Vì sao châu Phi có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp

05/09/2020 11:15

Thực tế cho thấy tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vì COVID-19 ở nhiều nước châu Phi thấp hơn rất nhiều so với lo ngại ban đầu.


Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại trường học ở Ekurhuleni, Nam Phi ngày 8.6

Theo kênh BBC, châu Phi là nơi có các thành phố đông đúc, không thể giãn cách xã hội khi mà nhiều gia đình đông người cùng sống trong một phòng nhỏ… 

Nhiều tháng qua, các chuyên gia y tế và chính trị gia đều cảnh báo rằng điều kiện sống trong các cộng đồng thành thị chật chội ở Nam Phi và các nước khác có thể là nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh. Ai cũng cho rằng Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung sẽ đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ virus. 

Ngay cả dự báo và mô hình khả quan nhất cũng cho thấy các bệnh viện ở Nam Phi, thuộc hàng tiến bộ nhất châu lục, sẽ nhanh chóng quá tải.

Tuy nhiên, ngày nay, Nam Phi đang trải qua làn sóng lây nhiễm thứ nhất nghiêm trọng nhất châu Phi với tổng số ca mắc là trên 633.000, nhưng chỉ có trên 14.500 người chết. Tại Anh, tổng số ca mắc là trên 340.000 nhưng có tới trên 41.000 người chết.

Xét trên châu lục, tỷ lệ tử vong ở châu Phi chỉ bằng một phần nhỏ so với châu Âu. Tính tới 4.9, châu Phi có trên 1,2 triệu ca bệnh và trên 30.000 người tử vong. Còn khu vực Liên minh châu Âu/Khu vực kinh tế châu Âu và Anh có trên 1,3 triệu ca nhưng có tới trên 182.000 người chết.

Các nhà khoa học thừa nhận có thể dữ liệu tử vong thấp hơn thực tế, nhưng dù ca tử vong ở Nam Phi có cao gấp đôi hiện nay thì nước này vẫn xử lý dịch khá ấn tượng so với nhiều nước châu Âu. Nhiều nơi khác ở châu Phi, nhiều giường bệnh vẫn trống và biểu đồ lây nhiễm gần như hoàn toàn không có đỉnh nhọn và các góc lên xuống đột ngột như quá nhiều nơi khác trên thế giới.

Giáo sư Salim Karim nói: “Phần lớn quốc gia châu Phi không có đỉnh dịch. Tôi không hiểu tại sao”. Giáo sư Shabir Madhi, nhà virus học hàng đầu Nam Phi cũng thừa nhận đây là điều bí ẩn, hoàn toàn không thể tin nổi.

Có thời điểm, các chuyên gia cho rằng dân số trẻ là lý do hợp lý nhất giải thích cho tỷ lệ tử vong tương đối thấp. Tuổi trung bình ở châu Phi chỉ bằng khoảng một nửa tuổi trung bình ở châu Âu. Ít người châu Phi sống tới 80 tuổi và do đó, ít người chết vì virus hơn.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Cairo, Ai Cập

Tuy nhiên, khi đại dịch kéo dài, bằng chứng số liệu rõ hơn, các nhà phân tích lại không cho rằng do dân số trẻ mà châu Phi đối phó dịch bệnh thành công.

Lúc đầu, lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở Nam Phi và một số nước châu Phi đã đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn dịch bệnh. Thông điệp rõ ràng về đeo khẩu trang cũng như việc cung cấp nguồn ô xy cũng là vấn đề quan trọng.

Tất cả những yếu tố này có thể khiến Nam Phi có tỷ lệ tử vong thấp. Nhưng gần đây, các nhà khoa học tại khoa phân tích vaccine và bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Baragwanath ở Soweto đã tìm ra một nhân tố còn thiếu. Nhân tố này có thể nằm trong chiếc máy đông lạnh trong phòng thí nghiệm ở ngoại ô Johannesburg.

Máy đông lạnh này có nhiệt độ là -180 độ chứa các ống kim loại đựng mẫu máu người đã 5 năm qua. Nói đúng hơn là chiết xuất tế bào máu PBMC (tế bào đơn nhân máu ngoại vi) thu được trong đợt thử nghiệm vaccine cúm trước đó ở Soweto.

Các nhà khoa học cho rằng khi nghiên cứu các PBMC này, họ có thể tìm thấy bằng chứng rằng người dân ở đây đã bị nhiễm các loại virus Corona khác, ví dụ như loại virus gây bệnh cảm lạnh thông thường, và do đó họ có thể có mức độ miễn dịch nhất định với COVID-19.

Giáo sư Madhi cho rằng đó là một giả thiết. Một mức độ miễn dịch bảo vệ chéo đã từng tồn tại trước đó có thể lý giải tại sao đại dịch không lây lan nghiêm trọng theo cấp số nhân như ở nhiều nơi trên thế giới. Ông cho rằng dữ liệu từ các nhà khoa học ở Mỹ dường như ủng hộ giả thiết về có miễn dịch từ trước.

Cảm lạnh và cảm cúm tất nhiên là bệnh phổ biến khắp thế giới, nhưng các nhà khoa học Nam Phi tự hỏi liệu có phải vì những virus Corona từng lây lan tích cực ở các khu vực quá đông đúc mà giờ đây nó có thể giúp người dân có mức độ miễn dịch nào đó trước virus Corona gây COVID-19 hay không.

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại Pretoria, Nam Phi

Giáo sư Madhi nói: “Mức độ bảo vệ có thể mạnh hơn nhiều ở những khu vực đông dân cư. Điều này giải thích tại sao phần lớn châu Phi đều có các ca lây nhiễm không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tôi không thể nghĩ ra điều gì khác giải thích về số lượng người không triệu chứng như hiện nay. Con số này hoàn toàn không thể tin nổi”.

Không may là khi các nhà khoa học bắt đầu xét nghiệm các mẫu PBMC trong phòng thí nghiệm thì họ gặp vấn đề. Xét nghiệm cho thấy nhiệt độ đóng đá trong máy đông lạnh đã thay đổi lên xuống theo thời gian nên không đáp ứng tiêu chuẩn ngặt nghèo cho thí nghiệm phức tạp này.

Nhóm nghiên cứu đang bận rộn tìm kiếm mẫu mới để xét nghiệm nhưng có thể mất vài tháng. 

Trong khi đó, các nhà khoa học Nam Phi tiếp tục tìm kiếm lời giải thích mới về việc virus không gây hậu quả nặng nề tới Nam Phi như với các nước ở châu Âu hay châu Mỹ.

Dù vậy, một số chuyên gia cảnh báo virus vẫn có thể gây tác động mạnh trong những tháng tới. Giáo sư Karim cho rằng có ngày nào đó, COVID-19 sẽ vẫn lan tràn mất kiểm soát ở châu Phi.

Theo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao châu Phi có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 thấp