Thời gian gần đây, ở nhiều nơi trong tỉnh thường xuyên xảy ra mất điện khi có mưa dông. Điều này khiến không ít khách hàng sử dụng điện băn khoăn về chất lượng điện được cung cấp.
Công nhân Điện lực Kim Thành khắc phục sự cố lưới điện trong cơn bão số 3
Không như kỳ vọng
Năm 2017, lưới điện trong khu công nghiệp (KCN) Phúc Điền được Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương chuyển đổi từ điện áp 35 kV sang 22 kV. Nhiều doanh nghiệp trong KCN hy vọng việc chuyển đổi này sẽ giảm được các sự cố, bảo đảm cung cấp điện an toàn hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp thì không phải vậy. Theo văn bản các công ty trong KCN Phúc Điền gửi ngành điện và Ban Quản lý các KCN tỉnh, thống kê năm 2018 tại đây có 12 lần mất điện. Trong tháng 8.2019 đã bị mất điện 9 lần. Điển hình là ngày 19.8, xảy ra 2 lần, thời gian mất điện lâu nhất trên 3 giờ. Ngày 20.8, tại KCN này cũng bị mất điện 3 lần, thời gian lâu nhất 30 phút. Mất điện gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Máy móc dừng đột ngột dễ bị hỏng, doanh nghiệp phải sửa chữa hoặc thay thế. Nguyên liệu đang sử dụng phải bỏ đi gây lãng phí, tốn kém. Mất điện cũng sẽ làm chậm các đơn hàng dẫn đến giảm uy tín của doanh nghiệp...
Tình trạng mất điện xảy ra thường xuyên làm cho một số doanh nghiệp băn khoăn về chất lượng điện cung cấp. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất gỗ ở huyện Kim Thành chia sẻ, chỉ trong tháng 8 vừa qua, khu vực này bị mất điện 3-4 lần, có những lần kéo dài hàng giờ. "Sự cố xảy ra là điều khó tránh khỏi. Rất mong ngành điện có biện pháp khắc phục nhanh để chúng tôi yên tâm sản xuất", đại diện chủ doanh nghiệp này cho biết.
Mất điện còn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Chị Lương Thị Khuyên ở khu 4, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) nói: "Năm trước khu vực nhà tôi ở không bị mất điện, nhưng năm nay đã 3 lần mất điện đột xuất, đều vào những ngày mưa dông. Có đêm mất điện 3 giờ. Trời mưa, không thể mở cửa nên không khí trong nhà rất nóng nực, nhất là nhà tôi lại có trẻ con".
Nhiều nguyên nhân
Theo đánh giá của ngành điện, năm nay thời tiết diễn biến khó lường, số lượng cơn mưa dông nhiều hơn hẳn mọi năm, đặc biệt từ 15-30.8 ngày nào cũng có mưa dông. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến số lần mất điện của năm 2019 tăng so với năm 2018. Mỗi lần mưa dông kèm sấm chớp làm cành cây bị gãy, biển quảng cáo đổ bay vào đường điện, sét đánh vỡ sứ, đứt cầu chì, các loại côn trùng như rắn, chuột, thằn lằn... bò vào các trạm biến áp tránh mưa gió là những nguyên nhân gây ra các sự cố mất điện. Ngoài yếu tố khách quan, còn do hệ thống điện một số khu vực đã xuống cấp trong khi sửa chữa chắp vá nên chưa tạo hiệu quả đồng bộ trong cấp điện. Sự cố mất điện chủ yếu xảy ra trên các đường dây 22kV, 35kV và thuộc các khu vực như TPHải Dương, Kim Thành, Kinh Môn...
Để cung cấp điện ổn định cho sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của khách hàng, thời gian qua Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương đã có nhiều giải pháp khắc phục. Ngoài lắp đặt hệ thống chống sét van trên đường dây 110kV, tháng 6 vừa qua ngành điện đầu tư lắp đặt 98 bộ chống sét van trên các đường dây 22 kV và 35 kV để thoát sét nhanh, hạn chế sự cố. Đơn vị thường xuyên bố trí nhân lực kiểm tra nhằm phát hiện nhanh các sự cố, các đoạn đường dây chưa bảo đảm để có biện pháp khắc phục kịp thời, phát quang hành lang, cây cối... Trong thời gian mưa bão, đơn vị đều bố trí nhân lực trực bổ sung, có thời điểm trực 100% quân số. Khi sự cố xảy ra, bất chấp trời đang mưa, cán bộ, công nhân đều tập trung tìm các sự cố để xử lý. "Mặc dù đã có những chủ động nhưng do thời gian gần đây thời tiết diễn biến bất thường nên không thể tránh được sự cố mất điện", đại diện Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương cho biết.
Thời gian tới, ngành điện sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư hệ thống lưới điện; đồng thời tuyên truyền để khách hàng chủ động phát quang cây cối, lắp đặt biển quảng cáo đúng quy định... hy vọng sẽ giảm sự cố mất điện đột ngột do ảnh hưởng của mưa dông, góp phần ổn định nguồn điện phục vụ khách hàng.
THANH HÀ