Vì sao người Thái té nước vào lễ Songkran?

13/04/2022 08:50

Songkran là lễ hội lớn nhất, nổi tiếng nhất của xứ sở chùa vàng, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm với hoạt động té nước.

Năm nay, chính phủ Thái Lan quyết định tổ chức một Songkran yên tĩnh, không có các hoạt động té nước nhằm hạn chế các ca lây nhiễm tăng cao. Ảnh: Agoda
Vào dịp Songkran, người Thái lấy nước thiêng trong chùa rót vào tay những bậc cao niên để chúc phúc và thể hiện lòng tôn kính

Lễ hội Songkran (Tết té nước) của người Thái diễn ra từ 13 đến 15.4. Ngày Tết này được tính theo Phật Lịch. Cái tên Songkran được cho là từ tiếng Phạn cổ, mang ý nghĩa là "bước tới", "tiến về phía trước". Lễ hội được tổ chức trong nhiều thế kỷ, mang ý nghĩa thể hiện sự thiện chí, tình yêu, lòng nhân ái, lòng biết ơn.

Để chuẩn bị cho Tết, người dân Thái Lan dành hai ngày. Ngày đầu tiên gọi là Wan Sungkham Long - ngày mọi người dọn dẹp lại nhà cửa và mang ý nghĩa là rũ bỏ cái cũ, điều xấu (12.4). Tiếp theo là Wan Nao, ngày dùng để chuẩn bị thức ăn trong những ngày lễ sắp tới (13.4). Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới, hay còn gọi là lễ chính, diễn ra vào 14.4. Ngày cuối cùng là Wan Parg Bpee, để cầu nguyện, chúc phúc người già, tưởng nhớ tổ tiên và rắc nước thiêng.

Songkran là một trong những dịp thu hút lượng lớn khách quốc tế ghé thăm trước dịch. Ảnh: Find thai property

Songkran là một trong những dịp thu hút lượng lớn khách quốc tế tham gia

14.4 là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Sáng sớm, người dân mang hoa tươi, đồ cúng dường lên chùa, nghe giảng kinh, xếp hàng đợi nhà sư cầm cành cây vảy nước ban phước, tắm Phật... Tiếp đó, họ sẽ đắp nhiều đền thờ bằng cát trong chùa, cắm cờ lễ, hoa tươi lên để chào mừng sự kiện. Đem cát vào khuôn viên chùa chiền được coi là tích công đức, vì cát sẽ được sử dụng để xây dựng hay trùng tu chùa. Rất nhiều người còn phóng sinh chim, cá... để lan tỏa những điều tốt lành.

Điều không thể thiếu trong lễ hội là nước, thứ có thể rửa trôi năm cũ để người Thái chuẩn bị đón năm mới. Khi nghi lễ tại chùa kết thúc, người dân đổ ra đường phố chính, dùng vòi bơm, xô chậu, súng phun... hay bất kỳ thức gì có thể té nước vào người nhau. Họ tin rằng nước sẽ thanh tẩy mọi điều tiêu cực, đem đến phước lành. Người nào ướt càng nhiều vào Songkran thì càng may mắn.

Những điều cấm kỵ trong lễ hội là ném nước bẩn, nước lạnh, các hỗn hợp nguy hiểm như sơn, thuốc nhuộm... lên người khác; ném nước vào người đang lái xe; dùng máy bơm áp lực lớn để phun nước; quấy rối phụ nữ nơi đông người; say xỉn nơi công cộng...

Chiang Mai, thành phố nằm phía bắc đất nước, được biết đến là nơi tổ chức Songkran lớn nhất. Một số sự kiện "ăn theo" kéo dài đến sáu ngày. Đường Khao San ở Bangkok, Thái Lan cũng là một địa điểm nổi tiếng không kém, thu hút hàng chục nghìn du khách tham gia trước đại dịch.

Trước Covid-19, Songkran là dịp Thái Lan đón nhiều khách quốc tế nhất. Các khu vực quanh địa điểm diễn ra lễ hội luôn kín phòng. Trên đường phố, bạn sẽ thấy một lượng lớn người đổ ra đường với đủ mọi lứa tuổi, âm nhạc sôi động khắp nơi. Năm nay, vì tình hình dịch bệnh, chính phủ đưa ra phương án hạn chế các hoạt động vui chơi giải trí, thu hút sự tụ tập đám đông như té nước.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao người Thái té nước vào lễ Songkran?