Cuối tuần qua, hơn 2,5 triệu ứng viên tham gia thi tuyển công chức ở các trung tâm khảo thí trên toàn Trung Quốc, mức lớn nhất trong hơn một thập kỷ.
Đây là một cuộc thi khốc liệt, khi trong số 2,5 triệu ứng viên đó chỉ chọn được 39.700 vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, năm 2025.
Để trở thành công chức, ứng viên phải nộp đơn xin vào vị trí tuyển dụng. Sau sàng lọc hồ sơ, người đủ điều kiện tham gia kỳ thi viết, gồm lý thuyết chính trị đến kiến thức chung. Những người vượt qua kỳ thi được phỏng vấn và kiểm tra sức khỏe, lý lịch.
Ngoài tuyển dụng công chức cấp quốc gia, các địa phương cũng có quy trình tuyển dụng riêng.
Cơn sốt việc làm trong các cơ quan nhà nước ở Trung Quốc bắt nguồn từ thời kỳ đại dịch Covid-19. Từ thời điểm đó, nhà nước siết chặt quản lý với các ngành công nghiệp từ bất động sản đến công nghệ, gây chấn động khu vực tư nhân, vốn cần nhiều nhân lực.
Zhang Shuaikang, 23 tuổi, là một trong số hàng triệu người tham gia kỳ thi tuyển công chức gần đây tại thành phố Cáp Nhĩ Tân. ''Ước mơ của tôi là trở thành cảnh sát'', chàng trai vừa tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế, nói.
4 trong 6 người bạn cùng phòng của Zhang cũng tham gia thi tuyển công chức vì tin rằng công việc này ổn định, lương cao và có thời gian cho gia đình.
Ở Trung Quốc, làm công chức được xem là lựa chọn nghề nghiệp lý tưởng vì có thu nhập và phúc lợi ổn định, ít rủi ro thất nghiệp.
Đại dịch xảy ra, người lao động càng muốn vào công chức, khi kinh tế khó khăn và các doanh nghiệp chững lại. Số lượng thí sinh dự thi công chức năm 2024 ở Trung Quốc tăng gấp đôi so với bốn năm trước.
Mức độ cạnh tranh gay gắt nhất không phải ở các thành phố lớn mà là ở Tây Tạng, vùng xa xôi phía tây nam của Trung Quốc, trung bình 150 ứng viên cạnh tranh cho mỗi vị trí bất chấp một số đơn vị công đang có tình trạng chậm trả lương, cắt giảm nhân sự.
Giáo sư kinh tế Zhu Tian của trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc - châu Âu tại Thượng Hải cho biết, điều này cho thấy tình hình việc làm ở các lĩnh vực tư nhân tệ hơn với ít việc làm tốt và kém ổn định hơn.
Thực tế cho thấy ở khu vực tư nhân, nơi sử dụng hơn 80% lực lượng lao động thành thị đang phải chịu cảnh cắt giảm lương và sa thải, do kinh tế suy thoái.
Theo số liệu từ Liên đoàn Công thương toàn Trung Quốc, năm 2023, 500 công ty tư nhân hàng đầu Trung Quốc đã cắt giảm hơn 300.000 việc làm so với năm trước.
T.H (theo VnExpress)