Vì sao chưa hấp dẫn doanh nghiệp?

15/03/2014 03:57

Mặc dù có một số chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn rất hạn chế...



Là doanh nghiệp chuyên chế biến lợn sữa xuất khẩu đã nhiều năm nhưng Công ty
CP Hương Quỳnh Đăng (Ninh Giang) vẫn rất khó vay vốn để mở rộng sản xuất


Mặc dù Nhà nước đã có các cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhưng đến nay trên địa bàn Hải Dương, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến nông sản vẫn còn rất hạn chế.

Bí vùng nguyên liệu

Muốn có hàng hóa để doanh nghiệp thu mua, chế biến đòi hỏi phải quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung tạo thành các vùng nguyên liệu. Anh Nguyễn Anh Bến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bến Thành chuyên thu mua, chế biến hành, mủa ở xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết: "Nhiều năm đi thu mua hành, mủa và một số mặt hàng nông nghiệp khác để chế biến tôi thấy, Nhà nước cũng như tỉnh ta chưa có chính sách phân chia vùng nguyên liệu. Do đó, mỗi khi một địa phương nào đó trồng được giống cây có giá trị kinh tế cao thì nông dân các địa phương khác cũng lao vào trồng. Chẳng hạn như vải thiều Thanh Hà trước đây hay như cây cà rốt Đức Chính hiện nay. Việc này dẫn đến giá các mặt hàng nông sản ban đầu rất cao nhưng cứ ngày càng thấp dần khiến nông dân thua lỗ".

Hiện nay, muốn có vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng với bà con nông dân. Thế nhưng việc này rất khó khăn vì nguồn nhân lực là thanh niên hiện đang đổ dồn về các nhà máy mà không muốn làm nông nghiệp. Để có hiệu quả, việc phối hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân phải hết sức chặt chẽ. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn; doanh nghiệp lo thu mua, chế biến; bà con nông dân trồng, chăm sóc cây, con. Thế nhưng bây giờ doanh nghiệp muốn làm thì phải mày mò, tự lo từ giống, kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân. Vì vậy rất khó xây dựng được các vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng. Đây là nguyên nhân khiến cho không ít doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.

Là doanh nghiệp chuyên chế biến lợn sữa đông lạnh xuất khẩu sang Hồng Kông, Ma-lai-xi-a với sản lượng khoảng 3.000 tấn/tháng, nhưng nhiều năm qua, Công ty CP Hương Quỳnh Đăng ở thị trấn Ninh Giang vẫn chưa xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất.  Nhiều năm qua, công ty phải đi thu mua của bà con nông dân từ Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương... Chưa có  cơ quan chức năng nào của tỉnh giúp họ phối hợp với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. "Mặc dù Nhà nước đã có chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khi thu mua lợn sữa để chế biến, nhưng do phải đi mua nhỏ lẻ, có khi có hộ chỉ có vài ba con lợn mà mỗi khi doanh nghiệp đi thu mua lại phải yêu cầu bà con nông dân phô-tô giấy chứng minh nhân dân để doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc lợn thì bà con nông dân không nghe. Vì vậy, doanh nghiệp phải "biến báo", mệt lắm", anh Đào Văn Viển, Giám đốc công ty cho biết.

Chính sách cần cụ thể, rõ ràng

Gặp gỡ và chia sẻ với không ít doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đa số  chủ doanh nghiệp không ngần ngại cho rằng, hiện nay các chính sách của Nhà nước, của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tuy có nhưng chưa cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, không ít doanh nghiệp làm dự án đầu tư vào nông nghiệp rất khó xin đất, không thể vay vốn. Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Doanh nghiệp Thương mại Bình Minh ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) chuyên chăn nuôi đà điểu chia sẻ: "Năm 2009, tôi triển khai dự án chăn nuôi đà điểu giống và đà điểu thịt. Ban đầu tôi dự định xin 30 ha đất để làm dự án, tôi được xã, huyện rất ủng hộ, nhưng khi lên tỉnh, qua các bước thẩm định họ chỉ cấp cho tôi hơn 10 ha dù diện tích tôi xin chủ yếu là ruộng cấy lúa bấp bênh, thậm chí có ruộng còn để hoang hóa. Sau đó, tôi phải tự thỏa thuận với dân để đền bù, giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp phải bỏ tiền ra làm đường bê-tông vào trang trại, kéo điện về phục vụ sản xuất nên rất khó khăn. Vì vậy, tôi cho rằng Nhà nước, tỉnh cần có chính sách rõ ràng, cụ thể hơn để ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn cần phải quy hoạch rõ vùng nào có thể cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Sau đó, giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng đàng hoàng thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vào đầu tư từ nuôi, trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hay như việc Nhà nước bảo hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, thế nhưng khi tôi đem dự án lên ngân hàng thì cán bộ ngân hàng nói thẳng, chị mà mua cái xe ô-tô hoặc máy xúc thì ngân hàng cho vay ngay, chứ chị nuôi đà điểu nếu không may nó chết chúng tôi đòi nợ thế nào. Vì vậy, dự án nuôi đà điểu đầu tư mất 50 tỷ đồng nhưng tôi chẳng vay được đồng vốn nào".

