Các nhà khoa học Mỹ nhận định Người Tuyết (Yeti) có thể chỉ là một loài gấu nâu, khác với nhận định đây là gấu Bắc Cực cổ đại hay loài hiện đại.
Sinh vật được cho là người tuyết (yeti). Ảnh: Telegraph |
Năm 2013, giáo sư di truyền học Bryan Sykes của Đại học Oxford, Anh, nghiên cứu hai sợi tóc được tìm thấy ở vùng hẻo lánh ở dãy Himalaya. Ông phát hiện chúng có gene di truyền giống một loài gấu Bắc Cực từ 40.000 năm trước và chỉ ra rằng một loài sinh vật cổ đại có thể là lý do đằng sau các câu chuyện về người tuyết. Trong khi đó, một nhóm chuyên gia khác nhận định chúng là một gấu Bắc Cực hiện đại từ Alaska.
Theo hai chuyên gia Eliécer E. Gutiérrez của Viện Smithsonian và Ronald Pine của Đại học Kansas, các mẫu tóc này không thể là loài đã tuyệt chủng hoặc một loài hiện đại, chúng có thể xuất phát từ gấu nâu Himalaya.
Gutiérrez cho rằng không có lý do gì để tin rằng người tuyết tồn tại ở đâu đó. Nhiều loài động vật có vú được phát hiện mỗi năm, nhưng không có bằng chứng nào về sự tồn tại của một loài tương thích với yeti.
"Nhiều người quan tâm đến các truyền thuyết về yeti và tình trạng này đôi khi khiến họ tin về khả năng tồn tại của chúng. Thật may mắn là cộng đồng khoa học chỉ chấp nhận những tuyên bố dựa trên chứng cứ rõ ràng", IB Times hôm qua dẫn lời Gutiérrez nói.
Theo Telegraph, Yeti là một sinh vật có kích thước lớn và được cho là sống ở dãy Himalaya và Tây Tạng. Năm 2012, kết quả phân tích những mẫu lông lạ ở vùng Siberia của Nga cho thấy chúng có thể thuộc một loài động vật cao cấp hơn khỉ song không phải là người.
Tại Bắc Mỹ, sinh vật tương tự có tên là bigfoot hay dã nhân chân to. Trong khi đó sinh vật lớn màu xám ở Ben Macdui, dãy núi cao thứ hai của Anh, có thể chỉ là hình ảnh xuất hiện do bóng ma (brocken spectre), một hiện tượng khí tượng khiến bóng của một người nào đó in lên đám mây thấp.
ANH HOÀNG (VnExprees)