Hiện, giá thép đã đạt mức giảm 5-6 triệu đồng/tấn so với đỉnh, cách đáy khoảng khoảng 2-3 triệu, nhưng giá xi măng vân neo cao mức đỉnh...
Cách đáy khoảng 2-3 triệu đồng/tấn
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục giảm giá thép thêm 290-510 nghìn đồng/tấn (chưa bao gồm thuế VAT).
Theo đó, giá thép cuộn CB240 hiện phổ biến quanh mức 14,4-15,4 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 chủ yếu có giá 15,1-15,7 triệu đồng/tấn.
Như vậy, mức giá này giảm khoảng 5-6 triệu đồng/tấn so với thời điểm đỉnh và cách đáy (thời điểm trước biến động) khoảng 2-3 triệu đồng/tấn.
Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết, nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian vừa qua là do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh.
Hiện, giá xi măng ở mức 1,68 triệu đồng/tấn với xi măng Bỉm Sơn và Hoàng Mai; Mức giá 1,5-1,58 triệu đồng/tấn với các loại xi măng khác...
Cụ thể, giá quặng sắt loại 62%Fe giao dịch ở mức 108,55-109,05 USD/Tấn CFR (cảng Thiên Tân, Trung Quốc), giảm 4,2 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 7.2022. Mức giá này giảm khoảng 102-104 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5.2021 (khoảng 210-212 USD/tấn).
Giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) giao dịch ở mức khoảng 183 USD/tấn FOB, giảm mạnh so với mức gần 520 USD hồi tháng 4.2022.
Còn thép phế liệu: Giá thép phế nội địa trong tháng 7 đã giảm mạnh từ 1-1,4 nghìn đồng/kg, giữ mức khoảng 8,5-9 nghìn đồng/kg. Giá thép phế nhập khẩu giảm 130 USD/tấn giữ mức 370 USD/tấn CFR. Và giá điện cực graphite cũng giảm thêm 3-11% trong tháng…
Một nguyên nhân khác được VSA nhắc đến là nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều, buộc các doanh nghiệp phải hạ giá sản phẩm nhằm kích cầu tiêu dùng, đẩy hàng tồn.
Nhiều chuyên gia nhận định, giá thép xây dựng trong nước sẽ tiếp tục giảm từ nay cho đến cuối năm, trong bối cảnh nhu cầu giảm.
Báo cáo của VSA cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thép thành phẩm của nước ta đạt 18,825 triệu tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2021; Bán hàng thép thành phẩm đạt 17,1 triệu tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu thép đạt 4,146 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.
Xi măng vẫn treo đỉnh
Trái ngược với giá thép, giá xi măng vẫn tiếp tục neo cao. Bà Hồ Thị Hiền, một nhà phân phối vật liệu xây dựng cho biết, giá xi măng tăng từ đầu tháng 5 và giữ mức giá đó đến bây giờ, dù giá xăng dầu nhiều lần giảm.
Cụ thể, mức giá ở ngưỡng 1,68 triệu đồng/tấn với xi măng Bỉm Sơn và Hoàng Mai; Mức giá 1,5-1,58 triệu đồng/tấn với các loại xi măng khác.
Tuy nhiên, bà Hiền cho biết, giá cước vận chuyển đã giảm khoảng 20 nghìn đồng/tấn nên họ cũng đã tự điều chỉnh vào giá xi măng.
“Hàng bán ế ẩm, chúng tôi giảm hết lợi nhuận, thậm chí lỗ để đẩy hàng, bởi lẻ, mặt hành này luôn yêu cầu lấy hàng số lượng, nên bán không kịp sẽ không được hưởng hoa hồng”, bà Hiền nói.
Chuyên gia dự báo, giải ngân vốn đầu tư công và các công trình sẽ đẩy mạnh vào cuối năm, nên tiêu thụ xi măng sẽ tăng theo, giá xi măng sẽ còn xu hướng tăng
Một chuyên gia phân tích, giá xi măng phụ thuộc vào giá than, dầu, thạch cao... nên một mình giá xăng giảm cũng chưa làm giá mặt hàng này giảm theo.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất xi măng chia sẻ, hiện giá than vẫn tăng cao 30-40% so với năm ngoái, giá sản phẩm chỉ mới tăng khoảng 3-5%. Do đó, giá xăng dầu giảm, chỉ giúp việc sản xuất “dễ thở” hơn.
Dự báo về thị trường xi măng năm 2022, các chuyên gia cho rằng sản lượng tiêu thụ xi măng nội địa sẽ tăng trưởng trở lại do chúng ta đang đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm.
Theo Giao thông