Suốt 5 năm qua, cơ sở chăn nuôi đà điểu của chị Bình chỉ nhận được duy nhất sự giúp đỡ của Nhà nước là 2 lọ thuốc để tiêu độc, khử trùng chuồng trại.


Trang trại nuôi đà điểu của Doanh nghiệp Thương mại Bình Minh hoạt động đã 5 năm nhưng hầu như
 chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các cơ quan nhà nước

Cũng chung quan điểm Nhà nước, tỉnh cần quan tâm để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp dễ dàng được cấp đất, được vay vốn, anh Đào Văn Viển, Giám đốc Công ty CP Hương Quỳnh Đăng cho biết: "Tôi muốn mở rộng sản xuất, muốn tận dụng các sản phẩm dư thừa từ chế biến lợn sữa để chăn nuôi thủy sản, nhưng đã nhiều năm qua, tôi nộp đơn xin vài chục ha đất ở xã Tân Hương mà không được. Vừa rồi, tôi đầu tư mở rộng nhà xưởng, tôi muốn dùng tài sản của doanh nghiệp để thế chấp vay vốn cũng không được. Cuối cùng, chúng tôi phải đem tài sản cá nhân trị giá khoảng 20 tỷ đồng ra thế chấp mới vay được 5 tỷ đồng từ ngân hàng. Nhiều khi thiếu vốn để quay vòng sản xuất, chúng tôi phải đi vay nóng từ bên ngoài với lãi suất cao".

Có thể nói việc chưa có cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có nguồn vốn thực sự ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... đang thực sự khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào đây. Bên cạnh đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận không cao, rủi ro lớn cũng là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào lĩnh vực này.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, tỉnh ta có 500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực chất số doanh nghiệp có đăng ký chuyên ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 4 - 4,5%. Có 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, 6 doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản, 7 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 18 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, còn lại là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm.


VŨ ÚY

Đồng chí Vương Đức Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Những năm qua, Nhà nước cũng như tỉnh ta đã có nhiều chính sách ưu đãi


để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn rất ít so với các lĩnh vực khác. Ngoài các nguyên nhân như hiệu quả kinh tế thấp, chịu nhiều rủi ro, chưa xây dựng được những vùng nguyên liệu lớn thì nguyên nhân quan trọng là các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chưa đủ hấp dẫn đối với họ.

Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai ngay các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Cùng với đó, chúng tôi sẽ rà soát lại các doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được ưu đãi để áp dụng các chính sách mới nhằm tạo điều kiện để họ phát triển.

Đồng chí Nguyễn Thị Bài, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hải Dương:

Không thiếu vốn cho vay



Dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (NNNT) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hiện nay lên đến trên 19 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng dư nợ, nhưng dư nợ cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp vay chỉ đạt gần 300 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn mặc dù ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực thông qua các gói tín dụng với mức lãi suất hợp lý. Nguyên nhân một phần bởi đây là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro, thị trường đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế… Ngành ngân hàng khẳng định không thiếu vốn cho vay. Nếu khách hàng có nhu cầu vay vốn và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, các ngân hàng luôn sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời.

 Đề nghị Chính phủ có thêm những chính sách ưu tiên đầu tư cho NNNT như: xây dựng hạ tầng; quy hoạch từng nhóm ngành nghề, vùng sản xuất; định hướng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu; trợ giá một số mặt hàng; hoàn thiện chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp… UBND tỉnh chỉ đạo quy hoạch các vùng sản xuất cây, con, nuôi thủy sản và chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp bà con nông dân định hướng sản xuất. Chính quyền cấp huyện đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất để tạo thuận lợi cho khách hàng vay vốn. Các sở, ban, ngành hỗ trợ ngành ngân hàng trong việc thu hồi nợ; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cho vay tín chấp và trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay...

Đồng chí Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chính sách còn xa thực tế

Nguyên nhân xuyên suốt khiến số lượng, quy mô doanh nghiệp đầu tư vào

lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế là do đầu tư vào lĩnh vực này lợi nhuận thấp hơn so với các lĩnh vực khác như công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Một nguyên nhân nữa là đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi luôn chịu nhiều rủi ro do tác động của thời tiết, dịch bệnh. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách như hỗ trợ về cơ giới hóa, cho vay vốn ưu đãi... mà nếu nhìn thoáng qua, tưởng như hết sức ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nhưng trên thực tế để doanh nghiệp thuê được đất, vay được vốn không hề đơn giản. Bởi dù Nhà nước đã có một chuỗi cơ chế, thủ tục hành chính, nhưng lại thiếu các hướng dẫn để ưu đãi cụ thể nên rất khó vận dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung để hình thành nên các vùng nguyên liệu lớn rất khó khăn nên không thu hút được các doanh nghiệp chế biến nông sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao chưa hấp dẫn doanh nghiệp?