Anh theo chương trình mới

Thực hiện Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020" (chương trình dạy tiếng Anh mới), những năm qua, các trường đã được quan tâm đầu tư xây dựng phòng học chuyên dụng, trang bị đồ dùng cần thiết nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thiếu thiết bị

Đến giữa năm nay, toàn tỉnh mới có 370 trường tiểu học, THCS và THPT được hỗ trợ trang thiết bị theo chương trình dạy tiếng Anh mới. Như vậy, vẫn còn 38,4% số trường chưa có thiết bị cần thiết.

Năm học này, Trường THCS Đoàn Thượng (Gia Lộc) bắt đầu triển khai dạy chương trình tiếng Anh mới với 2 lớp 6 nhưng vẫn chưa có phòng chuyên dụng, các tiết dạy chủ yếu dùng máy chiếu và những thiết bị truyền thống khác. Các giáo viên tùy cơ ứng biến trong sử dụng thiết bị để phù hợp với bài giảng của chương trình mới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của bài học. Giáo viên khó tổ chức triển khai đầy đủ nội dung tiết học theo thiết kế của sách giáo khoa. "Chương trình mới được thiết kế hướng tới người học tham gia vào các hoạt động. Các thiết bị như bảng tương tác, hệ thống âm thanh, dàn máy sẽ giúp học sinh tiếp cận bài học dễ dàng hơn, có hứng thú và được nghe, nói nhiều hơn", thầy Trịnh Minh Thắng, giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THCS Đoàn Thượng nói.

Ngoài những trường chưa được hỗ trợ thiết bị thì ngay cả các trường đã có phòng học tiếng Anh chuyên dụng cũng gặp nhiều khó khăn. Trường Tiểu học Thanh Bình (TP Hải Dương) hiện có 1.600 học sinh. Do số học sinh các năm học gần đây đều tăng nên nhà trường luôn trong tình trạng thiếu phòng học. Tuy vậy, trường vẫn cố gắng bố trí 1 phòng tiếng Anh chuyên dụng, cứ 2 tuần các lớp mới được học tại phòng này 1 tiết. Trường cần có thêm ít nhất 2 phòng học chuyên dụng nữa mới cơ bản đáp ứng nhu cầu. Để khắc phục, nhà trường động viên giáo viên tích cực sử dụng máy chiếu, giáo án điện tử và các thiết bị bổ trợ khác.  

Cùng chung khó khăn trên, Trường THPT Ninh Giang nhiều năm nay mới có 1 phòng học tiếng Anh chuyên dụng trong khi trường có 7 lớp dạy theo chương trình mới. Do thiết kế của sách giáo khoa hầu hết các tiết học đều cần đến phòng học chuyên dụng nhưng số lớp đông nên phải bố trí sử dụng luân phiên. Các tiết dạy khác không học ở phòng chuyên dụng, giáo viên phải sử dụng máy chiếu và đài đĩa nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Sử dụng chưa hiệu quả

Trong khi nhiều trường vẫn chưa được đầu tư trang thiết bị thì một số trường đã có nhưng khai thác chưa hiệu quả hoặc không thể sử dụng vì chưa được hướng dẫn, thậm chí bị hỏng.

Năm học này, các trường tiểu học trong huyện Ninh Giang thực hiện dạy 4 tiết/tuần đối với học sinh các lớp 3, 4 và 5 theo chương trình tiếng Anh mới. Toàn huyện hiện có 14 trường có bảng tương tác nhưng một số bị hỏng do sử dụng nhiều năm.

Ở một số trường đã có bảng tương tác, hệ thống âm thanh nhưng giáo viên chưa biết dùng. Theo thống kê, trong tổng số 1.101 giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ châu Âu thì mới có 486 giáo viên (chiếm 44,1%) ở 3 cấp học thường xuyên sử dụng thiết bị của phòng chuyên dụng.

Nguyên nhân chính do các đơn vị cung ứng thiết bị sau khi lắp đặt, bàn giao không hướng dẫn hoặc hướng dẫn sơ sài cho giáo viên. Do đó, nhiều trường mặc dù đã lắp cả nửa năm học nhưng các giáo viên vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nhiều lần tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng bảng tương tác song vẫn chưa thể khắc phục hạn chế này. Ngoài ra, do chưa hiểu hết cách thức vận hành bảng tương tác nên nhiều giáo viên loay hoay, lúng túng khi thực hiện bài giảng.

Ngoài ra, việc trang bị cho phòng tiếng Anh chuyên dụng thời gian qua ở nhiều trường còn thiếu đồng bộ. Hiện nhiều trường mới có máy tính kết nối với bảng tương tác, hệ thống âm thanh, còn dàn máy cho học sinh chưa có. Như vậy, mới chỉ đáp ứng việc tương tác giữa giáo viên với bảng hoặc từng học sinh với bảng mà chưa có sự tham gia đồng loạt của các học sinh. Nhiều bài học cần sự tương tác của đông đảo học sinh nhưng do hạn chế về thiết bị nên bài học không thể thực hiện được. Thầy giáo Nguyễn Xuân Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) cho biết: "Các thiết bị trong phòng học chuyên dụng phải được đầu tư đồng bộ vì học tập theo chương trình mới phụ thuộc rất nhiều vào thiết bị, máy móc. Bài giảng sẽ không thể đạt kết quả như mong muốn nếu giáo viên tiếp tục phải dạy vo hoặc dạy bằng phương tiện cũ".

Ngoài ra, một số trường cho rằng việc hỗ trợ trang thiết bị phục vụ chương trình tiếng Anh mới chưa kịp thời. Từ lúc trường có nhu cầu đến khi được tiếp nhận thì thiết bị đã gần hết thời gian bảo hành. Do đó, khi xảy ra sự cố, đơn vị cung cấp hầu như không hỗ trợ gì gây khó khăn cho nhà trường. 

HOA TRUNG

(0) Bình luận
Vì sao việc thực hiện chương trình dạy tiếng Anh mới hiệu quả hạn chế? Bài 2: Cơ sở vật chất chưa tương xứng