Liên hợp quốc cho biết một số quốc gia châu Phi đã triển khai các kế hoạch ứng phó để kiểm soát bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên, tài chính và nguồn lực hạn chế đã cản trở những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngày 3/9 (giờ Pretoria), Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết khoảng 367 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (mpox), bao gồm 3 ca tử vong, cho đến nay đã được xác nhận tại 5 quốc gia ở Đông và Nam Phi trong bối cảnh lo ngại rằng con số này có thể tăng thêm.
Báo cáo của OCHA cho biết tính đến 2/9, Burundi đã ghi nhận 328 ca, Nam Phi 24 ca, Uganda 7 ca trong khi Rwanda và Kenya mỗi nước có 4 ca.
Văn phòng khu vực OCHA tại Nam và Đông Phi nêu rõ: "Một số quốc gia trong khu vực đã triển khai các kế hoạch ứng phó, bao gồm Burundi, Rwanda và Uganda, để kiểm soát căn bệnh này. Tuy nhiên, nguồn tài chính và nguồn lực hạn chế đã cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan thêm".
Theo cơ quan của Liên hợp quốc, hơn 3.800 ca mắc bệnh đã được xác nhận trên khắp châu Phi kể từ tháng Một, trong đó Burundi là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ hai tại lục địa này sau Cộng hòa Dân chủ Congo – nơi bùng phát dịch bệnh này.
Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tới hết ngày 27/8, đã có 22.863 trường hợp nghi nhiễm, 5.281 trường hợp xác nhận và 622 ca tử vong liên quan đến các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ khác nhau tại châu Phi.
Bệnh đậu mùa khỉ thường gây ra những triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, song vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng trong nhiều trường hợp, đặc biệt là ở trẻ em, thai phụ và người có hệ miễn dịch yếu, như người nhiễm HIV.
Ngày 14/8, WHO đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC), khi số ca mắc biến thể 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại Cộng hòa Dân chủ Congo và lan rộng ra ngoài biên giới nước này.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO đối với một dịch bệnh.
Trong khi đó, Liên minh châu Phi đã phê duyệt 10,4 triệu USD vào tháng Tám để hỗ trợ các nỗ lực đang diễn ra nhằm chống lại sự bùng phát của mpox trên khắp lục địa này.
OCHA cho biết các chính phủ và đối tác y tế, với sự hỗ trợ của WHO, sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ứng phó, bao gồm truy vết tiếp xúc, sàng lọc quản lý ca bệnh tại các điểm nhập cảnh biên giới, tăng cường năng lực xét nghiệm, giám sát, báo cáo ca bệnh và phổ biến thông tin về các biện pháp phòng ngừa.
T.H (theo Vietnam+)