Vì sao Trung Quốc đổ tiền vào phim Hàn?

17/01/2021 09:22

Bằng chất lượng và khả năng tiếp cận rộng rãi, phim truyền hình Hàn buộc nhiều nhà sản xuất Trung Quốc phải bỏ tiền mua bản quyền phát sóng, đầu tư và tranh suất quảng cáo.


Trung Quốc đã mua bản quyền phát sóng bom tấn Mount Jiri có Jun Ji Hyun, Joo Ji Hoon tham gia

Phim truyền hình Hàn đã là món ăn tinh thần quen thuộc ở nhiều quốc gia châu Á trong hàng thập kỷ qua. Đặc biệt, khi những nền tảng chiếu phim trực tuyến, chẳng hạn như Netflix ngày càng phổ biến, phạm vi tiếp cận của phim ảnh xứ kim chi ngày càng mở rộng. Giờ đây, người hâm mộ trong và ngoài Hàn Quốc có thể thưởng thức tác phẩm ở cùng một thời điểm, gần như cùng một khung giờ.

Nhưng theo tờ Korea Times, tại thị trường khổng lồ như Trung Quốc, mọi chuyện lại khác. Kể từ khi Bắc Kinh cấm tiêu thụ văn hóa Hàn Quốc trên đất nước tỷ dân vào năm 2017 vì một vài lý do nhạy cảm về chính trị, dường như không có bất kỳ bộ phim truyền hình Hàn nào được chính thức phát hành tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự thay đổi tích cực bắt đầu xuất hiện trong vài năm gần đây.

Vì sao người Trung Quốc chi tiền mua bản quyền phim Hàn?

Tháng 12/2020, lần đầu tiên sau gần 4 năm ban hành lệnh cấm văn hóa Hàn, một cơ quan quản lý truyền thông Trung Quốc đã phê duyệt hoạt động kinh doanh của một video game đến từ xứ kim chi tại thị trường tỷ dân. Đây có thể chưa phải là tín hiệu rõ ràng cho thấy nội dung tiếng Hàn được phép tái nhập Trung Quốc.

Song, một động thái tích cực khác cần kể đến là các dịch vụ OTT (viết tắt của Over-The-Top, thuật ngữ chỉ các ứng dụng và nội dung được cung cấp trên nền tảng Internet) của Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư vào phim Hàn trong vài năm trở lại đây, bất chấp việc những tác phẩm đó có thể không được phổ biến tại đại lục.

Ví dụ điển hình là iQIYI - một dịch vụ OTT của Trung Quốc - đã mua quyền phát hành series phim Cliffhanger (Mount Jiri) của đài tvN, Hàn Quốc. Tác phẩm này có sự tham gia của Jun Ji Hyun, Joo Ji Hoon và tạm thời ấn định lịch phát sóng vào cuối năm 2021 tại xứ kim chi. Thông qua iQIYI, Mount Jiri sẽ được phát hành tại nhiều quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Năm ngoái, iQIYI đã mua hơn 30 tựa phim Hàn, bao gồm The Spies Who Loved Me, Backstreet Rookie…

Hành động nói trên có lẽ là một phần trong những nỗ lực chiến lược của công ty Trung Quốc hướng tới mục tiêu là khán giả quốc tế. Họ muốn mang đến nội dung chất lượng để cạnh tranh với các đối thủ sừng sỏ trong nước như WeTV, Youku hay những “gã khổng lồ” ngoài nước như Netflix, Disney+. Từ đó, các nền tảng này có thể mở rộng tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế trong bối cảnh nhu cầu về các dịch vụ chiếu video, phim trực tuyến giữa thời dịch tăng cao.

Theo Korea Times, các chuyên gia cho rằng để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt nói trên, các nền tảng chiếu phim trực tuyến Trung Quốc có nguyện vọng thu hút khán giả châu Á cần phải đảm bảo chất lượng nội dung phim Hàn.

“Thương vụ thu mua phim Hàn của các công ty Trung Quốc là một phần của cuộc chiến nội dung và vốn đầu tư giữa các doanh nghiệp Mỹ và Trung Quốc xét riêng ở mảng sản xuất nội dung truyền hình Hàn nhằm trụ vững trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ phát hành nội dung trực tuyến", tờ Korea Times trích lời nhà phê bình văn hóa Kim Sung Soo.

Ông nhận định: "Nói gọn lại, các công ty Trung Quốc không thể hoạt động nếu thiếu đi nội dung tiếng Hàn. Tất nhiên, nhà sản xuất từ đất nước tỷ dân cũng đầu tư số tiền khổng lồ để sáng tạo nội dung của chính họ và kiếm được một khoản không nhỏ. Nhưng chất lượng của những nội dung đó khó có thể sánh bằng các tác phẩm đến từ xứ kim chi”.

Nhà phê bình Kim Sung Soo phân tích: “Phim ảnh Âu Mỹ rất hay, nhưng rào cản văn hóa đôi khi khiến khán giả châu Á không thể hoàn toàn chấp nhận. Trong khi đó, phim Hàn thỏa mãn về phần quay phim và diễn xuất không thua kém gì Âu Mỹ, hơn nữa, còn mang đậm hơi thở và triết lý Á châu, nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình và cộng đồng. Chúng thu hút khán giả châu Á, đặc biệt là người hâm mộ Đông Nam Á”.

phim truyen hinh Han,  True Beauty,  Mount Jiri anh 2
Thu mua phim Hàn là một phần trong những nỗ lực chiến lược của các công ty kinh doanh dịch vụ OTT Trung Quốc hướng tới mục tiêu là khán giả quốc tế

Ông Kim Sung Soo nhấn mạnh rằng phim Hàn có giá rẻ hơn nếu so với chất lượng, đồng thời, có đủ khả năng để cạnh tranh tại các quốc gia phương Tây.

