Mấy năm gần đây, số doanh nghiệp mới thành lập ở Hải Dương đều không đạt kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới chưa thực sự hiệu quả.
Từ năm 2019-2021, số doanh nghiệp mới thành lập trên địa bàn tỉnh đều không đạt kế hoạch. Trong ảnh: Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thịnh Đạt ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang) chuyên sản xuất các loại gạch có tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 công nhân
Hải Dương từng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 20.000 doanh nghiệp (DN). Tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế thành lập và phát triển.
Kết quả không như mong đợi
Với tinh thần đồng hành cùng DN, Hải Dương đã tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN. Tỉnh cũng ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách riêng hỗ trợ DN trên một số lĩnh vực như thực hiện Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các DN tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013 - 2020”, Chương trình kết nối ngân hàng - DN, ưu tiên vốn tín dụng cho các DN nhỏ và vừa... HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 11.7.2019 quy định một số chính sách hỗ trợ đăng ký thành lập mới DN trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2019-2022...
Kết quả, trong nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 7.660 DN thành lập, tăng bình quân 10,2%/năm, vốn đăng ký tăng 21,8%/năm. Nếu so với cả nước, chỉ tiêu phát triển DN của tỉnh ở tốp cao, mật độ DN đang hoạt động/1.000 dân trong độ tuổi lao động đạt 11,2 DN, đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đặt ra có thể thấy mấy năm gần đây, số DN mới thành lập đều không đạt kế hoạch. Năm 2019, tỉnh thành lập được 1.900 DN (đạt 76% kế hoạch); năm 2020 có 1.702 DN đăng ký thành lập (đạt 68%), tổng vốn điều lệ đăng ký khoảng 13.367 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu số DN mới tăng 10% trở lên nhưng mới thành lập được 1.436 DN (giảm 12% so với năm 2020), tổng vốn điều lệ đăng ký 18.448 tỷ đồng.
Năm 2022, Hải Dương phấn đấu số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15%. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất cần câu cá của Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam tại cụm công nghiệp Đoàn Tùng (Thanh Miện) đang tạo việc làm cho 500 công nhân lao động
Đông nhưng không mạnh
Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thịnh Đạt ở xã Vạn Phúc (Ninh Giang) làm hồ sơ thủ tục thành lập từ năm 2018, đến tháng 4.2019 chính thức đi vào hoạt động. Tổng mức đầu tư của DN hơn 30 tỷ đồng. Giám đốc công ty Hà Văn Điển cho biết: “Hiện công ty có 20 công nhân, chủ yếu sản xuất gạch không nung, gạch bờ lốc, gạch lát vỉa hè. Năm 2021, DN sản xuất được 15 triệu viên, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng”.
Cũng giống như Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thịnh Đạt, nhỏ và siêu nhỏ là đặc điểm chung của đa số DN mới thành lập ở Hải Dương thời gian qua. Theo phân tích của Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư), 97% số DN trên địa bàn tỉnh là siêu nhỏ và nhỏ (trong đó có 63,2% là DN siêu nhỏ), chỉ có 1,54% là DN quy mô lớn, còn lại là DN vừa. Các DN nhỏ, siêu nhỏ hoạt động chưa ổn định, còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm; khả năng tiếp cận vốn tín dụng thấp; thiếu các thông tin về thị trường, chính sách, quy hoạch... Nhiều DN vừa thành lập đã sớm “chết yểu”. Năm 2019, toàn tỉnh có 160 DN phải giải thể. Năm 2021, toàn tỉnh có 838 DN đăng ký tạm dừng hoạt động (tăng 17% so với năm 2020), 166 DN hoàn thành thủ tục giải thể.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 15.400 DN, còn cách mục tiêu 20.000 DN khá xa. Còn theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, hiện chỉ có 13.480 DN đang hoạt động và có phát sinh thuế, có hơn 7.700 DN không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh hoặc chờ làm thủ tục giải thể, 2.463 DN đã đóng mã số thuế.
Đâu là nguyên nhân?
Về nguyên nhân dẫn tới số DN mới thành lập không đạt kế hoạch 2 năm qua có sự tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19. Hoạt động của các DN gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các DN chịu tác động do bị đứt gãy chuỗi cung ứng liên quan tới các nước mức độ dịch bùng phát lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu. DN hoạt động trong một số lĩnh vực như: sản xuất da giày, dệt may, vật liệu xây dựng, ô tô... còn bị thiếu nguyên liệu, phụ kiện cho sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu phải tạm dừng hoạt động hoặc tạm dừng một phần.
Một nguyên nhân khác xuất phát từ những chính sách hỗ trợ DN mới chưa thực sự hiệu quả, DN mới thành lập vẫn phải “tự sinh, tự lớn”. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến DN có việc còn chậm. Các dịch vụ hỗ trợ phát triển DN chưa phát triển, chất lượng chưa cao như: thông tin về thị trường, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, dịch vụ hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ về đổi mới khoa học-công nghệ...
Mục tiêu Hải Dương đặt ra năm 2022 là số DN đăng ký thành lập mới tăng 15%. Điều này đòi hỏi tỉnh cần tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ để DN thích ứng với tình hình dịch bệnh, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tích cực triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ phát triển DN. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ để các hộ cá thể mở rộng quy mô, đăng ký thành lập DN. Tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận với vốn tín dụng. Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo với DN…
KIM THANH
Doanh nghiệp trẻ cần phản ứng nhanh để đáp ứng nhu cầu thị trường Tôi cho rằng để phát triển bền vững, mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ cần có chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn. Như doanh nghiệp của tôi trước đây chuyên sản xuất đồ bảo hộ lao động nhưng khi dịch Covid-19 xuất hiện, nhu cầu khẩu trang y tế và đồ bảo hộ trong lĩnh vực y tế tăng mạnh, chúng tôi đã điều chỉnh "mũi nhọn" trong sản xuất để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới. Chúng tôi đã tận dụng máy móc có sẵn, cơ cấu lại để sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế. Do phù hợp với nhu cầu thị trường nên ngay khi thay đổi chiến lược, lượng đơn đặt hàng liên tục tăng. HÀ VĂN MẠNH
VŨ THỊ LÀNH |