Phụ nữ thường bị đánh giá khắt khe về cơ thể sau khi sinh con và cho là lười biếng nếu không sớm giảm cân. Trong khi đó, nam giới lại được chấp nhận có thân hình kém săn chắc.
Trong thế giới thường đề cao sự vạm vỡ và cơ thể săn chắc, đàn ông bụng bia lẽ ra không được chấp nhận. Tuy nhiên, thực tế, họ thậm chí còn được coi là quyến rũ đối với một số phụ nữ, theo SCMP.
Bắt đầu như trào lưu lan truyền vào đầu những năm 2010, “dad bod” là từ lóng dùng để chỉ kiểu cơ thể kém săn chắc ở đàn ông trung niên. Thay vì trông cơ bắp hay sáu múi, họ có bụng bia.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy 75% người độc thân thích bụng bia hơn kiểu cơ thể săn chắc truyền thống của nam giới. Tuy nhiên, phụ nữ hơi thừa cân lại không được chấp nhận, ít nhất là trong tương lai gần, theo các chuyên gia.
Đàn ông được khen ngợi nếu phù hợp với các tiêu chuẩn về cái đẹp. Trong khi đó, phụ nữ lại được kỳ vọng có thân hình hấp dẫn.
“Nam giới bụng bia được xã hội bao dung, ca tụng. Còn khi người mẹ sinh con, có rất nhiều lời khuyên rằng cô ấy phải lấy lại cân nặng như trước đây. Thay vì được tôn vinh với thiên chức làm mẹ, phụ nữ lại cảm thấy xấu hổ về cơ thể của mình”, Jennifer Wolkin, nhà tâm lý học ở New York (Mỹ), cho biết.
Đàn ông có vóc dáng kém săn chắc được chấp nhận, trong khi phụ nữ lại bị đánh giá khắt khe về hình thể sau khi sinh
Tiêu chuẩn kép
Các chuyên gia cho rằng tiêu chuẩn kép này bắt nguồn từ quan niệm cho rằng không giống nữ tính, nam tính không được xác định chủ yếu bởi vẻ đẹp.
“Xã hội của chúng ta coi trọng sự hấp dẫn về thể chất. Nhưng việc xây dựng văn hóa về sự nữ tính lại coi trọng sắc đẹp, vốn được coi là khía cạnh không thể thiếu của phụ nữ”, Samantha Kwan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Houston, cho biết.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng vẻ đẹp cần thiết đối với nữ hơn là nam giới. Trong đó, kích thước cơ thể là yếu tố phù hợp hơn với giá trị bản thân ở phụ nữ.
Phụ nữ thừa cân bị chê trách là không chịu giảm cân, còn đàn ông bụng bia vẫn có sức hấp dẫn
“Ngược lại, chúng ta có xu hướng dễ tha thứ hơn cho đàn ông đi lệch khỏi các tiêu chuẩn vẻ đẹp nổi trội về cơ bắp. Bởi vì người ta ít chú trọng đến vẻ ngoài mà để ý nhiều hơn về việc anh ta thông minh thế nào, khỏe mạnh ra sao hay là trụ cột gia đình”, Kwan nói.
Mặc dù đàn ông bụng bia không có cơ bắp hay sáu múi, nhiều người vẫn thấy hấp dẫn vì cho rằng điều đó chứng tỏ anh ta toàn tâm toàn ý lo cho gia đình và không có thời gian tập luyện để có vóc dáng nuột nà.
Wolkin nói rằng điều này hoàn toàn trái ngược với quan điểm phổ biến đối với phụ nữ thừa cân. “Bởi vì khi nhìn thấy phụ nữ có thân hình như vậy, đàn ông thường nghĩ cô ấy lười biếng và chưa chịu giảm cân”.
Tự đánh giá bản thân khắc nghiệt
Thực tế, phụ nữ không phải là nạn nhân duy nhất của tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế ngày nay. Nam giới cũng phải đối mặt với áp lực tập thể dục để có thân hình sáu múi và cơ bắp cuồn cuộn.
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng so với nam giới, phụ nữ đánh giá bản thân khắt khe hơn. Họ lý tưởng hóa cơ thể thậm chí gầy hơn những gì đàn ông thích và gửi gắm nhiều thông điệp tiêu cực hơn về cân nặng.
Những quan niệm kiểu này rất khó thách thức trong xã hội vốn khen ngợi phụ nữ vì tính phù hợp và trừng phạt họ vì sự lệch lạc.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng phụ nữ béo phì có nguy cơ cao bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc và trở thành nạn nhân của xúc phạm bằng lời nói trong xã hội.
“Chúng ta đang sống trong xã hội thay đổi, nơi phụ nữ được kỳ vọng dành thời gian và tiền bạc để phù hợp với lý tưởng này. Ai không thể đáp ứng thì phải chịu đựng”, Kwan nói.
Suy nghĩ tích cực về cơ thể đang xua tan định kiến về vẻ ngoài, giúp mọi người tập trung vào việc giữ tinh thần khỏe mạnh
Tuy nhiên, định kiến về cơ thể hoàn hảo đang dần được xóa bỏ. Nhiều người có ảnh hưởng đã sử dụng mạng xã hội để đưa ra cái nhìn chân thực về cơ thể sau khi sinh của họ.
“Các phương tiện truyền thông xã hội đã mang lại nền tảng cho những người thẳng thắn chống lại chứng sợ béo, tôn thờ cơ thể gầy gò và nhiều thông điệp có hại khác. Tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục. Thông điệp cần tập trung vào việc giữ sức khỏe tinh thần khỏe mạnh, chứ không phải tuân theo những chuẩn mực lệch lạc để cảm thấy được tôn trọng”, Wolkin nói.
“Chúng ta càng có thể quay lưng với việc làm tổn hại đến hình ảnh cơ thể và chuyển sang hướng chấp nhận nó. Xóa bỏ quan niệm ‘càng gầy càng đẹp’ và nâng cao nhận thức rằng cơ thể có đủ hình dạng và kích cỡ khác nhau. Đó là cách giúp tất cả chúng ta trở nên khỏe mạnh hơn”, cô nói thêm.
Theo Zing