“Netflix từng bỏ ra 30 tỷ won (khoảng 27 triệu USD) cho series Hàn Sweet Home và thành công ở thị trường Bắc Mỹ, châu Âu bên cạnh thị trường châu Á. Khi Netflix bắt đầu kinh doanh tại Hàn Quốc, xứ kim chi chỉ được xem như là phép thử cho thị trường châu Á. Nhưng rõ ràng, đặt lên bàn cân so sánh với Hollywood, Hàn Quốc là nơi có thể tạo ra những bộ phim truyền hình chất lượng cao với chi phí tiết kiệm và phù hợp với thị trường quốc tế”, Kim Sung Soo nói.

Đầu tư giành suất quảng cáo

Ngoài việc thu mua chương trình truyền hình Hàn, nhiều công ty Trung Quốc còn đầu tư trực tiếp vào các bộ phim nhằm giành suất quảng cáo sản phẩm xuất xứ từ đất nước tỷ dân.

Năm ngoái, WeTV đã chi ra 100 tỷ won (khoảng 91 triệu USD) cho jTBC Studio vốn là nhà sản xuất bom tấn truyền hình The World of the Married (Thế giới hôn nhân). Chi tiết về mối quan hệ hợp tác kinh doanh này không được tiết lộ, nhưng có nhiều thông tin cho hay WeTV muốn thúc đẩy phát hành phim thông qua các kênh trong cùng một thời điểm.

Hàng loạt công ty Trung Quốc tranh suất quảng cáo trong phim truyền hình Hàn. True Beauty - tác phẩm đang phát sóng trên màn ảnh nhỏ xứ kim chi gần đây - ngập tràn các cảnh quảng cáo đồ ăn Trung Quốc. Một trang web mua sắm online Trung Quốc cũng được nhắc đến trong loạt phim.

Đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp Trung Quốc thúc đẩy hoạt động marketing thông qua các phân đoạn quảng cáo trên phim Hàn.

Con dao hai lưỡi

Việc các hãng sản xuất phim ký hợp đồng tài trợ, quảng cáo sản phẩm trên màn ảnh là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng các công ty Trung Quốc, vốn đang chịu sự kiểm soát từ chính phủ nước này, có thể gây ảnh hưởng xấu tới các bộ phim truyền hình dưới danh nghĩa tài trợ.

“Lồng ghép quảng cáo là việc không thể tránh khỏi trong các bộ phim truyền hình. Thế nhưng, thật kỳ lạ khi nhìn thấy chữ Hán và sản phẩm tiêu dùng Trung Quốc trong các bộ phim truyền hình Hàn bởi chúng vốn không phổ biến ở xứ kim chi. Một khi bắt gặp điều vô lý đó, tôi khó lòng tập trung vào diễn biến phim. Đồng thời, tôi quan ngại về việc khoản đầu tư từ Trung Quốc có thể tác động tiêu cực tới các tác phẩm truyền hình và bóp méo câu chuyện theo hướng có lợi cho đất nước tỷ dân, chẳng hạn như họ có thể tuyên bố rằng trang phục truyền thống của Hàn Quốc vốn là của họ”, Lee Ye Seul - một người hâm mộ phim truyền hình bày tỏ quan điểm với tờ Korea Times.

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae Geun lý giải: “Có nhiều khả năng phim truyền hình Hàn sẽ bị ảnh hưởng bởi tiền do Trung Quốc bỏ ra, do Bắc Kinh gắt gao kiểm duyệt nội dung văn hóa đến từ xứ kim chi. Càng phụ thuộc vào khoản đầu tư, các studio Hàn càng phải đáp ứng yêu cầu của các nhà sản xuất Trung Quốc, khiến sự tự do trong việc sáng tạo nội dung bị giới hạn”.

Song song với đó, vẫn có những cái nhìn lạc quan hơn. Ngành công nghiệp OTT chạy theo tiêu chuẩn toàn cầu, ít bị điều khiển bởi cơ quan, tổ chức nào đó.

Nhà phê bình Kim Sung Soo bày tỏ quan điểm: “Nếu bạn là đạo diễn được đài truyền hình địa phương/khu vực/quốc gia thuê về làm việc, bạn cần phải đáp ứng sở thích của khán giả tại địa phương/khu vực/quốc gia đó. Nhưng ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ OTT, điều đó sẽ không xảy ra".

Ông phân tích: "Các nhà cung cấp dịch vụ OTT mong muốn chiêu mộ các đạo diễn và biên kịch người Hàn giàu kỹ năng, tạo điều kiện để họ làm việc và không gây áp lực để tránh đánh mất nhân tài. Một số đạo diễn chưa đủ trình độ, kinh nghiệm có thể sẽ phải chiều lòng Trung Quốc. Song, trên thực tế, ngành công nghiệp này hoạt động dựa trên vốn đầu tư và năng lực chứ không phải sự kiểm soát của bất kỳ cơ quan kiểm duyệt nào”.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Trung Quốc đổ tiền vào phim Hàn?