Thu nhập thấp, áp lực công việc cao là những nguyên nhân chính khiến nhiều bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập của Hải Dương quyết định “dứt áo ra đi”. Người bệnh phải chịu thiệt khi cơ sở y tế thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, công việc thêm áp lực, trong khi thu nhập không bảo đảm khiến nhiều y bác sĩ xin nghỉ việc
Thời gian qua, Hải Dương đã có hàng trăm y bác sĩ trong các cơ sở y tế công lập quyết định “dứt áo ra đi” để tới các bệnh viện tư hoặc chuyển đổi sang các ngành nghề khác.
Thu nhập thấp
“Làn sóng” y bác sĩ bệnh viện công ở Hải Dương xin nghỉ việc đã diễn ra từ lâu nhưng chưa bao giờ nhiều như trong 1-2 năm gần đây. Chỉ tính từ ngày 1.1.2021-15.6.2022, toàn tỉnh có 139 nhân viên y tế xin nghỉ việc, trong đó có 44 bác sĩ, nhiều người có chuyên môn giỏi.
Nhiều ý kiến nhận định, hơn 2 năm ròng rã vất vả, áp lực, mệt mỏi tham gia phòng chống dịch Covid-19 là nguyên nhân khiến nhân viên y tế trong tỉnh ồ ạt xin nghỉ việc. Theo tìm hiểu của phóng viên thì việc trường kỳ phòng chống dịch chỉ là “giọt nước tràn ly”. Một số bác sĩ nói rằng họ chịu được áp lực, vất vả, kể cả dịch bệnh có kéo dài nhưng vấn đề đáng ngại là thu nhập chưa tương xứng với công sức bỏ ra, không đủ trang trải cuộc sống. Ngay cả tiền phụ cấp tham gia phòng chống dịch Covid-19 đến nay nhiều người cũng chưa nhận được.
5 tháng trước, bác sĩ Vũ Thị Hương, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phổi Hải Dương đã xin nghỉ việc để chuyển tới công tác tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm. “Chồng tôi là lao động tự do, hai con đang tuổi ăn học. Cả gia đình vẫn đang ở trọ, tiền nợ ngân hàng cũng không ít. Thu nhập không đủ sống. Ra bệnh viện tư, công việc của tôi vẫn vậy nhưng thu nhập thì gấp nhiều lần”, chị Hương chia sẻ.
Sinh viên đại học y phải mất 6 năm đào tạo trong khi phần lớn các đại học khác chỉ có 4 năm. Tuy nhiên, sau khi ra trường, thu nhập của bác sĩ không hơn, thậm chí còn kém xa so với nhiều ngành khác. Với những nhân viên y tế điều kiện gia đình khấm khá hoặc tên tuổi đã được khẳng định và có phòng khám tư ở ngoài thì thu nhập ổn định, thậm chí rất cao. Song, không ít người dù đã cống hiến trong ngành hàng chục năm mà thu nhập vẫn thấp, phải chi tiêu dè sẻn. Bác sĩ Trần Văn Lực đang làm việc cho một phòng khám tư nhân ở thị trấn Gia Lộc từng công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương nói về nguyên nhân xin nghỉ việc: “Tôi công tác 15 năm tại bệnh viện mà lương mới được khoảng 6,5 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập cả hai vợ chồng không đủ thuê nhà, nuôi hai đứa con, phải ở nhờ nhà ông bà ngoại”.
Dịch Covid-19 khiến lượng người đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế giảm mạnh, thu nhập của nhân viên y tế cũng giảm theo. Nguồn thu của Bệnh viện Phổi Hải Dương thậm chí còn không đủ để trả lương cho nhân viên, chi thường xuyên, tỉnh phải hỗ trợ 3,4 tỷ đồng. Phổ biến mỗi nhân viên ở đây chỉ có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.
Một số bác sĩ xin nghỉ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Hải Dương… chuyển tới các bệnh viện tư nhân như Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa Vinmec Hải Phòng cho biết họ đang được hưởng mức lương cao gấp 7-20 lần so với thời điểm làm tại bệnh viện công.
Không ít nhân viên y tế đã xin nghỉ việc tại bệnh viện công để lựa chọn một công việc mới. “Tôi xin nghỉ để cùng chồng mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng. Vợ chồng tôi đã xây được nhà, có của ăn của để chứ không khó khăn như lúc vẫn trong ngành y”, chị Phạm Thị Tâm từng công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện cho biết.
Chị Phạm Thị Tâm từng "dứt áo ra đi" khỏi ngành y vì thu nhập quá thấp (ảnh do nhân vật cung cấp)
Người bệnh chịu thiệt
Không ít bệnh viện đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao do nhiều nhân viên y tế có chuyên môn giỏi đã ra đi. Lãnh đạo một bệnh viện tuyến tỉnh xin giấu tên cho biết: “Một số bộ phận hiện lực lượng tại chỗ vẫn đủ nhưng không xử lý được mỗi khi làm kỹ thuật chuyên sâu, phải nhờ bác sĩ từ Trung ương về hỗ trợ. Tiền công trả cho họ cao hơn bình thường và người bệnh thì phải chịu thiệt”.
Tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn. Các cơ sở y tế công lập đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Không ít dịch vụ y tế ở một số bệnh viện hiện chưa đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện tuyến tỉnh điều trị chỉ vài ba ngày đã xin chuyển lên tuyến trên do không được sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng tốt.
“Vừa rồi lên Trung tâm Tim mạch ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh tìm gặp một bác sĩ giỏi, từng vài lần khám và tư vấn cho tôi nhưng tiếc là anh ấy đã chuyển đi nơi khác. Làm cách nào giữ chân những người như này chứ để họ đi khỏi tỉnh thì người dân chúng tôi thiệt thòi lắm”, ông Nguyễn Văn Cư ở huyện Cẩm Giàng nói.
Hải Dương hiện còn 45 trong tổng số 235 trạm y tế chưa có bác sĩ. Việc thu hút nhân lực về y tế tuyến xã là bài toán nan giải khi ngay các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đang gặp khó khăn trong việc giữ người cũ, tìm người mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
BÌNH MINH