Vì sao dự án đầu tư công thường kéo dài?

15/08/2021 14:37

Quá trình triển khai dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh thường kéo dài. Nhiều dự án chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian thực hiện, đội vốn đầu tư.


Khi có ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, vướng mắc tại dự án nút giao lập thể Ba Hàng đã được giải quyết

Vì vậy, cần có giải pháp hiệu quả, căn cơ để nâng cao chất lượng dự án đầu tư công, tránh kéo dài gây lãng phí nguồn lực.

Tiến độ ì ạch

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3.2016 với tổng vốn đầu tư hơn 45,8 tỷ đồng phải gia hạn thời gian thực hiện và tăng vốn. Theo kế hoạch, dự án hoàn thành vào đầu năm 2020 nhưng đến nay vẫn dang dở. Theo báo cáo của UBND huyện Thanh Miện, nguyên nhân do có khó khăn về nguồn vốn và phát sinh vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tổng vốn đầu tư dự án sau khi điều chỉnh tăng hơn 6,4 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu. Thời gian hoàn thành được kéo dài sang giai đoạn 2021-2025.

Dự án đường Tây Nguyên kéo dài và đoạn tuyến thuộc đường trục chính thị trấn Tứ Kỳ (giai đoạn 1) do UBND huyện Tứ Kỳ làm chủ đầu tư cũng là một dự án kéo dài và còn làm đội vốn nhiều hơn. Dự án này được phê duyệt từ đầu năm 2018 với tổng mức đầu tư hơn 234 tỷ đồng. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 80 tỷ đồng; thời gian hoàn thành trong năm 2020. Đến nay, dự án mới triển khai được một phần nhỏ khối lượng công việc. Huyện Tứ Kỳ đã đề xuất điều chỉnh dự án với nguyên nhân do nhiều phần việc tăng chi phí, vướng mắc giải phóng mặt bằng, phải bổ sung thêm phần xử lý nền đất yếu. Sau khi được HĐND tỉnh điều chỉnh, giai đoạn 1 của dự án tăng vốn đầu tư lên hơn 99,5 tỷ đồng, tăng thêm gần 20 tỷ đồng so với trước.

Mặc dù không làm tăng vốn đầu tư nhưng dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Kinh Môn, Tứ Kỳ, Gia Lộc đã kéo dài nhiều năm nay. Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được HĐND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3.2016. Tổng diện tích dự án sử dụng khoảng 210 ha đất thuộc địa bàn các xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng), Tân Dân (Kinh Môn), Dân Chủ (Tứ Kỳ). Theo tiến độ, dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay vẫn đang dang dở. Nguyên nhân do Trung ương chưa hỗ trợ vốn để triển khai thực hiện. HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh dự án, giảm diện tích xuống còn 173 ha, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển chủ đầu tư sang Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh. 

Còn nhiều dự án đầu tư công đang bị chậm tiến độ, đã phải gia hạn thời gian, điều chỉnh nhiều lần hoặc làm tăng vốn đầu tư. Việc dự án kéo dài nhiều năm gây lãng phí nguồn lực đất đai. Dự án bị “treo” còn làm ảnh hưởng tới sự phát triển của các địa phương và trực tiếp ảnh hưởng tới các hộ dân trong vùng quy hoạch thực hiện dự án. 

Cần giải pháp quyết liệt

Theo các chủ đầu tư, các dự án đầu tư công chậm tiến độ xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân khách quan là do tính chất đặc thù, các dự án phải tuân thủ quy trình đầu tư công nên thủ tục đầu tư, cấp vốn thường kéo dài hơn. Nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ phân bổ chậm. Dự án lớn triển khai trong thời gian dài, chính sách pháp luật thường điều chỉnh thay đổi, chồng chéo.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án chưa tốt. Chất lượng tư vấn, thiết kế một số dự án không cao dẫn đến phát sinh thêm nhiều vấn đề khi triển khai, phải điều chỉnh lại. Các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng có nguyên nhân sâu xa từ việc quản lý đất đai tại nhiều địa phương chưa tốt. Một số dự án đã có quy hoạch nhưng do buông lỏng quản lý nên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất công hoặc người dân vẫn xây dựng, cơi nới công trình trên đất đã được quy hoạch. Khi triển khai giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc, phát sinh thêm vấn đề yêu cầu bồi thường, hỗ trợ. Cũng có dự án do chưa được sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo địa phương nên việc tháo gỡ vướng mắc bị chậm trễ. Chỉ khi có sự kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh thì chính quyền địa phương mới tích cực vào cuộc, giải quyết vướng mắc. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện các dự án có vốn đầu tư công.  

Bàn về giải pháp, cùng với việc rà soát, đề nghị điều chỉnh các quy định nhằm tránh chồng chéo, hạn chế thủ tục không cần thiết bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi trong công việc, ông Nguyễn Hải Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý các quy hoạch. Đối với các dự án đã trong quy hoạch, cần xác định, cắm mốc giới để quản lý chặt chẽ. Quan tâm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn, thiết kế uy tín, có năng lực chuyên môn để kịp thời tham mưu, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh. 

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho rằng để nâng cao hiệu quả, chất lượng dự án đầu tư công thì trong tất cả các quy trình thực hiện các dự án cần quy định rõ người, rõ việc, rõ thời gian thực hiện. Mỗi công việc cần quy định cụ thể trách nhiệm cho một đơn vị chủ trì, quy định thời gian tối đa hoàn thành. Nếu không hoàn thành đúng thời gian phải giải trình cụ thể, xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể để trì trệ.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao dự án đầu tư công thường kéo dài?