Ban tổ chức Olympic Paris đã kỳ vọng sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon của Thế vận hội bằng cách sử dụng hệ thống làm mát bằng nước ở bên dưới khu nhà của các vận động viên.
Ban tổ chức Olympic Paris 2024 từng kỳ vọng các căn hộ tự làm mát đầy sáng tạo của Làng vận động viên sẽ khiến điều hòa không khí trở nên không cần thiết, qua đó giúp họ tổ chức được một Thế vận hội xanh nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, thiên nhiên dường như không dành sự ưu ái cho Olympic Paris. Sau đêm khai mạc mưa như trút nước và một cuối tuần ẩm ướt, nhiệt độ tại thủ đô của nước Pháp đã tăng vọt lên trên 30 độ C vào những ngày này, khiến các các đoàn vận động viên phải chật vật giữa cái nóng mà không có điều hòa.
Để bảo đảm sức khỏe cho các vận động viên của mình, đoàn thể thao các nước đang phải tự đặt mua điều hòa không khí.
Louis Garrard, một kế toán viên của OCOG, Ủy ban Tổ chức Thế vận hội, cho biết đã có một cuộc “chạy đua” mua sắm điều hòa giữa các đoàn vận động viên. Người này cũng cho biết các đoàn thể thao châu Á có nhu cầu nhiều hơn về điều hòa không khí, và có vẻ như họ thích để máy hoạt động liên tục.
Trước đó, Ban tổ chức Olympic Paris đã kỳ vọng sẽ cắt giảm một nửa lượng khí thải carbon của Thế vận hội bằng cách sử dụng hệ thống làm mát bằng nước ở bên dưới khu nhà của các vận động viên, lắp tường cách nhiệt và khuyên các vận động viên nên đóng rèm vào ban ngày. Hệ thống này được thiết kế để giữ nhiệt độ phòng luôn ở mức dưới 26 độ C.
Khi được hỏi về vấn đề này vào năm ngoái, thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, đã nói với các phóng viên: “Tôi rất tôn trọng sự thoải mái của các vận động viên, nhưng tôi nghĩ nhiều hơn đến sự sống còn của nhân loại. Tôi muốn Thế vận hội Paris trở thành tấm gương mẫu mực về mặt môi trường.”
Theo Ban tổ chức Thế vận hội Paris, chương trình xanh hóa này không chỉ nhằm phục vụ trong một thời gian ngắn ngủi, mà sẽ có tác dụng về lâu dài, sau khi thế vận hội kết thúc.
“Chúng tôi tin rằng chúng tôi đã tìm ra được sự cân bằng cho ngôi làng với trách nhiệm lâu dài là tạo ra một khu phố bền vững kiểu mẫu sẽ tồn tại lâu dài sau khi Thế vận hội kết thúc,” phát ngôn viên của Paris 2024, Anne Descamps cho biết tại một cuộc họp báo.
Pháp là một quốc gia có truyền thống ít sử dụng điều hòa nhiệt độ. Điều này cũng khiến các du khách đến từ Mỹ, Mỹ Latinh và thậm chí một số quốc gia châu Âu khác cảm thấy khó chịu khi tới đất nước này vào mùa hè.
Nhưng với nền nhiệt cao như vậy, ngay cả một số vận động viên người Pháp cũng phải chuyển sang sử dụng máy lạnh.
"Chúng tôi có một chiếc máy làm mát di động," vận động viên bơi lội người Pháp Assia Touati cho biết.
Tuy nhiên, khẩu hiệu xanh hóa Olympic của Ban tổ chức vẫn nhận được một số sự đồng tình, trong đó có đoàn thể thao Đức. Cho đến hiện tại, các vận động viên Đức vẫn tuân thủ thông điệp xanh của Ban tổ chức.
"Đội tuyển Đức quyết định không bật điều hòa và cho đến nay chúng tôi chưa có khiếu nại nào," Meike Schmelzer, vận động viên đội tuyển bóng ném Đức cho biết.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo kêu gọi các đoàn thể thao hãy tin tưởng vào khoa học. Nhưng cuối cùng do thời tiết quá nóng, Ban tổ chức cũng đã cấp phép cho các đoàn được mua hoặc thuê máy lạnh nếu cần.
Tuy nhiên, việc đồng ý cho thuê hoặc mua máy điều hòa di động lại khiến Ban tổ chức Olympic Paris đối mặt với một cáo buộc khác, đó là việc tạo ra sự phân hóa giữa các đoàn vận động viên.
Những người đã được mua điều hòa, bao gồm cả đoàn thể thao Pháp, đang ngủ thoải mái trong không khí mát mẻ. Nhưng Bernadette Szocs, một vận động viên bóng bàn người Romania, cho biết cô và các đồng đội của mình đã phải mở cửa sân thượng suốt đêm với hy vọng nhiệt độ có thể hạ xuống.
“Không có điều hòa, mà chỉ có chiếc quạt này, và thế là không đủ,” cô nói. “Thời tiết quá nóng, quạt không đủ mạnh. Khi nó hướng về phía bạn thì bạn thấy mát, nhưng ngay khi nó quay chỗ khác bạn sẽ thấy nóng. Chúng tôi phải mở cửa để ngủ vào ban đêm. Các phòng rất nhỏ.”
Mặt khác, việc đoàn thể thao các nước giàu có thể dễ dàng tự trang bị điều hòa trong khi vận động viên các nước nghèo hơn đang chật vật xoay xở với cái nóng càng khiến cho người ta cảm nhận được về khoảng cách giữa các quốc gia chênh lệch về kinh tế.
TB (theo Vietnam+)