Để bảo đảm nguồn nước tốt cho các nhà máy nước sạch thì việc bảo vệ môi trường rất quan trọng.
Cá lồng đang phát triển vượt quá quy hoạch ở xã Nam Tân (Nam Sách)
Hiện nay, ô nhiễm các nguồn nước tự nhiên ngày càng gia tăng đòi hỏi các nhà máy sản xuất nước sạch phải chủ động giám sát chất lượng nguồn nước nguyên liệu đầu vào.
Ô nhiễm từ bãi rác
Gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện bãi chôn lấp rác thải công nghiệp trái phép rộng cả nghìn mét vuông tại xã Hiệp Cát (Nam Sách), gần ngã ba sông Thái Bình-Kinh Thầy. Cách đó không xa lại có hàng nghìn lồng cá ven sông Kinh Thầy thuộc địa bàn các xã Nam Tân, Nam Hưng, An Sơn...
Theo tổng hợp nhanh của lực lượng quản lý đê điều, huyện Nam Sách hiện có hơn 2.000 lồng cá, vượt quá quy hoạch phát triển cá lồng của tỉnh đến năm 2025. Ông Đặng Văn Nam, chủ đầu tư Nhà máy Nước sạch An Bình (Nam Sách) kiến nghị: "Quy hoạch phát triển cá lồng trên sông đã được UBND tỉnh duyệt từ tháng 9.2017. Vì vậy, chính quyền các cấp cần thực hiện nghiêm túc và xử lý kiên quyết với các trường hợp vi phạm. Tình trạng các lồng nuôi cá phát triển tự phát trên sông Kinh Thầy tiềm ẩn mối đe dọa đối với nguồn nước nguyên liệu của chúng tôi".
Lực lượng chức năng kiểm tra bãi chôn lấp rác trái phép ở phường Phả Lại (Chí Linh)
Việc xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn hiện nay chủ yếu là chôn lấp. Rác thải phát sinh trong sản xuất nông nghiệp như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom, xử lý triệt để. Ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Hầu hết các bãi chôn lấp rác thải nông thôn không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, chủ yếu mang tính tạm thời. Nhiều bãi rác đã quá tải, nước từ bãi chôn lấp rác rò rỉ, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nước sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của người dân”.
Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường
Từ tháng 6.2015, UBND tỉnh đã yêu cầu đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nguồn nước nguyên liệu sản xuất nước sạch tập trung từ các sông nội đồng sang các sông lớn. Trong năm 2018 phải hoàn thành việc chuyển nguồn. Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, trong số 73 trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn có 27 trạm sử dụng nguồn nguyên liệu từ các sông nội đồng. Đến ngày 20.3, trong số các trạm nước sạch sử dụng nước sông nội đồng đã có 2 trạm chuyển lấy nguồn nguyên liệu ở sông lớn; 17 trạm khác không sản xuất mà mua nguồn nước sạch thành phẩm để cấp cho khách hàng; các trạm còn lại đều đã có kế hoạch chuyển nguồn trong năm nay.
Hệ thống đường ống cấp nước phải được xúc xả định kỳ đúng quy định
Công ty CP Nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương có 26 nhà máy nước sạch. Đến nay đã có 16 nhà máy chuyển xong nguồn nguyên liệu lấy nước từ sông lớn, 10 nhà máy còn lại mua nguồn nước thương phẩm của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương và Nhà máy Nước sạch Đông Kỳ. Công ty cấp nước sạch phục vụ cho 95.000 khách hàng ở 56 xã. Ông Vũ Văn Đại, Giám đốc công ty cho biết:"Quy trình sản xuất nước sạch của đơn vị luôn được thực hiện nghiêm ngặt từ lấy mẫu và kiểm tra chất lượng nước nguyên liệu; quá trình xử lý hóa chất; kiểm soát chất lượng nước thành phẩm định kỳ... Mỗi lần kiểm soát đều ghi lại số liệu bằng văn bản để thuận lợi điều chỉnh trong quá trình sản xuất".
Ông Vũ Công Cương, Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn khẳng định: "Mục tiêu số 1 là sản xuất nước sạch, an toàn. Các nhà máy sản xuất nước sạch phải chủ động quản lý, giám sát toàn diện các thông số như kiểm tra, kiểm định chất lượng mẫu nước thô; tính chất lý, hóa của nước qua xử lý ở từng công đoạn. Tổ chức bảo vệ tốt nguồn nước thô nguyên liệu trong vùng khai thác; bảo đảm vệ sinh môi trường. Tăng cường kiểm tra, thau rửa bể chứa nước, xúc xả các đường ống cấp nước; định kỳ kiểm tra nước tại vòi của khách hàng để giám sát đúng quy định...".
Thiết nghĩ để bảo đảm nguồn nước tốt cho các nhà máy nước sạch thì việc bảo vệ môi trường rất quan trọng. Vì vậy các cấp, các ngành và toàn dân cần tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước vì cuộc sống của mỗi người.
THÀNH LONG