Chính sách cởi mở về thuế quan cùng với khoảng cách địa lý khá gần đang là cơ hội tốt để hàng Thái Lan lấn sân sang thị trường Việt Nam.
Người tiêu dùng chọn hàng tại cửa hàng Huân Linh (TP Hải Dương) chuyên bán hàng Thái Lan
Hàng Việt đứng trước nguy cơ thua ngay trên sân nhà nếu không sớm có giải pháp giành thị phần.
Chất lượng tốt, giá cả phải chăngChị Nguyễn Thị Nga ở khu 5, phường Thanh Bình đang chọn mua những sản phẩm thiết yếu cho gia đình ở cửa hàng tạp hóa G7 trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương). Trong số 5 sản phẩm chị Nga chọn thì có tới 3 thứ là hàng Thái Lan. Chị Nga cho biết: "Tôi thấy hàng Thái chất lượng tốt hơn hàng Việt, giá lại ngang bằng nên chẳng dại gì không mua".
Không chỉ chị Nga, nhiều người tiêu dùng hiện có xu hướng chọn mua hàng Thái Lan thay vì hàng Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Biên, chủ cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan trên phố Bình Lộc giải thích: "Chất lượng hàng Thái Lan không thua kém hàng Việt Nam. Hàng Thái cũng được người tiêu dùng tin tưởng hơn vì ít bị làm giả, làm nhái. Người bán hàng được hưởng hoa hồng cao hơn so với hàng Việt".
Trước đây, hàng Thái Lan được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Người tiêu dùng Việt Nam chỉ có thể mua ở hội chợ hay một vài siêu thị thì nay ở bất cứ đâu cũng có thể mua được hàng Thái Lan. Ở TP Hải Dương hiện có khoảng hơn 20 cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái Lan. Ngoài ra, ngay ở các cửa hàng tạp hóa, siêu thị, hàng Thái Lan cũng đang dần chiếm chỗ của hàng Việt.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Gia Lộc cho biết: “3 năm trước, chúng tôi chỉ bán vài loại bánh kẹo của Thái Lan nhưng hiện nay đã chiếm tới 30% số hàng hóa được bày bán. Trong đó, nhóm hàng tiêu dùng đang chiếm thị phần lớn hơn cả”.
Hàng Thái đang chiếm lĩnh thị trường còn do các doanh nghiệp Thái Lan có những chiến lược kinh doanh bài bản. “Họ sẵn sàng chiết khấu vài chục phần trăm cho các cửa hàng bán lẻ. Họ còn đầu tư cả kệ hàng và tủ lạnh khi các cửa hàng bán sản phẩm của họ với số lượng lớn.
Hội nhập đang giúp hàng Thái "danh chính ngôn thuận" có mặt tại thị trường Hải Dương. Nếu các doanh nghiệp của Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung không sớm tìm cách giành lại thị phần thì rất dễ bị hàng Thái đánh bại", ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) lo lắng.
Tìm lợi thế riêngNhiều tập đoàn kinh tế lớn của Thái Lan đã thôn tính một số kênh bán lẻ của Việt Nam như hệ thống siêu thị Metro, BigC. Điều này đồng nghĩa với việc từ kênh phân phối truyền thống đến hiện đại đều có mặt hàng Thái Lan. Đặc biệt, giá bán hàng Thái còn giảm do thuế quan khu vực Asean sẽ tiếp tục được giảm theo cam kết của Cộng đồng Kinh tế Asean (AEC).
Theo bà Vũ Thị Sen, Giám đốc siêu thị Big C Hải Dương, một trong những nguyên nhân khiến hàng Việt thua hàng Thái khi vào các kênh phân phối là doanh nghiệp Thái sẵn sàng chiết khấu cao. Do đó, các doanh nghiệp Việt cần nắm rõ điểm khác biệt này để có kế hoạch giành lại thị trường.
Các doanh nghiệp Việt có lợi thế dễ dàng nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người dân trong nước. Nhà nước cũng đang có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tìm lại vị thế cạnh tranh. Để giành lại thị phần, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp Hải Dương nói riêng cần tăng cường liên kết, đưa hàng hóa vào các kênh phân phối; tìm ra thế mạnh riêng để cạnh tranh. "Thái Lan có những chính sách ưu đãi hơn khi đưa hàng hóa có xuất xứ của nước họ vào siêu thị.
Các siêu thị tại Hải Dương cũng có những chính sách ưu đãi nhất định đối với hàng hóa của Việt Nam như các loại hàng đặc sản, hàng tươi sống...", bà Nguyễn Thị Minh Hương, Giám đốc siêu thị Intimex Hải Dương nói.
Về lâu dài, các doanh nghiệp Hải Dương cần đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá bán; đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại; tiếp thị hàng hóa đến tận các cửa hàng, người tiêu dùng. Hàng Việt có những thế mạnh riêng cần được các doanh nghiệp khai thác hiệu quả để sẵn sàng giành lại thị trường.
HẢI MINH
Thống kê mới nhất từ Bộ Công thương cho thấy trong số các mặt hàng nhập khẩu (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc. Cụ thể, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Riêng hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, dù Việt Nam có thế mạnh về trái cây nhiệt đới, nhưng cũng bị hoa quả Thái Lan đánh bật khi chiếm tới 40% thị phần nội địa.
|