Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Venezuela ở Caracas. Ảnh tư liệu
Liên minh cánh tả đã giành thắng lợi quan trọng trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Venezuela. Đây là chiến thắng được cho là sẽ mở ra một hướng đi mới cho Venezuela, thúc đẩy đối thoại giữa chính phủ và các đảng phái, hóa giải những khác biệt để hướng tới mục tiêu chung là từng bước vực dậy nền kinh tế và khôi phục cuộc sống bình thường của người dân.
Thách thức với tiến trình Bolivar
Ngày 6.12, người dân Venezuela đã tham gia bỏ phiếu để bầu ra các nghị sỹ tham gia vào Quốc hội khóa mới. Trong cuộc bầu cử lần này có khoảng 14.400 ứng cử viên đại diện cho hơn 100 chính đảng đăng ký tranh cử 277 ghế nghị sỹ tại Quốc hội. Đáng chú ý là một bộ phận phe đối lập cứng rắn do ông Juan Guaido đứng đầu đã tuyên bố tẩy chay không tham gia song vẫn còn rất nhiều các đảng đối lập đã đăng ký để quyết tâm ngăn chặn Khối Yêu nước do đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Venezuela (PSUV) làm nòng cốt quay trở lại kiểm soát cơ quan lập pháp.
Bất chấp việc Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), Mỹ và một số nước khác tuyên bố sẽ không công nhận kết quả bầu cử lần này, chính phủ Venezuela vẫn quyết tâm tổ chức cuộc bầu cử đúng theo qui định của Hiến pháp, khẳng định bảo đảm đầy đủ các điều kiện về minh bạch, tự do và dân chủ, cũng như sự tham gia rộng rãi của các đảng phái.
Tổng thống Maduro khẳng định, Venezuela là một quốc gia độc lập và có quyền tự quyết mà không phải phụ thuộc vào bất kỳ sức ép nào từ bên ngoài để quyết định về tương lai của mình. Ông cũng tuyên bố sẽ từ chức nếu phe đối lập giành đa số phiếu trong Quốc hội khóa mới và coi đây là một thách thức đối với tín nhiệm của chính quyền cách mạng, song luôn tin tưởng người dân sẽ có những lựa chọn sáng suốt, phù hợp với lợi ích của đất nước.
Tổng thống Maduro cũng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tôn trọng kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tại Venezuela cũng như quyền tự quyết của nhân dân Venezuela đối với vận mệnh của đất nước. Ông nhấn mạnh Venezuela luôn tuân thủ nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới và vì vậy cũng yêu cầu các nước tôn trọng chủ quyền của Venezuela. Ông khẳng định Venezuela kiên quyết bác bỏ những hành động can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó, phe đối lập cứng rắn do thủ lĩnh Guaido đứng đầu, người được Mỹ và nhiều nước đồng minh công nhận là "Tổng thống lâm thời" Venezuela từ đầu năm 2019, tuyên bố sẽ tiếp tục "sứ mệnh" khôi phục nền dân chủ Venezuela kể cả sau khi cuộc bầu cử kết thúc và một Quốc hội mới được lập ra.
Trong bối cảnh đất nước vẫn đang chìm trong một cuộc khủng hoảng kinh tế, những xung đột chính trị sâu sắc giữa chính phủ và các đảng phái chính trị đối lập, và sức ép từ các thế lực bên ngoài không suy giảm, cuộc bầu cử lần này được cho là một thách thức vô cùng to lớn đối với tiến trình cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng.
Liên minh cánh tả giành thắng lợi
Ngày 7.12, theo kết quả bầu cử do Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela (CNE) thông báo, Khối Yêu nước Vĩ đại - liên minh các đảng cánh tả do đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền đứng đầu, đã giành được đa số ghế tại Quốc hội khóa mới.
Theo CNE, liên minh trên giành được 67,6% số phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử, bỏ xa đối thủ ở vị trí thứ hai là liên minh đối lập bao gồm các đảng Hành động Quốc gia (AD), El Cambio, Avanza Progresista với 17,95% số phiếu bầu; liên minh VU/PV/VPA với 4,19%, Đảng Cộng sản với 2,73% và các đảng phái khác được 6,79%.
CNE cũng cho biết có khoảng 5,2 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu, tương đương 31% tổng số cử tri đủ tư cách bầu cử, trong đó Khối Yêu nước Vĩ đại nhận được hơn 3,5 triệu phiếu bầu và liên minh đối lập nhận được 944.665 phiếu. Kết quả trên không thể thay đổi vì 82,35% số phiếu bầu đã được kiểm.
Giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử với sự tham gia của đông đảo người dân cả nước là một minh chứng về tính dân chủ và sự chín muồi chính trị của một tiến trình bầu cử tự do và chủ quyền của Venezuela. Chiến thắng này cũng cho thấy mặc dù Venezuela đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế, những xung đột chính trị sâu sắc giữa chính phủ và các đảng phái chính trị đối lập, cũng như sức ép từ bên ngoài, song nhân dân Venezuela vẫn giành sự tín nhiệm cho liên minh cánh tả cũng như tiến trình cách mạng Bolivar do cố Tổng thống Hugo Chavez khởi xướng mà cả dân tộc đã theo đuổi trong nhiều năm qua.
Việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội lần này sẽ tạo điều kiện để đảng PSUV cầm quyền tiếp nối tiến trình cách mạng Bolivar. Điều quan trọng nhất là Quốc hội khóa mới được bầu ra lần này có thể tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại, hóa giải những khác biệt để hướng tới mục tiêu chung là từng bước vực dậy nền kinh tế và khôi phục lại cuộc sống bình thường của người dân. Đây có thể sẽ là cơ hội để thay đổi hướng đi tương lai của quốc gia Nam Mỹ này mà các bên đều phải trân trọng; song cũng đặt lên vai Quốc hội khóa mới những nhiệm vụ nặng nề để chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những thách thức của thời cuộc vì lợi ích cũng như một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.
Vực dậy nền kinh tế, tạo sự ổn định và liên kết khu vực
Trong thời gian tới, thách thức lớn nhất đối với liên minh cánh tả cầm quyền chính là vấn đề kinh tế. Nền kinh tế Venezuela tiếp tục lún sâu trong khủng hoảng, các dịch vụ cơ bản như vận tải, điện, nước sinh hoạt và hệ thống dường như sụp đổ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang hoành hành. Đây là năm thứ bảy liên tiếp quốc gia giàu dầu mỏ này rơi vào suy thoái. Đồng Bolivar nội tệ của Venezuela dường như đã mất đi chức năng trao đổi hàng hóa do sự mất giá không thể kiểm soát. Hồi cuối tháng 4.2020, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro đã tăng 77,7% mức thu nhập tối thiểu cho người dân nước này, bao gồm cả lương cơ bản và gói trợ cấp lương thực, song đến nay khoản thu nhập này chỉ tương đương với khoảng 2,8 USD, không đủ để mua 1kg thịt lợn. Theo thống kê, mỗi gia đình gồm có 4 thành viên ở Venezuela cần phải có mức thu nhập khoảng 200 USD để có thể chi phí cho tất cả các dịch vụ cơ bản.
Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ, mặt hàng chiếm tới 99% sản lượng xuất khẩu của quốc gia này- theo ước tính của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC)- tiếp tục giảm mạnh. Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela giảm xuống mức thấp nhất 17 năm. Số liệu mới đây của tổ chức Refinitiv Eikon và tài liệu vận chuyển nội bộ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia PDVSA của Venezuela cho thấy xuất khẩu dầu mỏ của nước này trong tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã “bóp nghẹt” xuất khẩu và hai công ty Libre Abordo và Schlager của Mexico vốn làm trung gian bán dầu thô cho Caracas đã ngừng tiếp nhận dầu mỏ. Quốc hội Venezuela nhận định đà suy giảm sẽ tiếp tục do hoạt động kinh doanh lao dốc của PDVSA và việc nước này không thể bán dầu thô ở nước ngoài.
Cùng với suy thoái kinh tế là tình trạng lạm phát phi mã. Quốc hội Venezuela cho biết tỷ lệ lạm phát của nước này trong vòng một năm qua tính từ tháng 7.2019 đã ở mức 4.099%, trong đó lạm phát trong giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay là 843%. Đây được coi là mức siêu lạm phát cao hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, các chương trình xã hội vì người nghèo, an ninh lương thực mà chính phủ Venezuela đã triển khai trong nhiều năm qua, đặc biệt là các chương trình giáo dục và y tế miễn phí và chất lượng, cũng như chương trình xây dựng nhà cho người nghèo cũng là những vấn đề mà Quốc hội khóa mới cần thúc đẩy trong thời gian tới.
Trong quan hệ đối ngoại, liên minh cánh tả sẽ phải tạo sự ổn định vì sự hợp tác và liên kết trong khu vực, qua đó giúp cho công cuộc khôi phục và ổn định nền kinh tế thuận lợi hơn. Chắc chắn, Venezuela sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết với phong trào tiến bộ ở khu vực để vực dậy sức mạnh như những năm trước đây, cũng như bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết định vận mệnh trước sức ép từ bên ngoài.
Theo TTXVN