Vì sao chưa hấp dẫn doanh nghiệp?
Công nghiệp - Ngày đăng : 03:57, 15/03/2014
Là doanh nghiệp chuyên chế biến lợn sữa xuất khẩu đã nhiều năm nhưng Công ty
CP Hương Quỳnh Đăng (Ninh Giang) vẫn rất khó vay vốn để mở rộng sản xuất
Bí vùng nguyên liệu
Muốn có hàng hóa để doanh nghiệp thu mua, chế biến đòi hỏi phải quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung tạo thành các vùng nguyên liệu. Anh Nguyễn Anh Bến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bến Thành chuyên thu mua, chế biến hành, mủa ở xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết: "Nhiều năm đi thu mua hành, mủa và một số mặt hàng nông nghiệp khác để chế biến tôi thấy, Nhà nước cũng như tỉnh ta chưa có chính sách phân chia vùng nguyên liệu. Do đó, mỗi khi một địa phương nào đó trồng được giống cây có giá trị kinh tế cao thì nông dân các địa phương khác cũng lao vào trồng. Chẳng hạn như vải thiều Thanh Hà trước đây hay như cây cà rốt Đức Chính hiện nay. Việc này dẫn đến giá các mặt hàng nông sản ban đầu rất cao nhưng cứ ngày càng thấp dần khiến nông dân thua lỗ".
Hiện nay, muốn có vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp phải ký hợp đồng với bà con nông dân. Thế nhưng việc này rất khó khăn vì nguồn nhân lực là thanh niên hiện đang đổ dồn về các nhà máy mà không muốn làm nông nghiệp. Để có hiệu quả, việc phối hợp giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân phải hết sức chặt chẽ. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn; doanh nghiệp lo thu mua, chế biến; bà con nông dân trồng, chăm sóc cây, con. Thế nhưng bây giờ doanh nghiệp muốn làm thì phải mày mò, tự lo từ giống, kỹ thuật để hướng dẫn người nông dân. Vì vậy rất khó xây dựng được các vùng nguyên liệu bền vững, chất lượng. Đây là nguyên nhân khiến cho không ít doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này.
Là doanh nghiệp chuyên chế biến lợn sữa đông lạnh xuất khẩu sang Hồng Kông, Ma-lai-xi-a với sản lượng khoảng 3.000 tấn/tháng, nhưng nhiều năm qua, Công ty CP Hương Quỳnh Đăng ở thị trấn Ninh Giang vẫn chưa xây dựng được vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhiều năm qua, công ty phải đi thu mua của bà con nông dân từ Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương... Chưa có cơ quan chức năng nào của tỉnh giúp họ phối hợp với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu. "Mặc dù Nhà nước đã có chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khi thu mua lợn sữa để chế biến, nhưng do phải đi mua nhỏ lẻ, có khi có hộ chỉ có vài ba con lợn mà mỗi khi doanh nghiệp đi thu mua lại phải yêu cầu bà con nông dân phô-tô giấy chứng minh nhân dân để doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc lợn thì bà con nông dân không nghe. Vì vậy, doanh nghiệp phải "biến báo", mệt lắm", anh Đào Văn Viển, Giám đốc công ty cho biết.
Chính sách cần cụ thể, rõ ràng
Gặp gỡ và chia sẻ với không ít doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đa số chủ doanh nghiệp không ngần ngại cho rằng, hiện nay các chính sách của Nhà nước, của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tuy có nhưng chưa cụ thể, rõ ràng. Vì vậy, không ít doanh nghiệp làm dự án đầu tư vào nông nghiệp rất khó xin đất, không thể vay vốn. Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc Doanh nghiệp Thương mại Bình Minh ở thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) chuyên chăn nuôi đà điểu chia sẻ: "Năm 2009, tôi triển khai dự án chăn nuôi đà điểu giống và đà điểu thịt. Ban đầu tôi dự định xin 30 ha đất để làm dự án, tôi được xã, huyện rất ủng hộ, nhưng khi lên tỉnh, qua các bước thẩm định họ chỉ cấp cho tôi hơn 10 ha dù diện tích tôi xin chủ yếu là ruộng cấy lúa bấp bênh, thậm chí có ruộng còn để hoang hóa. Sau đó, tôi phải tự thỏa thuận với dân để đền bù, giải phóng mặt bằng. Doanh nghiệp phải bỏ tiền ra làm đường bê-tông vào trang trại, kéo điện về phục vụ sản xuất nên rất khó khăn. Vì vậy, tôi cho rằng Nhà nước, tỉnh cần có chính sách rõ ràng, cụ thể hơn để ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn cần phải quy hoạch rõ vùng nào có thể cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Sau đó, giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng đàng hoàng thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vào đầu tư từ nuôi, trồng, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Hay như việc Nhà nước bảo hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn, thế nhưng khi tôi đem dự án lên ngân hàng thì cán bộ ngân hàng nói thẳng, chị mà mua cái xe ô-tô hoặc máy xúc thì ngân hàng cho vay ngay, chứ chị nuôi đà điểu nếu không may nó chết chúng tôi đòi nợ thế nào. Vì vậy, dự án nuôi đà điểu đầu tư mất 50 tỷ đồng nhưng tôi chẳng vay được đồng vốn nào".
Suốt 5 năm qua, cơ sở chăn nuôi đà điểu của chị Bình chỉ nhận được duy nhất sự giúp đỡ của Nhà nước là 2 lọ thuốc để tiêu độc, khử trùng chuồng trại.
Trang trại nuôi đà điểu của Doanh nghiệp Thương mại Bình Minh hoạt động đã 5 năm nhưng hầu như
chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các cơ quan nhà nước
Có thể nói việc chưa có cơ chế chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu, chưa có nguồn vốn thực sự ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... đang thực sự khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào đây. Bên cạnh đó, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lợi nhuận không cao, rủi ro lớn cũng là những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp không muốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, tỉnh ta có 500 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng thực chất số doanh nghiệp có đăng ký chuyên ngành sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 4 - 4,5%. Có 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, 6 doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản, 7 doanh nghiệp sản xuất phân bón, 18 doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi, còn lại là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Đây chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm. |
VŨ ÚY
Đồng chí Vương Đức Sáng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp |