Y tế - Sức khỏe

"Vi phẫu" ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương

TIẾN MẠNH 28/12/2023 11:00

Bằng kỹ thuật điêu luyện, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hải Dương đã nối liền những chi thể như ngón tay, bàn tay, cẳng chân bị đứt lìa... cho nhiều bệnh nhân.

img_4471.jpg
Ê - kíp bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hải Dương thực hiện một ca nối ngón tay bị đứt cho bệnh nhân N.V.T.

Đem lại niềm vui cho nhiều người

Ngày 1.12 vừa qua, ông N.V.T. (50 tuổi, quê Nam Sách) vào Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cấp cứu trong tình trạng ngón cái bàn tay trái bị đứt lìa sau một vụ tai nạn lao động. Các bác sĩ giỏi nhất về kỹ thuật vi phẫu đã được bệnh viện huy động để thực hiện ca nối ngón tay cho ông T. "26 ngày sau ca mổ, ngón tay của bệnh nhân này đã cử động được. Bệnh nhân rất vui mừng và chúng tôi cũng vậy", tiến sĩ, bác sĩ Đặng Đình Hiếu (Khoa Ngoại 1) thông tin.

Ông T.V.B. (58 tuổi, quê Cẩm Giàng) cũng từng được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hải Dương nối thành công ngón cái bàn tay phải bị đứt lìa sau một vụ tai nạn sinh hoạt cách đây hơn 1 năm. Ông rất vui khi ngón tay sau khi nối phục hồi nhanh. Hiện ông B. đã có thể vận động, cầm, nắm mọi vật gần như bình thường.

Bác sĩ Hiếu cho biết vi phẫu là một kỹ thuật phẫu thuật rất nhỏ, tinh vi, sử dụng kính hiển vi và một số dụng cụ y tế chuyên ngành để khâu, nối, chồng những phần chi thể, mạch máu, thần kinh rất nhỏ. Vi phẫu được áp dụng cho tất cả các chuyên ngành y khoa, đặc biệt là trong lĩnh vực chấn thương, chỉnh hình.

Cấu trúc chi thể bị đứt lìa càng bé (đầu ngón tay) thì việc phẫu thuật nối lại càng phức tạp vì mạch máu nhỏ (chỉ từ 0,8-1,2 mm). Để nối động mạch, tĩnh mạnh, xương, gân, cơ và dây thần kinh, các bác sĩ phải dùng kính hiển vi phóng đại lên 10-16 lần. Dây thần kinh đã nhỏ lại chứa nhiều bó rất nhỏ khác. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải có đôi mắt tinh tường và đôi bàn tay khéo léo.

img_4472.jpg
Nối lại ngón tay bị đứt lìa là một kỹ thuật đã trở thành thường quy ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương (ảnh do bác sĩ bệnh viện cung cấp)

Từ năm 2013, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bắt đầu thực hiện kỹ thuật trên, ban đầu mới chỉ dừng lại ở việc nối mạch máu, dây thần kinh bị đứt, rách, nối thần kinh ngoại vi. Mấy năm gần đây, các bác sĩ bệnh viện đã có thể chồng các chi thể đứt lìa hoàn toàn như ngón tay, cánh tay, bàn chân... để trả lại chức năng bình thường cho cơ thể. Vi phẫu nối các chi thể bị đứt lìa đã trở thành kỹ thuật được áp dụng thường quy tại bệnh viện, đem lại niềm vui không nhỏ cho các bệnh nhân.

Ngoài nối các chi thể bị đứt lìa, kỹ thuật vi phẫu ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương còn được các bác sĩ thực hiện bằng việc lấy vạt da, cân (phía ngoài cơ), vạt da, cơ hoặc vạt có yếu tố phức tạp gồm da, cân, cơ, xương từ một vị trí lành lặn để "đắp" cho vị trí bị tổn khuyết nặng trên cơ thể. Không ít ca phẫu thuật lấy vạt ngoài cánh tay để lấp tổn khuyết bàn tay hoặc lấy vạt da ngoài đùi giải quyết tổn khuyến dưới bàn chân đã được bệnh viện thực hiện thành công.

Chuẩn bị áp dụng để mổ u não

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hải Dương cho biết vi phẫu là kỹ thuật khó, vốn chỉ được áp dụng ở các bệnh viện tuyến trung ương. Tuy nhiên, để chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày một tốt hơn, bệnh viện đang nỗ lực tiếp cận và nhận chuyển giao thêm nhiều kỹ thuật vi phẫu mới.

Chậm nhất trong quý I/2024, Bệnh viện Đa khoa Hải Dương sẽ triển khai mổ u não bằng kỹ thuật vi phẫu. Đây là một bước tiến lớn trong công tác chuyên môn của đơn vị, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh trong tương lai gần. Bệnh viện đã đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị và nhận chuyển giao kỹ thuật này từ Bệnh viện Việt Đức. Đội ngũ bác sĩ của đơn vị đã được đào tạo, thực hành. Tới đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức sẽ trực tiếp về "cầm tay chỉ việc" và truyền đạt thêm kinh nghiệm cho đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện.

Tiến tới Bệnh viện Đa khoa Hải Dương sẽ "đặt hàng" thêm với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 một số gói kỹ thuật vi phẫu mới như ghép chi thể của người chết não nối cho người đang sống; lấy ngón chân thứ hai để chuyển lên làm ngón tay cái bị đứt, tổn thương nặng không thể phục hồi; chữa liệt cho những bệnh nhân bị đứt đoạn hoặc mất đoạn dây thần kinh do tai nạn...

Bệnh viện hiện có 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 1 bác sĩ chuyên khoa 2 đã được cấp chứng chỉ vi phẫu, có khả năng thực hiện được nhiều kỹ thuật vi phẫu. Tới đây, bệnh viện sẽ tiếp tục cử các ê-kíp mới đi đào tạo kỹ thuật này trên tuyến Trung ương, kết hợp đào tạo tại chỗ.

Các bác sĩ lưu ý khi người dân không may gặp tai nạn, bị đứt lìa chi thể thì những người xung quanh cần nhanh chóng đem chi thể bị đứt đi rửa nước sạch thông thường, sau đó cho vào túi nilon, thổi khí, buộc lại rồi cho vào thùng đá. Bước cuối cùng là di chuyển bệnh nhân và phần chi thể bị đứt tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Những chi thể bị bầm dập, biến dạng nặng sau tai nạn thì khả năng thành công sau phẫu thuật sẽ thấp hơn.

Xem VIDEO ngón tay đứt lìa của hai bệnh nhân đã cử động trở lại sau khi được nối bằng kỹ thuật vi phẫu:

TIẾN MẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vi phẫu" ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương